Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 00:42 (GMT +7)
Đừng tự chặt vào chân mình
Chủ nhật, 01/05/2011 | 09:00:51 [GMT +7] A A
Những ngày sôi động nhất của Tuần Du lịch Hạ Long 2011. Hàng triệu du khách khắp nơi đổ về Quảng Ninh, đổ về thành phố Hạ Long tham gia các hoạt động của lễ hội, thăm vịnh Hạ Long, non thiêng Yên Tử, thưởng thức các món ăn nổi tiếng của vùng biển Quảng Ninh.
Chúng ta thật vui, thật tự hào về một Hạ Long quyến rũ, nhưng cũng không khỏi ưu tư về điều nọ, điều kia trong hoạt động dịch vụ du lịch ở Hạ Long. Không ít du khách mỗi khi đến Hạ Long vào mùa lễ hội luôn bị ám ảnh một điều: Giá cả. Nỗi ám ảnh đó là có thật khi mà mọi hàng quán thi nhau "chặt chém" khách du lịch. Những thứ du khách thích nhất, những phần dịch vụ buộc phải dùng nhiều nhất được đẩy giá lên gấp nhiều lần ngày thường. Một con ghẹ lên tới 300.000đ, một cốc nước dừa được bán với giá "đẹp" 50.000 đồng. Gửi được chiếc xe ô tô vào dự đêm lễ hội Carnaval nhẹ thì nửa trăm, lớ ngớ là cả trăm. Còn các khách sạn thì thi nhau nâng giá. Có khách sạn, khách đặt ở hàng chục ngày, nhưng đến dịp lễ hội muốn ở thì phải trả thêm gấp 3, nếu không thì "xin mời ra ngoài".
Người ta lý giải rằng: Cả năm mới có vài ngày, tranh thủ mà "kiếm". Còn du khách đã đi chơi thì thiếu gì tiền, mà cũng chẳng hy vọng năm sau họ lại đến với mình!
Có thể khẳng định rằng, liên tục nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh đã làm hết sức để tạo dựng một thương hiệu cho du lịch Hạ Long. Sức hấp dẫn của du lịch Hạ Long ngày càng cao, cách tổ chức cũng ngày càng hấp dẫn, chuyên nghiệp, khách đến Quảng Ninh, đến Hạ Long ngày càng nhiều. Đó là cơ hội "vàng" cho cả hệ thống dịch vụ. Đáng tiếc là một số người, nhà hàng, khách sạn được thụ hưởng thành quả ấy đã làm xấu đi hình ảnh về một Hạ Long huyền ảo, một Quảng Ninh văn minh, mến khách.
Hậu quả là không ít du khách mang theo cả bánh mỳ, giò, đồ uống khi đi du lịch. Có người còn mang áo mưa, chiếu tự trải ra ngồi trên bãi biển. Số du khách khác đến Hạ Long, thăm vịnh xong, nhanh chóng lên ô tô đi địa phương khác. Hệ quả là mỗi năm có tới 5 triệu lượt khách đến Quảng Ninh, nhưng đóng góp của du lịch cho ngân sách chẳng được bao nhiêu. Mức chi tiêu bình quân của mỗi du khách thấp, hàng quán đông đúc mấy ngày, sau đó lại ế ẩm. Làm ăn như vậy khác nào "cầm dao tự chặt vào chân mình".
Suy cho cùng, mỗi người, mỗi nhà hàng, khách sạn khi tham gia vào hoạt động du lịch phải có ý thức góp sức xây dựng thương hiệu cho du lịch và con người Quảng Ninh - bởi người được hưởng lợi nhiều nhất, lâu dài nhất là chính mình. Vì thế hãy nhớ, đừng bao giờ cầm dao "tự chặt vào chân mình"!
Liên kết website
Ý kiến ()