Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 00:23 (GMT +7)
Đưa tiện ích của Đề án 06 đi vào cuộc sống
Thứ 2, 10/04/2023 | 06:06:35 [GMT +7] A A
Với tinh thần tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số, mong muốn có thêm nhiều tiện ích để phục vụ người dân, ngay khi Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” gọi tắt là Đề án 06 được triển khai trong toàn quốc, tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng đẩy mạnh các nội dung công việc, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Hiện tỉnh đang tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, rút kinh nghiệm những vấn đề còn tồn tại và tiếp tục nỗ lực để đưa những tiện ích của Đề án này đi vào cuộc sống.
Từ tháng 5/2022, hệ thống giải quyết TTHC cấp tỉnh kết nối chính thức với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và khai thác 3 dịch vụ do Bộ Công an cung cấp, gồm: Dịch vụ xác nhận số định danh cá nhân (số căn cước công dân) và chứng minh nhân dân; dịch vụ xác nhận thông tin hộ gia đình (các thành viên có phải là thành viên của chủ hộ không); dịch vụ chia sẻ thông tin công dân.
Bước sang năm 2023, hệ thống giải quyết TTHC đến cấp xã phường trên địa bàn tỉnh cũng đã khai thác được 3 dịch vụ trên. Hiện tỉnh cũng đã triển khai số hóa 100% TTHC được tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và 13/13 trung tâm hành chính công cấp huyện; thí điểm bóc tách dữ liệu TTHC trong một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có phát sinh lượng hồ sơ lớn để tái sử dụng kết quả phục vụ giải quyết TTHC cho các tổ chức, cá nhân…
Về kết quả triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu theo danh mục của Đề án 06, kể từ tháng 5/2022, khi Cổng dịch vụ công của tỉnh đã kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khi giải quyết TTHC, cán bộ có thể khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu để đối sánh với những giấy tờ công dân cung cấp mà không phải nhập thủ công như trước đây, giúp giảm thiểu đáng kể thời gian giải quyết công việc. Một số dịch vụ công có tỷ lệ phát sinh hồ sơ cao như: Thông báo lưu trú đạt 99,1%, cấp xác nhận số CMND đạt 78,4%, đăng ký khai sinh và đăng ký kết hôn đều đạt trên 70%, đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng đạt 99,42%...
Đến nay, lực lượng công an các đơn vị, địa phương cũng đã thu nhận gần 1,1 triệu hồ sơ cấp CCCD gắn chip điện tử cho người dân, đạt tỷ lệ trên 96% người dân trong độ tuổi quy định có CCCD gắn chip; thu nhận và truyền lên Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) hơn 385.000 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử và đã kích hoạt thành công hơn 87.000 tài khoản.
Toàn tỉnh cũng đã xác thực đồng bộ dữ liệu cho gần 690.000 trên tổng số hơn 1,2 triệu người tham gia BHYT với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt 55,95%). Đồng thời, đã có 206/221 cơ sở khám chữa bệnh BHYT triển khai khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip, đạt 93,2%; trong năm 2022, đã có gần 200.000 lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng thẻ CCCD để khám chữa bệnh, số lượt tra cứu thành công là gần 130.000 lượt, đạt 64,5%...
Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, song việc triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc. Trong đó có thể kể đến việc triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của Đề án có nơi còn chậm, chưa quyết liệt; nguồn nhân lực đảm nhận các nhiệm vụ còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc; việc tra cứu, khai thác dữ liệu công dân từ thẻ CCCD gắn chip chưa đạt hiệu quả cao trong giải quyết TTHC…
Để Đề án 06 tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả tích cực và những tiện ích từ Đề án này thực sự mang lại lợi ích cho người dân, hiện tỉnh đã và đang chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị chức năng, trong đó nòng cốt là lực lượng công an các địa phương, đơn vị và các Tổ công nghệ số cộng đồng đẩy nhanh các nội dung công việc. Trong đó, trước mắt tập trung vào việc hoàn thành cấp CCCD gắn chip; làm sạch dữ liệu dân cư, đảm bảo nguồn dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống” và cài đặt, đăng ký, nâng cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân. Đồng thời tuyên truyền về ý nghĩa, phổ biến, hướng dẫn về kỹ năng ứng dụng các tiện ích của Đề án 06 cho các tầng lớp nhân dân.
Đầu tháng 3/2023 vừa qua, Tổ công tác Đề án 06 tỉnh Quảng Ninh cũng đã có văn bản gửi Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ, Bộ Công an và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam đề xuất triển khai một số tiện ích mới của Đề án 06 tại Quảng Ninh. Trong đó, tỉnh đề nghị các bộ, ngành, đơn vị Trung ương quan tâm, ưu tiên lựa chọn, triển khai tại Quảng Ninh một số tiện ích mới, như: Thiết bị di động xác thực thẻ CCCD gắn chip để phòng chống gian lận trong thi cử; phần mềm thông báo lưu trú tự động qua quét thẻ CCCD gắn chip; sử dụng thẻ CCCD để giao dịch thông qua các điểm giao dịch BIDV Ezone và máy giao dịch tự động đa năng (CRM)…
Tỉnh Quảng Ninh khẳng định, với tinh thần tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số, mong muốn có thêm nhiều tiện ích để phục vụ người dân, tỉnh luôn sẵn sàng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai, thí điểm các tiện ích mới của Đề án 06 trên địa bàn. Đồng thời, tạo mọi điều kiện về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị và hành lang pháp lý trên cơ sở các quy định của pháp luật để triển khai thực hiện…
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()