Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 10/09/2024 16:55 (GMT +7)
"Đường ven sông Bạch Đằng - Đá Vách tạo cơ hội kết nối các vùng di sản…"
Chủ nhật, 29/11/2020 | 09:17:52 [GMT +7] A A
Có quá trình khảo cổ, nghiên cứu với nhiều dự án khảo cổ học tại nhiều địa phương của Quảng Ninh, TS Nguyễn Văn Anh (giảng viên bộ môn Khảo cổ học, Khoa lịch sử, Trường ĐH KHXH-NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) dành thời gian và sự quan tâm đặc biệt tới những dự án có mối liên hệ với các di sản ở Quảng Ninh…
TS Nguyễn Văn Anh. |
Gần đây, chia sẻ với chúng tôi, ông cho hay qua thông tin trên báo chí được biết, Quảng Ninh đang xem xét Dự án đường ven sông Bạch Đằng - Đá Vách, kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều.
Ông cho rằng, tuyến đường ven sông này sẽ không chỉ hoàn thiện về cơ sở hạ tầng giao thông, tạo kết nối giữa các địa phương mà nếu được nghiên cứu kỹ khi triển khai, nó còn là con đường kết nối di sản bởi nó chạy qua nhiều di sản quan trọng trên địa bàn các địa phương Quảng Yên, Uông Bí và Đông Triều.
- Ông có thể nói rõ hơn về những di sản xung quanh khu vực ven sông Bạch Đằng - Đá Bạc - Đá Vách, nơi có tuyến đường kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều đi qua không?
+ Tuyến đường ven sông dự kiến sẽ đi qua những khu vực có trữ lượng văn hóa rất lớn bởi ngay từ thế kỷ I, II trước Công nguyên, Bạch Đằng - Đá Bạc đã là một tuyến giao thông quan trọng, kết nối các trung tâm hành chính kinh tế trong nội địa với Vịnh Bắc Bộ và các tuyến đường buôn bán trên biển.
Do vậy, có thể nói, những nơi tuyến đường ven sông chạy qua không chỉ lưu giữ các di tích gắn với chiến thắng Bạch Đằng mà còn lưu giữ dấu ấn của nhiều nền văn hóa khác từ thời Đông Sơn cho đến Bạch Đằng và sau Bạch Đằng.
- Thưa ông, đề cập đến việc kết nối các di sản liệu có thừa không khi thực tế các tuyến đường giao thông đã là sự kết nối rồi?
+ Vâng, quả đúng là bản thân con đường đã tạo nên sự kết nối. Tuy nhiên, nếu chỉ đặt mục tiêu đơn thuần là kết nối thôi thì chỉ cần đảm bảo yếu tố giao thông như làm sao cho tuyến chạy thẳng, tốc độ lưu thông tối ưu… mà tuyến thẳng như thế có thể sẽ cắt qua di sản, có thể phá hoại cảnh quan môi trường tự nhiên, làm mất đi các giá trị lịch sử, văn hóa và cảnh quan là những tài nguyên không thể phục hồi.
Nhưng nếu chúng ta yêu cầu, ngoài vấn đề kết nối giao thông, con đường còn phải kết nối di sản và phát triển du lịch thì chắc hẳn khi con đường được hoàn thiện, nó sẽ không chỉ hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông tạo kết nối, thu hút đầu tư như kỳ vọng hiện nay mà còn kết nối các vùng di sản quan trọng của nhà Trần ở Quảng Ninh là Đông Triều, Yên Tử và Bạch Đằng với cảnh quan sông nước, núi non hùng vĩ của Bạch Đằng Giang - Đá Bạc - Đá Vách; kết nối các di sản với các khu nghỉ dưỡng cao cấp trở thành một tuyến du lịch quan trọng và hấp dẫn.
Hay nói cách khác, theo tôi tuyến đường ven sông hoàn toàn có đủ điều kiện để đáp ứng đa mục tiêu: Đảm bảo kết nối giao thông cũng như gìn giữ, bảo vệ và khai thác cảnh quan thiên nhiên và kết nối di sản.
- Quảng Ninh hiện mới đang lấy ý kiến về tuyến đường này, bàn như vậy liệu có phải sớm quá không?
+ Tôi nghĩ, giai đoạn xin ý kiến về việc vạch tuyến rồi khảo sát tiền khả thi của dự án là dịp rất tốt để các chuyên gia về văn hóa vào cuộc. Vào cuộc ở đây là vào cuộc thật sự chứ không chỉ bằng một động tác hành chính.
Bia Thiên Long Uyển (ảnh trên) khắc vào vách núi Thiên Liêu tại xã Yên Đức, nằm bên dòng sông Đá Bạc (ảnh dưới) chảy qua địa bàn TX Đông Triều. |
Trên thực tế, cơ quan quản lý chỉ có thể nắm và quản lý những di sản đã được thống kê, xếp hạng, những di sản chưa được công nhận hay còn ở dưới lòng đất thì chỉ có các chuyên gia, những người nghiên cứu sâu về khu vực đó mới có thể nắm bắt, hoặc chí ít cũng có thể dự đoán, phán đoán xem ở đó có hay không có thông qua việc điều tra tại hiện trường.
Qua đó sẽ giúp đơn vị tư vấn thiết kế xác định hướng tuyến một cách phù hợp nhất, sao cho vừa đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật, vừa bảo vệ được cảnh quan mà lại tăng tính kết nối. Khâu khảo sát, nghiên cứu được tiến hành toàn diện và cẩn trọng cũng giúp việc hoạch định và đề xuất mục tiêu toàn diện với các giải pháp tốt hơn, từ đó có kế hoạch phù hợp để không ảnh hưởng tới tiến độ công trình và thậm chí có thể tiết kiệm chi phí đầu tư.
- Ở Việt Nam đã có công trình giao thông nào định hướng ngay từ đầu trong việc đảm bảo đa mục tiêu như thế chưa?
+ Luật Di sản có quy định trước khi xây dựng công trình, ngoài việc điều tra khảo sát địa chất công trình, đánh giá tác động môi trường còn phải điều tra, đánh giá và xác định trữ lượng văn hóa và ảnh hưởng (nếu có) khi công trình được xây dựng.
Tuy nhiên, yêu cầu này chưa được quan tâm đúng mức. Việc điều tra, đánh giá trữ lượng văn hóa khu vực nơi công trình đi qua cung cấp các luận cứ cho đề xuất công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản; đề xuất mục tiêu và định hướng công trình nhưng trên thực tế chưa có nhiều công trình được thực hiện theo quy trình như vậy. Vì các đơn vị tư vấn thiết kế, xây dựng thường ít quan tâm, thậm chí là bỏ qua dữ liệu về lịch sử văn hóa.
Bãi cọc Bạch Đằng, chứng tích của Chiến thắng Bạch Đằng 1288 tại TX Quảng Yên. |
Trên thế giới, để hạn chế việc chồng lấn, tránh xung đột giữa phát triển và bảo tồn di sản, người ta xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ mở cung cấp thông tin về vị trí, phạm vi phân bố của di sản; cơ quan quản lý, người dân, doanh nghiệp… có thể dễ dàng tiếp cận và khai thác thông tin.
Chúng ta chưa có dữ liệu này, thành ra rất phổ biến tình trạng khi xây dựng đường sá, công trình mới làm phát lộ, thậm chí là phá hủy di sản rồi phải dừng lại để các cơ quan quản lý văn hóa, nhà nghiên cứu đến khai quật, nghiên cứu như trường hợp di sản Vườn Chuối (Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Cách xử lý “chữa cháy” như vậy chỉ giúp giải quyết được việc tìm hiểu phần nào về di sản thôi, về cơ bản di sản đã bị hỏng rồi.
- Quy trình làm các dự án giao thông, đơn vị làm dự án sẽ mời các nhà nghiên cứu, chuyên gia khảo sát thực địa. Với dự án đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều chạy qua nhiều vùng di tích như thế hẳn là cũng có thôi?
+ Đúng rồi, nhưng tôi lo ngại rằng, với quy trình thông thường, đơn vị tư vấn sẽ chỉ quan tâm đến các di tích lớn đã được công nhận di tích như Bạch Đằng ở Quảng Yên chẳng hạn. Tuy nhiên, dọc tuyến ven sông này có rất nhiều di tích, có không chỉ ở Quảng Yên mà cả ở khu vực Uông Bí, Đông Triều, trong đó đặc biệt là những di tích liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.
Theo kết quả nghiên cứu mới của chúng tôi, dọc khu vực nơi tuyến đường đi qua ngoài các di tích đã biết thì có thể còn có nhiều di tích quan trọng khác như: Thiên Long Uyển tại Đông Triều; Hang Son, khu Điền Công tại Uông Bí...
Đơn cử với khu Điền Công thì những năm 60, người ta đã tìm thấy cọc ở đó rồi. Khi đó, người ta nghĩ rằng cọc đó không liên quan đến trận chiến Bạch Đằng, vì thời điểm ấy, các nhà nghiên cứu cho rằng trận Bạch Đằng chỉ diễn ra ở khu vực Quảng Yên. Hiện nay, nhận thức đã khác đi, các nghiên cứu mới cho thấy trận địa của Bạch Đằng có thể kéo dài hơn rất nhiều chứ không chỉ tập trung ở Quảng Yên.
Gần đây, kết quả khảo sát, khai quật khảo cổ của chúng tôi ở Thiên Long Uyển, khu vực bên sông Đá Vách, xã Yên Đức, Đông Triều cho thấy, người dân nơi đây từng tìm thấy nhiều cọc gỗ. Đợt khai quật gần đây nhất là năm 2019, chúng tôi cũng phát hiện được cọc và một số di vật gỗ khác.
Bên cạnh các di tích liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng, khu vực này cũng tập trung đậm đặc các di tích thuộc văn hóa Đông Sơn và của nhiều thời kỳ khác nữa.
Đền Trần Hưng Đạo nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng 1288 tại TX Quảng Yên. |
- Vậy việc tham gia của các nhà khoa học theo ý kiến của ông cần làm tới mức nào để vừa tránh được việc xâm hại di sản vừa không ảnh hưởng đến tiến độ công trình?
+ Sẽ tùy vào mức độ của mỗi công trình, nhưng quy trình chung có thể thực hiện là: Cơ quan quản lý văn hóa cung cấp thông tin cho đơn vị tư vấn; khảo sát đánh giá hiện trạng di sản nơi công trình dự kiến được xây dựng. Tuy nhiên, như chúng ta biết, cơ quan quản lý chỉ có thể nắm được các di tích đã được xếp hạng hoặc đưa vào danh mục quản lý.
Do vậy, như trên đã trình bày, việc khảo sát và thiết kế công trình phải được tiến hành một cách tổng thể bao gồm có cả việc điều tra, đánh giá về trữ lượng tài nguyên và các tác động (nếu có) của công trình tới di sản. Việc này được tiến hành song song với quá trình khảo sát kỹ thuật khác, do vậy không làm mất nhiều thời gian mà còn cung cấp cứ liệu tin cậy, chính xác giúp cho việc thiết kế, thi công thuận lợi và hiệu quả hơn.
Về lâu dài, để quản lý tốt di sản và việc bảo tồn di sản không xung đột với phát triển, các địa phương nên xây dựng một cơ sở dữ liệu mang tính bài bản hơn. Cụ thể, nên xây dựng cơ sở dữ liệu của di sản trong đó có bản đồ chứa thông tin vị trí, phạm vi và giới hạn khoanh vùng bảo vệ di sản. Khi có dự án, công trình mới được đề xuất, người ta chỉ việc chồng xếp bản đồ chứa dữ liệu về di sản lên bản đồ quy hoạch công trình là có thể thấy rõ, công trình mới có chồng lấn vào phạm vi của di sản không, mức độ chồng lấn thế nào; nếu chồng lấn thì xem xét, đánh giá mức độ và phạm vi chồng lấn, từ đó kiểm soát và giải quyết vấn đề xung đột giữa bảo tồn và phát triển.
Dữ liệu này được công bố rộng rãi để các cơ quan quản lý, người dân, doanh nghiệp… dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Một cơ sở dữ liệu như vậy cũng hoàn toàn phù hợp với xu hướng Chính phủ số hiện nay.
- Xin cảm ơn ông! Mong rằng, những ý kiến tâm huyết của ông sẽ được các đơn vị có trách nhiệm hiện thực hoá trong lộ trình triển khai dự án!
Phan Hằng (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()