Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 12:41 (GMT +7)
Đừng để tái diễn những "mùa tôm buồn"
Thứ 4, 23/07/2014 | 06:45:54 [GMT +7] A A
Mùa tôm năm nay, nhiều hộ dân nuôi trồng thuỷ sản ở huyện Tiên Yên lại trắng tay, do nhiều đầm tôm bị nhiễm bệnh chết hàng loạt.
Trong đó Hải Lạng và Đông Ngũ là hai xã có nhiều diện tích nuôi tôm bị bệnh nhất. Một hộ dân ở xã Hải Lạng cho biết, vụ tôm vừa qua, gia đình nuôi thả trên 6ha ao đầm với hơn 60 vạn con giống chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng được thả. Sau gần 2 tháng nuôi thả, gia đình phát hiện có hiện tượng tôm chết hàng loạt. Do thời điểm này tôm còn nhỏ nên không thể tận thu được, đành để mất trắng, thiệt hại đến cả trăm triệu đồng. Một hộ nuôi tôm khác cũng ở xã Hải Lạng cho hay, mùa tôm năm nay cũng nuôi thả khoảng 2ha giống tôm thẻ chân trắng theo hình thức công nghiệp với hệ thống ao đầm được đầu tư kiên cố trị giá gần 2 tỷ đồng. Thế nhưng khi tôm nuôi được khoảng 50 ngày thì thấy có hiện tượng bị mắc bệnh…
Theo cơ quan chuyên môn của huyện Tiên Yên cho biết, rút kinh nghiệm và từ bài học của những vụ tôm bị nhiễm bệnh các năm trước, vụ nuôi tôm năm nay huyện đã chỉ đạo sát sao quá trình nuôi thả, đặc biệt là vấn đề con giống, đảm bảo có tới 95% có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được kiểm tra thường xuyên. Do vậy, nguyên nhân dẫn đến tôm chết hàng loạt không phải là tại giống mà tại môi trường, nguồn nước nuôi bị nhiễm bệnh do người dân thường xuyên lấy nước từ bên ngoài vào. Bởi thực tế, cùng trên một địa bàn, ao đầm nào có nguồn nước đảm bảo thì tôm vẫn sống khoẻ. Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn đến tôm bị chết còn có một phần do yếu tố thời tiết. Năm nay từ đầu mùa hè đã có nhiều đợt nắng nóng kéo dài, trong khi đó nhiều ao nuôi lại duy trì mực nước quá thấp dẫn đến nhiệt độ của nước trong ao tăng, cộng với có nhiều đợt mưa thất thường làm thay đổi nhiệt độ nước đột ngột đã gây bệnh cho tôm…
Ở đây cần phải nói thêm rằng, từ năm 2010 trở lại đây, hầu như vụ tôm nào ở Tiên Yên cũng bị mắc dịch bệnh, dẫn đến nhiều diện tích ao nuôi tôm bị chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng cho người nuôi và gây tâm lý lo lắng cho các hộ nuôi trồng thuỷ sản. Các vụ dịch trước, nguyên nhân chính là do nguồn giống không đảm bảo chất lượng, phần lớn được người nuôi mua trôi nổi trên thị trường, kể cả ở nước ngoài, không qua kiểm dịch. Thế nhưng năm nay quản lý, kiểm soát được con giống thì lại phát sinh nguyên nhân mới là do nguồn nước, môi trường bị ô nhiễm, cộng với yếu tố thời tiết bất lợi.
Chúng ta đều biết, nuôi trồng thuỷ sản nói chung và nuôi tôm nói riêng mang lại lợi nhuận cao nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nếu được mùa thì thắng lớn, ngược lại, khi bị dịch bệnh thì gần như là trắng tay. Bởi vậy, để khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất thì vai trò làm “bà đỡ” của các cơ quan chuyên môn là hết sức quan trọng và có tính quyết định thắng, bại. Cụ thể ở đây là tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn để người dân nắm rõ và thực hiện đúng các quy định, quy trình nuôi thả, từ chọn giống, tổ chức sản xuất đến phương pháp xử lý ao đầm, cách thay nước, sử dụng thức ăn v.v.. Bên cạnh đó là đưa ra những cảnh báo, khuyến nghị khi thời tiết không thuận lợi. Chỉ có như vậy mới hạn chế đến mức thấp nhất những “mùa tôm buồn” tái diễn đối với người nuôi, góp phần tạo hứng khởi cho người dân đầu tư mạnh vào phát triển sản xuất…
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()