Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 22:05 (GMT +7)
Dùng thay điểm thi sẽ đem lại nhiều hệ lụy, cần trả IELTS về đúng vị trí
Thứ 7, 26/08/2023 | 11:16:30 [GMT +7] A A
“Việc ưu tiên chứng chỉ IELTS trong thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học khiến nhiều gia đình đổ xô cho con em học ngoại ngữ. Nhưng khi chạy theo tiếng Anh mà bỏ qua các lĩnh vực khoa học kỹ thuật khác, có thể gây nguy hiểm cho đất nước”.
Tại hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 diễn ra mới đây, ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết tới đây, Bộ sẽ xem xét lại việc miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ bằng IELTS.
Trước thông tin này, thầy Đặng Minh Tuấn, giảng viên Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho hay đây là việc cần làm sớm và phải làm quyết liệt, không chỉ đối với việc thi tốt nghiệp THPT mà còn cả xét tuyển vào các trường đại học.
Mặc dù không phủ nhận những lợi ích phong trào học ngoại ngữ mang lại như: giúp giáo viên và học sinh buộc phải “chuyển mình” thay đổi; giúp người học có công cụ, phương tiện để giao lưu quốc tế và tiếp cận kho tri thức khổng lồ trên thế giới… nhưng ông Tuấn cho rằng việc ưu tiên xét tuyển bằng các chứng chỉ quốc tế có thể làm thiên lệch sự định hướng giáo dục.
“Vốn dĩ IELTS chỉ là một công cụ dùng để đánh giá việc sử dụng các kỹ năng ngoại ngữ gồm: nghe, nói, đọc, viết trong thời gian ngắn hạn, do đó không liên quan đến việc đánh giá khả năng chuyên môn, năng lực của người học.
Chẳng hạn với một sinh viên học ngành Kinh tế, khi sử dụng tiếng Anh tốt có thể giúp bạn phát triển nghề nghiệp tốt hơn, nhưng không thể sử dụng IELTS để đánh giá năng lực chuyên môn về kinh tế”.
Việc không hiểu đúng, theo ông Tuấn, có thể dẫn tới sự méo mó, lệch lạc. Bởi hiện nay phong trào học chứng chỉ IELTS đang đi sâu vào rất nhiều gia đình, vùng miền vì cho rằng IELTS sẽ trở thành “tấm hộ chiếu” hay “tấm vé thông hành”.
Vì thế, không ít phụ huynh đã đầu tư tiền bạc, thời gian cho loại chứng chỉ này mà bỏ qua việc trau dồi, phát triển các nền tảng khác. Trong khi đó, ông Tuấn cho rằng nền tảng của kiến thức chính là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
“Thực tế, không có quốc gia nào đặt việc học ngoại ngữ làm trọng tâm để phát triển khoa học cho đất nước. Nền tảng phát triển đất nước phải được bắt đầu từ các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Việc chạy theo tiếng Anh mà bỏ qua các lĩnh vực khoa học kỹ thuật khác có thể gây hại cho quốc gia”, ông Tuấn nói.
Ngoài ra, việc các trường đẩy mạnh tuyển sinh bằng IELTS còn tạo ra sự bất bình đẳng, phân hóa giàu nghèo.
Thực tế ở các thành phố lớn hoặc những gia đình có điều kiện kinh tế tốt, việc đầu tư cho con luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ từ sớm thường dễ dàng hơn. Điều này sẽ không công bằng đối với thí sinh ở các vùng miền khó khăn, dù năng lực tư duy không hề thua kém, nhưng vì không có điều kiện tiếp cận với loại chứng chỉ này nên thiệt thòi khi tham gia xét tuyển.
“Đẩy mạnh các phương thức tuyển sinh bằng chứng chỉ IELTS sẽ tạo ra những lợi thế cho các bạn được đầu tư từ sớm. Những chỉ tiêu cho kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ là một “cánh cửa hẹp” cho những thí sinh còn lại.
Điều này giống như câu chuyện tuyển sinh vừa qua, có những thí sinh điểm cao chót vót, nhưng vì chỉ tiêu tuyển sinh theo kết quả thi tốt nghiệp THPT quá ít nên điểm chuẩn cao, dẫn tới không đỗ vào ngành mong muốn”.
IELTS chỉ nên là tiêu chỉ cộng điểm cho sinh viên ngành ngôn ngữ
Theo thầy giáo Đặng Minh Tuấn, cần phải xem xét lại việc dùng IELTS thay thế cho bài thi tốt nghiệp THPT. Không nên có bất kỳ sự đặc cách nào bởi việc quy đổi sẽ tạo ra phong trào.
Thay vào đó, chứng chỉ IELTS chỉ nên là một tiêu chí để cộng điểm chứ không phải “tấm vé thông hành”. Đối tượng cộng điểm cũng nên khu trú lại, khuyến khích với những bạn đăng ký vào các ngành nghề liên quan phải sử dụng ngôn ngữ là tiếng Anh.
“Thực tế ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều có hệ thống thi cử căng thẳng để tuyển chọn nhân tài, nhưng chưa bao giờ sử dụng tiếng Anh làm tiêu chí để xét tuyển”, ông Tuấn nói.
Ngoài ra theo ông Tuấn, cần phải phát triển các bài kiểm tra quốc nội để đánh giá học sinh thay vì phải mượn những đánh giá bên ngoài.
“Bài thi IELTS vốn rất đắt; việc ôn luyện cũng tốn kém vô cùng. Nhưng nguồn tiền ấy không phải cho Việt Nam mà đổ vào các tổ chức đánh giá quốc tế, từ đó, gây ra thất thoát về tài chính cũng như sự lãng phí không đáng có”.
Ông Tuấn đề xuất, Bộ GD-ĐT có thể tổ chức một kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ với các tiêu chí phù hợp với giáo dục Việt Nam – một kỳ thi riêng giống như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hay TP.HCM vẫn đang làm rất tốt. Đánh giá năng lực của người học nhưng phải phụ thuộc vào một kỳ thi bên ngoài vốn không phải là tiêu chí cho nền giáo dục của toàn dân.
“Tóm lại, IELTS chỉ phản ánh kỹ năng sử dụng tiếng Anh trong thời gian ngắn hạn, do đó, cần nhanh chóng trả IELTS về đúng vị trí, vai trò của mình”, ông Tuấn nói.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()