Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 21/12/2024 20:28 (GMT +7)
Giáo dục truyền thống trong trường học ở Bình Liêu
Chủ nhật, 22/09/2024 | 11:05:24 [GMT +7] A A
Lồng ghép bằng các cách làm sinh động, hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm "chơi mà học", của các CLB... là cách mà ngành giáo dục Bình Liêu đang làm để đưa giáo dục nét đẹp, truyền thống văn hoá các dân tộc vào trường học.
Là huyện miền núi, biên giới, Bình Liêu có tỷ lệ dân tộc thiểu số cao nhất tỉnh. Văn hóa truyền thống cộng đồng các dân tộc ở Bình Liêu rất giàu bản sắc, phong phú. Vì thế, ngành Giáo dục Bình Liêu đã hướng dẫn cụ thể các trường trên địa bàn xây dựng kế hoạch với các nội dung giáo dục văn hóa dân tộc gắn các hoạt động giáo dục của trường.
Trước hết, trong giáo dục các giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc, các trường tiến hành tích hợp nội dung này vào môn học như: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân và tích hợp trong các chương trình hoạt động ngoại khóa. Chủ đề các buổi ngoại khóa gần gũi, phong phú, hấp dẫn như một sân chơi. Đó là tổ chức các cuộc thi sưu tầm và thuyết trình hiện vật dân gian của dân tộc mình trong cuộc sống thường này. Bản thân các em phải tự tìm hiểu, hỏi người thân, cộng đồng về những hiện vật, giá trị ẩn giấu... Qua đó, giúp các em từng bước hình thành lòng tự hào dân tộc, hiểu và biết văn hoá dân tộc mình một cách tự nhiên nhất.
Giáo dục theo cách “chơi mà học” là cách khá phổ biến các trường áp dụng. Các cuộc thi tiểu phẩm, hoạt cảnh, trình diễn trang phục được thực hiện dưới sự tham gia của các nghệ nhân dân gian. Cụ thể, như các trải nghiệm giã bánh dày với nghệ nhân người dân tộc Sán Chỉ, thử sức với trò chơi ném còn của người Tày, thi ẩm thực, tham gia các lễ hội ở địa phương. Qua đó, những giá trị văn hóa, lịch sử đến với học sinh một cách tự nhiên hơn, góp phần bồi đắp thêm tình yêu quê hương đất nước.
Mô hình các CLB là cách mà ngành giáo dục Bình Liêu thực hiện hiệu quả và rộng rãi. Hiện Bình Liêu còn lưu giữ được nhiều lễ hội cũng như những lời ca tiếng hát đặc trưng thể hiện bằng ngôn ngữ các dân tộc. Vì thế, các CLB được mở ra nhằm dạy hát như hát then của người Tày, hát soóng cọ của người Sán Chỉ, hát pả dung của người Dao Thanh Phán… với sự tham gia “cầm tay chỉ việc” của các nghệ nhân ở Trung tâm TT-VH huyện. Sau đó là tổ chức các cuộc thi, sân chơi để các em thể hiện tài năng.
Ngoài ra, ở các trường còn có hàng loạt các hoạt động ý nghĩa như: Ngoại khóa, trưng bày “Không gian văn hóa các dân tộc huyện Bình Liêu”, thi hiểu biết về truyền thống văn hóa các dân tộc; thi tiểu phẩm, hoạt cảnh, trình diễn trang phục của các dân tộc... Trải nghiệm văn hóa ẩm thực (thi gói bánh, tráng phở, trưng bày mâm cỗ...); tham gia các lễ hội (Lễ hội đình Lục Nà, Hội Kiêng gió, Hội Soóng cọ, Hội Hoa sở, Hội Mùa vàng…).
Thống kê sơ bộ, hiện ở huyện Bình Liêu đã có gần 20 CLB văn nghệ dân gian trong các trường học. Nhiều trường đã thành lập mới các CLB truyền thống, mở các lớp học để các nghệ nhân trao truyền giá trị văn hóa truyền thống. Tiêu biểu là CLB Đàn tính - hát then, CLB Hát pả dung ở Trường Mầm non Đồng Văn, CLB Soóng cọ ở Trường THCS Húc Động...
Tuy nhiên, công tác giáo dục này cũng còn hạn chế như cơ sở vật chất ở nhiều trường còn ít, nguồn tư liệu tuyên truyền chủ yếu là truyền miệng, công tác tập huấn, kiểm tra giáo dục văn hóa dân tộc chủ yếu là lồng ghép... Đây là điều cần sớm khắc phục để chương trình đạt hiệu quả cao thời gian tới.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()