Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 23:16 (GMT +7)
“Duy trì cảm hứng sáng tác gắn với quê hương, đất nước”
Chủ nhật, 08/01/2023 | 09:00:59 [GMT +7] A A
Theo thông tin từ Bộ VH,TT&DL, Quảng Ninh có 2 nhạc sĩ là Đỗ Hòa An và Lê Đăng Vệ được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật (VHNT) năm 2022. Đây là những nhạc sĩ đã gắn bó với Quảng Ninh hơn nửa thế kỷ qua và có hàng trăm sáng tác âm nhạc về nhiều đề tài khác nhau, ngợi ca mảnh đất, con người Vùng mỏ cũng như thể hiện tình yêu quê hương, đất nước nói chung.
Nhân dịp này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn hai nhạc sĩ xung quanh những tác phẩm đoạt giải gắn với sự nghiệp sáng tác âm nhạc của các tác giả.
- Xin chúc mừng 2 nhạc sĩ đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2022. Các nhạc sĩ có thể chia sẻ đôi nét về hoàn cảnh ra đời của những ca khúc được trao giải đợt này?
+ Nhạc sĩ Đỗ Hoà An: Tôi có 4 ca khúc được xét chọn trao giải đợt này, gồm “Hạ Long biển nhớ”, “Mặt trời trên Khuê Văn Các” (phổ thơ Thi Sảnh), “Trụ biển”, “Mộ gió” (phổ thơ Trịnh Công Lộc).
Trong đó, “Hạ Long biển nhớ” có sức lan toả rộng rãi và nhận được sự yêu mến của rất nhiều người, tuy nhiên đây lại là ca khúc chưa từng đoạt giải vì tôi không gửi tham gia cuộc thi nào cả. Bài hát ra đời rất tự nhiên, lúc mà tôi trẻ nhất, bay bổng nhất. 20 tuổi, tôi ra trường thì theo nhạc sĩ Đức Minh về Đoàn Ca múa nhạc Quảng Ninh, một thời gian sau thì có ca khúc này về Quảng Ninh rồi. Nhưng đây cũng là giai đoạn mà cuộc sống nói chung vô cùng khó khăn, anh chị em văn nghệ sĩ cũng vậy, ngoài những buổi diễn, tôi phải đi xiếc cá thuê (một cách đánh bắt cá - PV) ở biển suốt 3 năm liền, để cải thiện điều kiện sống của gia đình.
Các ca khúc còn lại đều đoạt giải cao của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Trong đó, bài “Mộ gió”, “Trụ biển” đều nói về những người lính bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa nhưng ở các giai đoạn khác nhau là thời phong kiến và thời hiện đại. Còn “Mặt trời trên Khuê Văn Các” nói về trường đại học đầu tiên của nước ta, hay được nhiều người chọn để tham gia các cuộc thi hát ở Hà Nội.
+ Nhạc sĩ Lê Đăng Vệ: Cũng là một cái duyên, cả 2 ca khúc được xét giải của tôi đều do phổ thơ mà thành. Quãng năm 2014, khi ấy là dịp 27/7, tôi đọc trên Báo Văn nghệ có đăng bài thơ của một nhà thơ Nga, do nhà thơ Hồng Thanh Quang dịch. Tôi thấy bài thơ có tính nhạc nên đã đem phổ thơ thành ca khúc “Bên mộ chiến sĩ vô danh”. Bản thu đầu tiên do một ca sĩ ở Đoàn ca múa Hải quân thực hiện.
Còn với ca khúc “Bài ca Tổ quốc” ra đời năm 2015, khi ấy nhà thơ Trương Thiếu Huyền đưa cho tôi xem tập thơ thiếu nhi, tuy nhiên tôi lại thích một bài thơ không phải của thiếu nhi, thế là tôi trao đổi với Huyền để phổ nhạc bài thơ này.
Tôi và nhạc sĩ Đỗ Hoà An đều đã sáng tác âm nhạc hơn nửa thế kỷ rồi. Đây chỉ là số ít trong hàng trăm ca khúc chúng tôi viết trong cuộc đời sáng tác của mình. Đầu tiên là những dấu ấn ca khúc về than, sau đó thì phát triển đề tài viết về biển nhiều hơn, rồi các vùng đất, các ngành nghề... Chủ yếu chúng tôi viết về Quảng Ninh, về mảnh đất mình sinh ra, gắn bó. Một số ca khúc được mở rộng về đề tài, cũng có sự phổ biến rộng rãi hơn và với Giải thưởng Nhà nước thường cũng ưu tiên xét chọn với những tác phẩm có đề tài rộng, có tính phổ quát chung như thế.
- Giải thưởng Nhà nước về VHNT là giải thưởng cao quý, giống như sự ghi nhận thành tựu sáng tác trọn đời với mỗi tác giả vậy. Các nhạc sĩ có thể chia sẻ đôi điều khi được trao niềm vinh dự, tự hào này không?
+ Nhạc sĩ Lê Đăng Vệ: Với người trẻ để đạt được giải thưởng này rất khó. Giống như tôi đã nói ở trên, với chúng tôi đó là con đường rất dài, bền bỉ để đi theo, cũng có những thành tựu nhất định với nhiều tác phẩm đến được với công chúng Quảng Ninh, công chúng cả nước. Riêng với cá nhân tôi cũng rất vinh hạnh được góp vào thành tựu chung của VHNT tỉnh nhà, trong đó với âm nhạc thì đây là lần đầu tiên có 2 nhạc sĩ đoạt Giải thưởng Nhà nước về VHNT của Quảng Ninh.
+ Nhạc sĩ Đỗ Hoà An: Cả cuộc đời tôi phấn đấu cho sáng tác âm nhạc. Điều đầu tiên để tôi thẩm định một ca khúc của mình bao giờ cũng dựa vào cảm xúc, cảm xúc là quan trọng nhất. Tôi viết xong thường tự đánh đàn rồi hát thử, nghe rồi cảm thấy cái tâm trong lòng mình nó rực cháy lên hoặc là phải cảm thấy cái gì đó mãnh liệt giống như thế thì tôi nghĩ ca khúc mới thành công khi đến với người nghe được.
Nghệ thuật không phải đơn giản. Các ca khúc đã viết là những cảm xúc của một thời, gắn với một giai đoạn nhất định của cuộc đời, có muốn cũng không thể viết lại được. Tôi nghĩ Giải thưởng Nhà nước là sự vinh danh người nghệ sĩ gắn với cả cuộc đời gắn bó và sáng tác về vùng đất này, có những bài có chủ đề vươn xa, rộng hơn nhưng vẫn là cảm hứng sáng tác gắn với quê hương, đất nước, với Tổ quốc mình.
- Vậy thời gian tới đây, các nhạc sĩ dự định sẽ tiếp tục có những sáng tác như thế nào?
+ Nhạc sĩ Đỗ Hoà An: Việc để lưu ngọn lửa trong nghiệp sáng tác thì không bỏ được. Tôi sẽ vẫn sáng tác, phải sáng tác chứ nhưng sẽ thiên về những ca khúc có chiều sâu hơn, chắt lọc về cảm xúc hơn.
Tôi còn có ước mơ trong việc dạy cho học trò nữa, nhưng không phải tâm niệm dạy dỗ cái gì ghê gớm cả, mà qua kinh nghiệm của mình để chia sẻ kinh nghiệm sáng tác với các em. Là dạy về kinh nghiệm sáng tác thôi chứ không thể dạy về cảm xúc được. Tôi sẽ vẫn gắn bó với các em thiếu nhi, với lớp trẻ, để truyền cho các em những ca khúc mới sáng tác, những kinh nghiệm trong luyện thanh. Và định hướng thêm cho các em về tương lai, để không bỏ lỡ những năng khiếu ca hát. Đó là tình cảm của một thầy giáo cũng vừa là một người làm âm nhạc, để các em có dũng khí đi tiếp chứ không muốn vì những khó khăn nhất thời có thể khiến các em nản chí mà từ bỏ con đường nghệ thuật.
+ Nhạc sĩ Lê Đăng Vệ: Thời gian qua, tôi đã đầu tư vào quán Cà phê Vệ - không gian VHNT tại Hội VHNT tỉnh và sẽ tiếp tục duy trì hướng đi này. Với tôi, đầu tư không gian này là để đoàn kết anh em, tạo điều kiện cho anh em văn nghệ sĩ: Các nghệ sĩ cao tuổi khi nhớ nghề có đầy đủ các loại nhạc cụ để chơi. Rồi những ca khúc mới, các tập thơ mới cũng có thể giới thiệu ở đây. Ghi ta, kèn saxophone, piano… tôi đều mời những giáo viên tốt đến đây để dạy học viên, hay cho các CLB tập luyện văn nghệ, thu thanh… Nghĩa là một địa điểm hoàn toàn phục vụ cho các hoạt động về văn hoá, nghệ thuật, anh em vừa có thể giao lưu văn nghệ vừa hội tụ được giới văn nghệ sĩ gần xa…
Với sáng tác thì xu hướng vẫn phải là sáng tác về mảnh đất của mình rồi và mở rộng ra các chủ đề có tính phổ quát hơn để ca khúc được lan toả rộng rãi hơn. Tuy nhiên, việc sáng tác giờ đây có nhiều thách thức với các nhạc sĩ cao tuổi như chúng tôi, từ cách đặt vấn đề tới nhịp điệu… để theo kịp dòng chảy của âm nhạc trẻ, nhịp sống mới bây giờ. Nhưng dù gì thì tôi vẫn sẽ dấn thân, tự mình tiếp tục phải đổi mới chứ không thể cứ giữ như lối cũ được, để tới gần nhất với đời sống âm nhạc đương đại. Gần nhất thì tôi sẽ có một ca khúc về xuân trong dịp tết này, xa hơn một chút sẽ cố gắng có một vài bài đóng góp vào sự kiện lớn là dịp kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh…
- Xin trân trọng cảm ơn các nhạc sĩ về cuộc trò chuyện!
Phan Hằng (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()