Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 07:00 (GMT +7)
Đưa miền núi tiến gần miền xuôi
Thứ 3, 31/10/2023 | 06:32:50 [GMT +7] A A
Theo Quyết định 861/QĐ-TTG (ngày 4/6/2021) của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Ninh có 56 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, với 162.531 người, chiếm 11,45% dân số toàn tỉnh, sinh sống ở vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh. Kiên trì, thống nhất trong ý chí, tư duy, hành động mục tiêu "lấy dân làm gốc", tỉnh Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới người dân vùng DTTS và miền núi, nhằm nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, để mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của sự phát triển.
Hạ tầng đi trước một bước
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã dành nguồn lực rất lớn đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ. Nhiều công trình giáo dục đào tạo, giao thông, điện, nước... được đầu tư đã từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, sinh hoạt, học tập của nhân dân.
Đặc biệt, để học sinh được học tập trong ngôi trường hạnh phúc, tỉnh đã triển khai xây mới, sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất các trường trên địa bàn, tiến tới thực hiện mục tiêu mỗi cấp học giáo dục phổ thông ở mỗi huyện có ít nhất 1 trường công lập; mỗi thành phố, thị xã có 1 trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao.
Năm học 2023-2024, Trường THCS&THPT Quảng La (TP Hạ Long) hoàn thành xây mới và đưa vào sử dụng. Ngôi trường được xây dựng trên diện tích 4,2ha gồm: Khối nhà học, nhà hiệu bộ, nhà để xe, nhà đa năng và đường giao thông đấu nối từ trường ra QL279 thuận lợi cho việc đi lại của cán bộ, giáo viên và học sinh. Ngôi trường khang trang, rộng rãi, bề thế còn nguyên vẹn mùi sơn mới ngập tràn niềm vui, hân hoan, phấn khởi của cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường.
Lý Nguyễn Thái Sơn (học sinh lớp 10, Trường THCS&THPT Quảng La) cho biết: Năm học trước chúng em phải học trong ngôi trường cũ nhỏ hẹp, xuống cấp, chật chội. Vì thế, các khối phải học 2 buổi khác nhau. Buổi học sáng cho 10 lớp khối THPT và buổi chiều cho 8 lớp khối THCS. Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và thành phố, năm học này, chúng em được học trong ngôi trường mới khang trang, bề thế, đầy đủ. Chúng em xin hứa sẽ luôn cố gắng học tập tốt, không ngừng tu dưỡng, tích cực rèn luyện để trở thành những công dân có ích, chung tay xây dựng quê hương.
Cô giáo Lê Thị Kim Thu, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Quảng La, chia sẻ: Trước đây, do thiếu diện tích nên nhà trường phải mượn UBND xã Quảng La một khu đất đối diện dành cho hoạt động giáo dục thể chất, quốc phòng. Vì vậy, ngay từ khi có thông tin trường được xây mới, cô và trò nhà trường vô cùng háo hức. Giờ đây, ngôi trường mới khang trang, đồng bộ được đưa vào sử dụng là niềm hạnh phúc nhất trong chặng đường mấy chục năm đứng trên bục giảng của tôi. Điều này cũng tiếp thêm động lực, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh ở vùng đất này.
Vạn Yên là xã khó khăn của huyện Vân Đồn, vốn có điều kiện, cơ sở trường, lớp học nhiều thiếu thốn. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh. Vì vậy, huyện đã đề xuất tỉnh đầu tư Trường TH&THCS xã Vạn Yên, tổng mức đầu tư gần 72 tỷ đồng. Ngôi trường được đầu tư đồng bộ, hiện đại với 3 khối nhà cao 3 tầng (khối tiểu học, khối THCS, khối nhà hiệu bộ) và các công trình phụ trợ, đáp ứng tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Sau thời gian ngắn triển khai thi công, công trình Trường TH&THCS Vạn Yên đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng dịp khai giảng năm học 2023-2024.
Cô giáo Bùi Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường TH&THCS xã Vạn Yên, cho biết: Trước đây thầy và trò nhà trường sử dụng những dãy nhà cấp 4 được xây dựng cách đây 20 năm đã bị xuống cấp, cũ kỹ, chật hẹp. Giờ được sử dụng ngôi trường mới khang trang, hiện đại, sạch đẹp như này, thầy, trò và các bậc phụ huynh rất vui mừng, phấn khởi. Đây là động lực, tiếp thêm sức mạnh để cho thầy, trò nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học, cải thiện trình độ dân trí ở xã vùng sâu của huyện.
Không chỉ ở lĩnh vực giáo dục, bằng đa dạng nguồn lực, nhiều dự án giao thông, thiết chế văn hóa, an sinh xã hội... tạo động lực cho miền núi, biên giới, hải đảo đã được đưa vào sử dụng. Có thể kể đến như: Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 (QL18C) từ KKT cửa khẩu Móng Cái đến KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh (giai đoạn 2); đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ (huyện Tiên Yên); đường giao thông từ trung tâm huyện đi xã Quảng An (huyện Đầm Hà); đập dâng nước trên sông Đầm Hà...
Nổi bật phải kể đến Dự án cải tạo đường tỉnh 341 (QL18C) từ KKT cửa khẩu Móng Cái đến KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh (giai đoạn 2). Tuyến đường hoàn thành, ngoài việc cải thiện điều kiện giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, phát triển kinh tế - xã hội, còn là động lực để thúc đẩy giao thương hàng hóa, thu hút các dự án đầu tư, giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Quan trọng hơn hết, tuyến đường đã hiện thực hóa ước mơ kéo gần khoảng cách từ xã miền núi của TP Móng Cái và huyện Bình Liêu đến khu vực trung tâm.
Hay như, tuyến đường 31 kết nối khu vực Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn với trung tâm xã Vạn Yên, dài hơn 12km; công trình hạ tầng kỹ thuật khu hành chính, khu chợ truyền thống, khu văn hóa, thể thao và trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Đài Xuyên (huyện Vân Đồn) vừa được khánh thành đã mang đến niềm vui cho người dân nơi đây.
Chị Tằng Nhì Múi (thôn Đài Van, xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn) chia sẻ: Được tỉnh và huyện quan tâm đầu tư xây dựng các công trình mới, người dân chúng tôi vui mừng lắm. Trung tâm văn hóa xã là địa điểm lý tưởng để người dân đến sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao. Chợ mới để người dân tới buôn bán, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Con đường nối liền giữa xã Vạn Yên với xã Đoàn Kết và cao tốc, sân bay... đã giúp nhân dân đi lại thuận tiện. Chắc chắn đời sống nhười dân sẽ ngày càng sung túc hơn.
Chăm lo toàn diện
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm; không còn nhà ở tạm, nhà dột nát; cơ bản giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo, khó khăn.
Để sơm đưa nghị quyết vào cuộc sống, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, với tổng mức đầu tư dự kiến 4.000 tỷ đồng.
Trên cơ sở đó, tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 100% kinh phí cấp thẻ BHYT cho người DTTS sinh sống ở các xã mới ra khỏi vùng khó khăn và người đang sinh sống ở những xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 (theo số liệu của BHXH tỉnh, hiện toàn tỉnh có 71.812 người thuộc đối tượng trên được cấp 100% thẻ BHYT). Qua đó, góp phần bao phủ BHYT, nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe người dân vùng DTTS và miền núi, đảm bảo an sinh xã hội.
Để giảm nghèo bền vững, tỉnh Quảng Ninh xác định, nếu không có nguồn lực đủ mạnh thì vòng luẩn quẩn giữa thoát nghèo và tái nghèo còn tiếp diễn, khi tâm lý trông chờ, ỷ lại của người dân vẫn còn “bám rễ” trong cách nghĩ, cách làm.
Do đó, tỉnh kiên trì với phương châm chuyển từ "cho không" sang "cho vay" tạo nguồn lực cho người dân phát triển sản xuất, loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, nâng cao ý thức của nhân dân trong việc sử dụng vốn. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh bố trí 240 tỷ đồng từ ngân sách ủy thác qua Ngân hàng CSXH thực hiện cho vay tại 65 xã, thị trấn vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Toàn tỉnh đã có 3.475 lượt người dân tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo vay vốn với số tiền 258,5 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập. Qua đó, tổng nguồn ủy thác tại địa phương đến nay đạt 1.025 tỷ đồng, đưa Quảng Ninh là địa phương tốp đầu cả nước về nguồn vốn ủy thác. Con số này đã thể hiện sự quan tâm của tỉnh trong việc tạo lập nguồn vốn giúp người dân phát triển sản xuất.
Ông Nịnh Văn Toàn (thôn Tân Tiến, xã Tân Bình, huyện Đầm Hà) chia sẻ: Gia đình tôi trồng cam V2 từ nhiều năm nay. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, cùng kỹ thuật chăm sóc đúng cách, vườn cam của tôi thường xuyên được mùa, sản lượng quả đạt 8-9 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, cho lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng/năm. Để phát triển sản xuất, tôi dự định mở rộng thêm 1ha. Đang trong lúc vướng mắc vì thiếu vốn, tôi được Hội Nông dân huyện và Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Bằng nguồn vốn vay này, tôi đã mua thêm giống, phân bón, cải tạo đất trồng cam. Chỉ ít năm nữa, vườn cam của gia đình chắc chắn sẽ cho lợi nhuận tăng gấp đôi, thu nhập nâng cao.
Tiếp tục hành trình đưa người dân trên khắp mọi miền của tỉnh, nhất là khu vực DTTS và miền núi được thụ hưởng thành quả của sự phát triển, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 13/2023/NQ-HĐND quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Theo đó, quy định chuẩn hộ cận nghèo cụ thể ở khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2,6 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội; ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2,1 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội. Với quy định này, Quảng Ninh nâng tiêu chí thu nhập của hộ nghèo trong tỉnh cao hơn so với Trung ương khoảng 1,4 lần.
Với lộ trình thực hiện trong 2,5 năm, tỉnh phấn đấu giảm 1.000 hộ nghèo, 4.600 hộ cận nghèo; đến hết năm 2025 còn 1.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo dưới 0,5% theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh. Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng cho việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trong giai đoạn mới, giúp đối tượng thụ hưởng chính sách tiếp cận gần hơn với mức sống tối thiểu của người dân, rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức sống của người dân giữa các vùng miền.
Ông Lưu Minh Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ), cho biết: Đồn Đạc vốn là xã có nhiều khó khăn của huyện với trên 1.400 hộ dân sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS chiếm 72%. Do đó, việc HĐND tỉnh ban hành nghị quyết có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội của xã, đồng thời đòi hỏi trách nhiệm của mỗi cán bộ, nhân dân và địa phương trong việc thực hiện mục tiêu này.
Chặng đường thực hiện mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền của Quảng Ninh còn không ít những khó khăn ở phía trước. Chắn chắn rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt, giải pháp đồng bộ, tư duy đổi mới, cùng vào cuộc quyết liệt của tỉnh đến các sở, ngành, địa phương, nhất là người dân vùng DTTS và miền núi, Quảng Ninh tiếp tục gặt hái được thành công trên hành trình thu hẹp khoảng cách, song hơn hết đó là mỗi người dân trên mảnh đất này đều được ấm no, bình yên, hạnh phúc, từ đó, tiếp thêm sức mạnh mới, động lực mới, khí thế mới để tỉnh vun đắp những giá trị cốt lõi: "Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc".
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()