Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 12:21 (GMT +7)
EU lo ngại tác dụng phụ từ việc áp giá trần khí đốt Nga
Thứ 4, 26/10/2022 | 11:22:56 [GMT +7] A A
Ủy ban châu Âu (EC) lo ngại việc Liên minh châu Âu (EU) giới hạn giá khí đốt tự nhiên có thể làm tăng dòng điện giá rẻ hơn đến các quốc gia không nằm trong cơ chế.
Theo hãng tin Reuters, biện pháp áp giá trần khí đốt có thể đẩy nhu cầu khí đốt lên tới 9 tỷ mét khối. Bên cạnh đó, điều này sẽ dẫn đến việc điện do EU sản xuất với giá rẻ hơn sẽ chảy sang các nước không thuộc EU và không bị giới hạn về giá, chẳng hạn như Anh và Thụy Sĩ.
Các quốc gia thành viên EU đang được khuyến khích đưa ra các giải pháp để ngăn chặn viễn cảnh này.
Theo một nguồn tin của EC, các nước EU có thể tăng giá điện xuất khẩu cao hơn mức giá trong khối. Tuy nhiên, động thái như vậy hiện bị cấm bởi một số hiệp định quốc tế.
EC cũng cảnh báo lợi ích từ giới hạn giá sẽ không dàn trải đều giữa các thành viên EU. Pháp với tư cách là nước nhập khẩu điện sản xuất từ khí đốt sẽ là nước hưởng lợi lớn nhất, trong khi Đức, Hà Lan và Italy, những nước xuất khẩu điện của khối, sẽ phải đối mặt với chi phí cao ngất ngưởng để trợ cấp cho cơ chế giá trần.
Các nước EU đang nỗ lực xây dựng cơ chế áp giá trần giá khí đốt tự nhiên để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có do việc giảm nhập khẩu từ Nga, trước đây là nhà cung cấp lớn nhất của khối. Trong năm qua, tỷ trọng của Nga trong nhập khẩu khí đốt của EU đã giảm còn 9% trong tháng 10 vừa qua, từ mức 36% cùng kỳ năm ngoái.
Tuần trước, EC đã đưa ra một số đề xuất nhằm tiết kiệm khí đốt và hạ giá năng lượng. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU đã không thống nhất về các đề xuất tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vào cuối tuần qua, đặc biệt là quy định áp giá trần. Các bộ trưởng năng lượng của EU dự kiến gặp nhau để thảo luận về vấn đề này vào ngày 25/10 (giờ địa phương).
Về phần mình, Nga đe dọa sẽ ngừng tất cả các dòng chảy khí đốt sang EU nếu áp dụng mức giá trần. Theo ông Alexei Miller - Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng Gazprom, áp giá trần sẽ khiến EU vi phạm hợp đồng mua bán khí đốt trước đó. Hiện khí đốt của Nga vẫn được giao cho một số khách hàng châu Âu thông qua đường ống trung chuyển qua Ukraine và đường ống dẫn TurkStream qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()