Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 23:18 (GMT +7)
Gần Tết mua thực phẩm đông lạnh để dự trữ cần nhớ 7 điều này
Thứ 4, 24/01/2024 | 14:09:09 [GMT +7] A A
Dù chưa tới rằm tháng Chạp nhưng nhiều gia đình đã bắt đầu mua thực phẩm về tích trữ trong tủ đông đề phòng sát Tết thực phẩm bị tăng giá hoặc quá bận rộn.
Thực phẩm đông lạnh như thịt bò, rau củ,... giúp nhiều người tiết kiệm thời gian sơ chế, bảo quản lâu hơn và tiện lợi hơn cũng như giữ được hầu hết dinh dưỡng nếu được đông lạnh đúng cách. Dưới đây là một số lưu ý cần nhớ khi mua và sử dụng thực phẩm đông lạnh mà mọi người cần chú ý.
1. Thực phẩm đông lạnh là gì?
Nói một cách dễ hiểu, thực phẩm đông lạnh là các sản phẩm đã trải qua quá trình đông lạnh để bảo quản trong thời gian dài. Phương pháp này ngăn chặn sự phát triển của vi sinh vật và làm chậm hoạt động của enzyme gây hỏng thực phẩm. Bằng cách duy trì nhiệt độ bằng hoặc dưới 0°F (- 18°C), độ an toàn và nguyên vẹn dinh dưỡng của thức ăn được bảo toàn cho đến khi chúng sẵn sàng được rã đông và tiêu thụ.
Đậu Hà Lan, khoai tây chiên, thịt bò, phi-lê cá, bánh mì, pizza, xúc xích, gà viên, v.v... là một số thực phẩm đông lạnh phổ biến nhất được tiêu thụ trên toàn thế giới.
Nhược điểm của thực phẩm đông lạnh
- Giá trị dinh dưỡng có thể thấp hơn so với thực phẩm tươi do mất nước và một số vitamin có thể giảm bớt trong quá trình đông lạnh
- Thực phẩm đông lạnh thường được chế biến và có thể chứa các phụ gia, chất bảo quản hoặc gia vị nhân tạo
- Có nguy cơ gây ra các vấn đề sức khỏe nếu thực phẩm không được xử lý hoặc nấu chín đúng cách trước khi ăn
- Thực phẩm đông lạnh có thể mất hương vị tự nhiên và có cấu trúc thay đổi sau khi rã đông
- Đôi khi có sự tiện lợi nhưng có thể làm tăng lượng tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, dẫn đến chế độ ăn ít cân đối hơn.
2. Những lưu ý cần nhớ khi mua thực phẩm đông lạnh
- Đừng bỏ qua ngày hết hạn
Khi mua thực phẩm đông lạnh từ cửa hàng, ngoài xem thành phần sản phẩm có chứa nhiều chất bổ sung hay không, có thành phần có thể gây dị ứng hay không thì hạn sử dụng của sản phẩm là điều mà bạn cần đặc biệt lưu ý.
Trên bao bì sản phẩm sẽ có ngày hết hạn và thời gian thực phẩm ngon nhất để ăn trước khi có sự suy giảm chất lượng và hương vị.
Nếu bạn tự trữ đông đồ, thời hạn sử dụng các thực phẩm bảo quản trong tủ đông nếu chúng được sơ chế, đóng gói và niêm phong đúng cách như sau:
- Trái cây, rau củ và nguyên liệu làm bánh: 8 - 12 tháng
- Thịt gia cầm: 6 - 9 tháng
- Cá: 3 - 6 tháng
- Thịt xay: 3 - 4 tháng
- Thịt ướp muối: 1 - 2 tháng
- Thực phẩm chế biến sẵn hoặc các sản phẩm đông lạnh sẵn: 1 - 2 tháng.
Ngoài ra, bạn cần lưu ý tới việc dán nhãn và phân loại thực phẩm cũ/mới để thuận tiện cho việc sử dụng. Phân loại thực phẩm để bảo quản các ngăn đông khách nhau cũng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.
- Kiểm tra bao bì sản phẩm
Khi bao bì bị rách, có vết nứt vỡ thì sản phẩm đông lạnh đó có nguy cơ cháy lạnh (hiện tượng xảy ra khi thực phẩm bị khô), nguy cơ nhiễm khuẩn tiềm ẩn và không đủ điều kiện an toàn để tiếp tục trữ đông hay tiêu thụ. Vì thế điều quan trọng khi mua các thực phẩm đóng gói sẵn là kiểm tra bao bì đóng gói xem có dấu hiệu rách, thủng hay tái niêm phong nào không.
- Đọc kỹ bảng thành phần sản phẩm
Một danh sách thành phần dài thường báo hiệu sự có mặt của phụ gia và chất bảo quản không cần thiết. Nên ưu tiên lựa những sản phẩm có danh sách nguyên liệu ngắn gọn, đơn giản mà giống với những gì bạn thường sử dụng khi nấu tại nhà.
- Mua vừa phải số lượng thực phẩm đông lạnh để trữ
Mua một lượng lớn thực phẩm đông lạnh để lưu trữ mà không có đủ không gian bảo quản thích hợp có thể dẫn tới việc đông lạnh không đúng cách, tăng nguy cơ cháy lạnh, ảnh hưởng tiêu cực tới hương vị và cấu trúc của thức ăn.
- Lưu ý khác
+ Tránh chọn những thực phẩm đông lạnh có bao bì hay sản phẩm có vẻ ướt át hoặc cảm giác từng được giã đông và đông lạnh lại.
+ Khi mua thực phẩm đông lạnh, nên giữ chúng trong các túi cách nhiệt khi vận chuyển và mang chúng về tủ trữ đông nhà mình càng sớm càng tốt.
+ Đảm bảo nhiệt độ tủ trữ đông theo đúng hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Chắc chắn rằng nhiệt độ của tủ phải chính xác. Hầu hết các loại tủ đông hay ngăn đá tủ lạnh đều có thể điều chỉnh nhiệt độ bảo quản. Theo khuyến cáo từ FDA (Cục quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ), nhiệt độ thích hợp cho ngăn đá là từ -18 độ C.
3. Những thực phẩm không nên trữ đông
Ngoài việc mua sẵn các thực phẩm đông lạnh thì nhiều gia đình cũng tự mua các thực phẩm về sơ chế và trữ đông. Không phải thực phẩm nào bạn cũng nên bảo quản trong tủ đông. Các loại rau sống như rau diếp (Xà lách), dưa chuột bí xanh,... nhìn chung là các loại thực phẩm có hàm lượng nước cao khiến tế bào trong chúng vỡ ra, bị hỏng và bạn có thể dễ dàng thấy chúng "sũng nước" khi rã đông. Hoặc phô mai mềm, trứng sống nguyên vỏ khi bảo quản trong tủ đông còn dễ bị "nổ, vỡ cấu trúc bên ngoài".
Dưới đây là một số thực phẩm không nên bảo quản trong tủ đông do dễ bị mất/giảm mùi vị, giảm dinh dưỡng, mất cấu trúc hoặc dễ bị hỏng:
- Hầu hết sữa và các chế phẩm từ sữa
- Khoai tây
- Trứng sống nguyên vỏ
- Thực phẩm chiên rán và vụn bánh
- Phô mai/pho mát
- Trái cây và rau xanh tươi sống, giàu nước
- Thực phẩm đã rã đông một lần
- Sốt và nước sốt làm từ hạt điều
- Mì ống, nui
- Cơm nguội
- Tỏi, đinh hương, hạt tiêu có thể giảm hương vị và mất tác dụng khi đông lạnh
- Mayonaise
- Các loại đồ uống có ga
- Cà phê.
4. Lưu ý khi chế biến thực phẩm đông lạnh
Khi chế biến thực phẩm đông lạnh được lấy ra từ tủ đông bạn cần chú ý tới:
- Màu sắc của thực phẩm
Nhiều loại thực phẩm đổi màu khi đông lạnh trong thời gian dài, chẳng hạn như một miếng thịt bò sống có thể chuyển từ màu đỏ sang màu nâu hoặc thịt gà tươi chuyển sang màu trắng. Điều này không có nghĩa là thực phẩm đó không an toàn để ăn mà là dấu hiệu cho thấy thực phẩm đó có thể không có hương vị ban đầu như bạn mong muốn.
- Tình trạng cháy lạnh của thực phẩm
Cháy lạnh xảy ra khi thực phẩm không được bảo quản đúng cách trong tủ đông khiến độ ẩm thoát ra ngoài và tạo thành các tinh thể băng. Mặc dù thực phẩm vẫn có thể ăn được nhưng lớp băng này sẽ "đốt cháy" thực phẩm và khiến nó có kết cấu khô hơn và ít hương vị hơn.
Để tránh gặp phải tình trạng cháy lạnh thực phẩm đông lạnh, bạn cần loại bỏ càng nhiều không khí càng tốt khi bảo quản thực phẩm. Các túi nhựa chuyên dụng để đông lạnh có thể có nhiều ưu điểm hơn so với các hộp đựng thực phẩm.
- Rã đông đúng cách
Sử dụng ngăn tủ lạnh để rã đông thực phẩm qua đêm hoặc sử dụng lò vi sóng ở chế độ rã đông nếu cần rã đông nhanh.
- Tránh để thực phẩm đông lạnh ở nhiệt độ phòng quá lâu vì có thể dẫn tới sự phát triển nhanh chóng của vi khuẩn
- Nấu chín thực phẩm đông lạnh ở nhiệt độ an toàn để đảm bảo diệt được vi khuẩn có hại,
- Không tái đông lạnh thực phẩm đã rã đông nếu bạn không nấu hết, điều này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn của thực phẩm.
- Cẩn thận với lượng muối và chất béo nếu bạn sử dụng thực phẩm đông lạnh đã được nêm gia vị hoặc chế biến sẵn.
5. Câu hỏi thường gặp
- Ăn thực phẩm đông lạnh quá hạn có sao không?
Theo hướng dẫn từ cơ quan an toàn thực phẩm FDA Hoa Kỳ, thực phẩm đông lạnh bảo quản ở nhiệt độ liên tục 0°F hoặc thấp hơn có thể an toàn vô thời hạn; tuy nhiên, chất lượng và hương vị có thể giảm sau ngày tốt nhất để sử dụng.
- Nấu thịt đông lạnh mà không rã đông trước có an toàn không?
Nói chung, việc nấu thịt đông lạnh mà không cần rã đông là an toàn, mặc dù thời gian nấu có thể lâu hơn khoảng 50% so với thịt đã rã đông. Luôn đảm bảo nhiệt độ chế biến cuối cùng đáp ứng hướng dẫn an toàn thực phẩm.
- Thực phẩm đông lạnh có kém dinh dưỡng hơn so với thực phẩm tươi không?
Quá trình đông lạnh đúng cách thực sự giúp bảo toàn dưỡng chất trong thực phẩm, đặc biệt là trong trái cây và rau củ có thể bị mất/suy giảm các chất dinh dưỡng khi được bảo quản tươi trong thời gian dài. Tất nhiên là nếu có thể bạn nên ăn thực phẩm tươi để nhận ngay tối đa các lợi ích sức khỏe của chúng.
Tóm lại, việc mua và bảo quản thực phẩm đông lạnh đúng cách là rất quan trọng để đảm bảo an toàn và chất lượng của thực phẩm. Người tiêu dùng cần lựa chọn kỹ lưỡng sản phẩm, tránh những gói thực phẩm có dấu hiệu đã tan chảy rồi đông lại. Việc sử dụng túi cách nhiệt và bỏ thực phẩm vào tủ đông ngay lập tức sẽ giúp giữ lạnh thực phẩm và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Cuối cùng, hãy chú ý đến cách hâm nóng và chế biến thực phẩm một cách cẩn thận để đảm bảo thực phẩm được chín và an toàn cho sức khỏe.
Những lưu ý này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình mà còn giúp bạn tận hưởng trọn vẹn hương vị thức ăn mà không gặp phải những rủi ro không đáng có.
Theo phunuvietnam.vn
Liên kết website
Ý kiến ()