Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 08:31 (GMT +7)
Game show khiến nghề người mẫu ở Việt Nam bị coi thường
Thứ 5, 12/10/2023 | 07:38:20 [GMT +7] A A
Truyền hình thực tế về người mẫu qua bao năm vẫn khiến phần đông khán giả có nhiều thành kiến, họ chờ xem những phụ nữ ở đây cãi nhau như thế nào, có chiêu trò gì mới, thay vì tiếp nhận thông tin kiến thức chuyên môn. Chính vì những tác động đó, chương trình, người mẫu và những người thuộc trong ngành nghề này phần nào đó đã gây phản cảm trong mắt khán giả.
Trong năm 2023, nhiều game show người mẫu trở lại, nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả vì quy tụ những gương mặt nghệ sĩ, người đẹp nổi tiếng từ showbiz.
Thay vì bàn về mô típ ra sao, cách thí sinh thể hiện tốt thế nào, điều khiến chương trình như The Face, The New Mentor được bàn tán rầm rộ vẫn là những chiêu trò, drama không hồi kết của dàn huấn luyện viên cho đến thí sinh. Đây dường như đã là điểm đặc trưng khiến khán giả tò mò về mỗi mùa mới của các show này, xem các “chân dài” tranh đấu, kèn cựa nhau như thế nào.
Sự thật đằng sau những màn đấu tố của “chân dài” trên truyền hình thực tế
Dahan Phương Oanh – người mẫu Việt nổi bật, liên tục gây dấu ấn trên sàn diễn quốc tế - từng là thí sinh của show thực tế về người mẫu ở Việt Nam. Cô là thí sinh trẻ tuổi nhất Vietnam’s next top model Allstars năm 2017 nhưng cũng là người sớm phải xách vali ra về. Trước khi bước chân ra khỏi nhà chung, cô không quên nhắn nhủ: “Tôi sẽ khiến ban giám khảo nhận ra đã sai lầm khi loại tôi".
Câu nói nó đã hiệu nghiệm, sau 5 năm, Phương Oanh gặt hái được thành công khi làm việc ở nước ngoài, nối gót những Trang Khiếu, Tuyết Lan… thậm chí là nổi bật hơn những thí sinh của Allstars năm ấy.
Chia sẻ trên talk show, Dahan Phương Oanh nói thời điểm phát ngôn lời nhắn nhủ đó, cô thấy bản thân đã làm tốt ở chương trình. Cô tự tin mình đã chụp được những tấm ảnh đẹp, ít nhất có một tấm tốt để giúp cô ở lại nhà chung, nhưng kết quả hoàn toàn trái ngược.
“Tôi nói điều đó vì biết kết quả không công bằng. Tôi biết chắc chắn buổi photoshoot hôm đấy tôi làm tốt nhưng có thể có chút cắt ghép. Tôi không biết tương lai bản thân nhưng biết chắc chắn mình sẽ thành công ở một ngưỡng nào đấy”.
Những trải nghiệm trong ngôi nhà dành cho người mẫu của Phương Oanh ở nước ngoài và trong show thực tế Việt Nam hoàn toàn đối lập. Ở Vietnam’s next top model, cô chia sẻ bản thân đã bị loại ngay khi vừa nhận được phòng, chưa kịp nghỉ ngơi, định thần.
Trước đó, cô chịu nhiều áp lực từ các thí sinh thi cùng. “Mọi thứ trở nên quá drama, có thể họ có lòng tốt nhưng thời điểm đó họ chỉ nghĩ đến bản thân, muốn thể hiện mình vì thời lượng show chỉ có hạn” – Phương Oanh chia sẻ.
Khi sống và làm việc ở London (Anh), Phương Oanh nói cô có cuộc sống khác với những gì khán giả chứng kiến về các người mẫu sống tại nhà chung: “Đồng nghiệp của tôi đến từ nhiều nước, họ tôn trọng, chia sẻ tất cả mọi thứ xung quanh cuộc sống. Mọi người cho tôi cảm giác như đang ở nhà”.
“Cô em trendy” Khánh Linh cũng từng là thí sinh của truyền hình thực tế. Năm 2017, khi tham gia The Face, Khánh Linh nhanh chóng bị Lan Khuê gạch tên khỏi cuộc chơi vì lý do "không có một bản sao nào hoàn hảo hơn bản chính, Khánh Linh quá giống với một nhân vật khác".
Không để thất bại từ show thực tế làm chùn bước, Khánh Linh tìm ra hướng đi cho riêng mình. Đến nay, cô trở thành một trong những fashionista được yêu thích nhất tại Việt Nam và nhận được nhiều lời mời hợp tác từ các thương hiệu thời trang cao cấp.
Với tư cách là người trong nghề, đã trải nghiệm và có quá trình quan sát, Khánh Linh nhận ra drama trong game show người mẫu một phần đến từ mô típ của nhà sản xuất. Họ sản xuất show cho các cô gái, bắt họ ghen tỵ, căng thẳng và chèn ép nhau.
“Phần lớn các show về người mẫu người mẫu, phải chăng người ta thích nhìn phụ nữ cãi nhau. Tôi thấy buồn cười. Đây là tất cả mọi người muốn xem khi bước vào chương trình. Mọi người không hỏi những vấn đề khác mà chỉ được quan tâm tôi thích ai, chê trách ai và thể hiện thái cực căng thẳng. Đấy là một phần lý do tôi thấy đây không phải là nơi thuộc về mình. Tôi không biết từ khi nào hình tượng đó trở nên rất phổ biến cho ngành người mẫu, dù sự thật không phải như vậy” – Khánh Linh nói.
Làm rõ hơn về vấn đề này, “Cô em trendy” kể: “Công việc của tôi là người mẫu lookbook, có áp lực nhưng mọi người hài hòa với nhau. Guồng quay công việc chỉ đi làm, đi về, có thể mệt mỏi nhưng vẫn quý mến nhau. Vì vậy khi vào show thực tế tôi thấy mọi người drama, tôi nghĩ mình không nên làm người mẫu nữa. Thực sự nếu ngành công nghiệp như thế này, tôi tự hỏi làm sao mình có thể sống sót được”.
Vì những cách định hướng “có vấn đề” từ người sản xuất, từ chính những ngôi sao tham gia show khiến truyền hình thực tế về người mẫu thêm phần có nhiều định kiến tiêu cực.
Dahan Phương Oanh nhận định các chương trình thực tế về người mẫu cần thay đổi: “Góc nhìn ở các chương trình này sẽ khiến cho khán giả đánh giá sai về công việc, con người. Điều này là con dao hai lưỡi khiến cho họ bị dè bỉu, bàn tán. Tôi nghĩ cần thay đổi cách làm chương trình, khiến nó tích cực, tươi mới và chuyên nghiệp hơn”.
Show người mẫu trong mắt công chúng: Vẫn chuộng drama, làm lố bất chấp
Những cuộc đôi co, “mặt nặng mày nhẹ” giữa dàn huấn luyện viên nổi tiếng thậm chí lấn át cả thí sinh. Để được khán giả chú ý tới và có thời lượng lên sóng, người chơi đôi khi cũng bất chấp thể hiện hành động thái quá, tạo sự khác biệt.
Một số chương trình, màn đấu khẩu gay gắt giữa host và HLV chiếm sóng hàng chục phút. Tất cả mang đến không khí căng như dây đàn, tranh cãi chồng chất để kéo theo sự quan tâm của dư luận.
Có nhiều cách để nhà sản xuất sử dụng chiêu trò, tạo “mồi nhử” cho khán giả và nhờ những công cụ mạng xã hội đắc lực, từ Facebook, YouTube đến TikTok.
Chính vì những điều này, bao năm qua nhắc đến gameshow về người mẫu, nhiều khán giả ngao ngán mặc định chương trình ắt hẳn bủa vây bởi những màn “khẩu chiến” không hồi kết.
Tư duy nổi tiếng từ tai tiếng phần nào len lỏi trong một bộ phận người mẫu trẻ, khiến công chúng ngày càng thêm định kiến về thể loại game show này nói riêng và nghề người mẫu nói chung.
Hồi tháng 6, The Face nhận “mưa” chỉ trích vì cố tình tạo drama nhố nhăng, những chiêu trò cũ rích hòng lôi kéo khán giả. Tuy nhiên, công chúng đã thông thái hơn hơn nhiều, họ đã không dễ gì bị cuốn theo những trò lố lộ rõ mục đích câu view.
Ngay từ tập mở màn, thay vì tập trung vào thí sinh, The Face tạo tranh luận khi dàn huấn luyện viên bất đồng quan điểm chỉ vì vị trí đứng chụp ảnh. Cặp Minh Triệu – Kỳ Duyên thậm chí đòi bỏ quay vì không muốn bị tách rời.
Nhà sản xuất phủ nhận việc dùng chiêu trò nhưng khán giả không đồng tình. Câu chuyện tranh cãi này kéo dài hàng chục phút, nhà sản xuất cũng cắt nhỏ phân đoạn chia sẻ lên khắp nền tảng.
Trong một tập khác, Vũ Thu Phương khóc lóc, gây khó dễ cho thí sinh lẫn ban giám khảo khác vì cho rằng học trò của cô bị chèn ép. Những tranh cãi này chiếm nhiều thời lượng, kéo dài lê thê trong khi khán giả không có nhu cầu.
Bên cạnh đó, một số hành vi ứng xử của các huấn luyện viên được đánh giá thiếu chuyên nghiệp, gây ảnh hưởng đến hình ảnh người mẫu trong mắt công chúng.
Sau mọi cách để lôi kéo sự chú ý, cái The Face đọng lại với khán giả chỉ là trò lố. Chẳng mấy khán giả còn nhớ đến tiêu chí tìm gương mặt người mẫu thế hệ mới, quán quân mùa 2023 là Tú Anh.
Những màn “đấu tố” bảo vệ thí sinh hay công kích lẫn nhau giữa các huấn luyện viên, thí sinh vẫn tái diễn trong một game show người mẫu khác là The New Mentor.
Trong tập 4, Hồ Ngọc Hà căng thẳng với Hương Giang vì hai thí sinh của mình bị loại. Nữ ca sĩ không bằng lòng với quyết định của Hương Giang, đưa ra lời lẽ gay gắt chỉ trích cách chơi của huấn luyện viên này và đòi bỏ về.
Mới nhất, thí sinh Lâm Châu - đội Hồ Ngọc Hà – được trao quyền loại một người mẫu. Tuy thế, ánh mắt, lời nói, cử chỉ của cô bị cộng đồng mạng “ném đá” dữ dội vì cho rằng cô vô lễ, tỏ thái độ về trên với đàn chị. Lâm Châu sau đó còn bị antifan lập hội nhóm tẩy chay. Sự việc khiến người mẫu 20 tuổi phải đăng đàn xin lỗi.
Trên một số diễn đàn, nhiều khán giả có thành kiến với những game show đấu đá như The Face, The New Mentor bởi các lý do “kịch bản dàn dựng, cố tình tạo kịch tính hút người xem”, “cãi nhau như chợ vỡ, không ra thể thống gì”, “giải trí không ra giải trí, chẳng có hướng giáo dục, toàn cãi lộn, sân si”…
Để thay đổi được sự đánh giá thiện cảm của khán giả, có lẽ các game show về người mẫu còn phải làm rất nhiều điều, không thể dùng hình thức “bình mới, rượu cũ” để sa đà vào việc câu view đơn thuần.
Thay vì tìm đủ cách để khán giả thấy mình trông thật ngầu khi “khẩu chiến”, những huấn luyện viên, thí sinh đó cần chau chuốt, khẳng định bản thân bằng sải chân chuyên nghiệp của mình.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()