Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:50 (GMT +7)
Đường về bản
Thứ 2, 17/05/2021 | 14:38:01 [GMT +7] A A
Không còn những con đường nhỏ hẹp, quanh co, lầy lội, đường về thôn, bản ở các xã trên địa bàn Quảng Ninh giờ đây được mở rộng, trải bê tông, trồng cây, hoa ven đường. Những con đường không chỉ giúp việc đi lại, giao thương thuận lợi, mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho những vùng quê xa xôi.
Tuyến đường thôn Ngàn Pạt-Kéo Cút (xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu) hoàn thành giúp người dân đi lại, giao thương thuận tiện. |
Cụm dân cư Kéo Cút, thôn Ngàn Pạt, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, nằm cách xa trung tâm xã nhất, đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Tháng 12/2020, bà con Ngàn Pạt phấn khởi khi tuyến đường thôn Ngàn Pạt-Kéo Cút hoàn thành. Tuyến đường được mở rộng từ 0,5m lên 3m, với tổng mức đầu tư trên 700 triệu đồng, trong đó người dân đóng góp lao động ngày công trị giá trên 51 triệu đồng.
Anh Trần Văn Phặt, thôn Ngàn Pạt, cho biết: "Việc xây dựng tuyến đường là niềm mong mỏi của bà con bấy lâu nay, nên khi xã bố trí được nguồn vốn, có kế hoạch xây dựng tuyến đường này, bà con đều rất đồng tình ủng hộ. Gia đình tôi đã tự nguyện hiến 200m đất và trên 100 cây hồi, quế để làm đường. Đường được mở rộng, sạch, đẹp, việc đi lại của bà con thuận tiện hơn rất nhiều, giá trị sản phẩm được nâng lên, bà con mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất... Từ khi có đường đẹp đã có nhiều khách du lịch lên với bản để ngắm mùa vàng và xem cuộc sống của bà con.
Theo ông Nguyễn Đăng Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, chỉ tính năm 2020, Lục Hồn triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng 11 tuyến đường. Những con đường được xây mới, cải tạo kiên cố đã trở thành động lực để người dân phát triển kinh tế, hàng hoá được lưu thông, nguồn thu từ nông, lâm nghiệp tăng lên đáng kể. Năm 2020, Lục Hồn đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 50,08 triệu đồng/người/năm.
Bí thư Huyện ủy Bình Liêu Dương Mạnh Cường nắm bắt tình hình sản xuất của người sân thôn Mõ Túc, xã Húc Động. Ảnh: La Lành (Trung tâm TT-VH Bình Liêu) |
Bình Liêu là một trong những huyện miền núi khó khăn của tỉnh với trên 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Với địa thể hiểm trở, việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là hệ thống đường giao thông với Bình Liêu càng trở thành tiêu chí khó thực hiện. Nhưng chính cái khó đó đã trở thành động lực để chính quyền huyện quyết tâm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, lấy đó là tiền đề quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Huyện đã linh hoạt trong công tác huy động, lồng ghép một cách có hiệu quả các nguồn vốn và tận dụng tối đa các nguồn lực tập trung vào kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, đặc biệt là huy động sự đóng góp, ủng hộ từ các tổ chức, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp và các cá nhân trong, ngoài huyện. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền, phổ biến các chủ trương thực hiện, để nhân dân hiểu rõ và nắm được các chính sách đầu tư của Nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Qua đó, làm thay đổi nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, chủ động hơn trong việc tham gia hiến đất, đóng góp công xây dựng các tuyến đường.
Nhờ đó, đến tháng 9/2020, Bình Liêu đã hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối 104 thôn, bản trên địa bàn. Giao thông kết nối đem lại những cơ hội đổi thay tích cực, diện mạo nông thôn của huyện miền núi biên giới Bình Liêu ngày một khởi sắc. Cũng nhờ đó, góp phần giúp Bình Liêu hoàn thành Chương trình 135, Đề án 196; thu nhập bình quân người dân đạt trên 33 triệu đồng/người/năm, tăng 21,6 triệu đồng so với năm 2011.
Giao thông thuận lợi tạo điều kiện kết nối tuyến, điểm du lịch, phát triển ngành dịch vụ trên địa bàn. |
Không riêng Bình Liêu, trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành nhiều chủ trương, chính sách để đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội nói chung và giao thông nông thôn nói riêng, từ đó bộ mặt nông thôn và đời sống nhân dân khu vực nông thôn không ngừng nâng cao.
Hệ thống giao thông nông thôn đã có bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Nhất là từ năm 2011 đến nay khi Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh, giao thông nông thôn đạt kết quả khá toàn diện, kết cấu hạ tầng giao thông phát triển mạnh so với thời kỳ trước.
"Cú hích" từ phát triển hạ tầng giao thông nông thôn góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bộ mặt nông thôn Quảng Ninh ngày càng khởi sắc. |
Năm 2010, toàn tỉnh mới có 45 xã có đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hoá; 22 xã có đường trục thôn, xóm được cứng hoá; 28 xã có đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa và 9 xã có đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện.
Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 96/98 xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông (đạt 97,96%). Tỉnh có 1.174km đường trục xã, liên xã bê tông hóa, nhựa hóa; 2.218km đường thôn, xóm và 938km đường nội đồng được đầu tư cứng hóa (đạt khoảng 90%).
Hệ thống hạ tầng giao thông hoàn thiện đã tạo điều kiện cho nông thôn Quảng Ninh có bước phát triển rõ nét. Việc đi lại thuận tiện đã tạo điều kiện cho người dân khu vực nông thôn tiếp cận với các cơ sở dịch vụ thiết yếu như trường học, bệnh viện, chợ,... và làm giảm giá thành sản phẩm do tiết kiệm chi phí vận chuyển. Người dân mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhiều mô hình phát triển kinh tế được triển khai. Hạ tầng giao thông thuận tiện cũng thu hút được các nhà đầu tư vào khu vực nông thôn, góp phần giảm nghèo, tạo việc làm để nông dân tăng thêm thu nhập, đời sống nhân dân được nâng cao.
Nông nghiệp Quảng Ninh dần hình thành các vùng sản xuất tập trung, thu hút các doanh nghiệp đầu tư một số dự án với quy mô lớn, liên kết trong sản xuất; đã có một số doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến làm việc, nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như: Công ty Việt Úc, Tập đoàn Vingroup, Công ty Med Trust Pty (Úc) và một số nhà đầu tư Nhật Bản, Đài Loan...
Theo thống kê, thu nhập của người dân khu vực nông thôn Quảng Ninh tăng từ 10,98 triệu đồng/người/năm (năm 2010) lên 46,1 triệu đồng/người/năm (năm 2020). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm còn 0,23%, (giảm 7,45% so với năm 2010), trong đó khu vực nông thôn là 0,51%, thành thị là 0,1%.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()