Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:59 (GMT +7)
Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công
Thứ 5, 08/09/2022 | 13:51:43 [GMT +7] A A
Theo kế hoạch, đến hết ngày 30/9, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Ninh sẽ phải đạt tỷ lệ 80%. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh đạt rất chậm so với mục tiêu đề ra. Hiện tỉnh đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư và thành viên Tổ công tác đặc biệt về giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công.
Mặc dù đã có sự thống nhất chỉ đạo từ tỉnh đến các chủ đầu tư, sở, ngành liên quan, chậm nhất đến 30/6 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn phải đạt 50% kế hoạch, đến 30/9 tỷ lệ giải ngân đạt 80% kế hoạch, đến 31/12 hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn. Tuy nhiên, đến ngày 26/8 tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh mới đạt 6.681 tỷ đồng. Nếu so với Kế hoạch vốn giao đầu năm tại Quyết định số 4389/QĐ-UBND ngày 10/12/2021 của UBND tỉnh (là 15.661,9 tỷ đồng) thì tỷ lệ giải ngân đạt 42,7% (thấp hơn so với cùng kỳ đạt 49,2%). Tuy nhiên nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 59,5%, cao hơn giải ngân bình quân chung cả nước (ước đạt 35,27%).
Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT, có một số nguyên nhân tồn tại “cố hữu” làm chậm tiến độ giải ngân, nhất là trong nửa đầu năm, thậm chí lan sang cả quý III, trong đó nguyên nhân đầu tiên mà gần như dự án nào cũng mắc phải đó là công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng bị chậm. Công tác này thực hiện chậm vì còn nhiều bất cập như xung đột về lợi ích, về đơn giá bồi thường vẫn chưa sát với thực tế, phương án và dự toán bồi thường có sự không đồng nhất giữa dự án đầu tư công áp giá kèm hỗ trợ và dự án đầu tư tư áp giá kèm thỏa thuận; khó khăn trong di dời các công trình tiện ích, chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành... Nhóm nguyên nhân tiếp theo là do thời gian thực hiện các hồ sơ, thủ tục đầu tư công, đầu tư xây dựng, thu hồi đất GPMB, đấu thầu rất dài, trong đó có những gói thầu dự án thủ tục đấu thầu đến 6 tháng (một số dự án sử dụng nguồn vốn ODA phải tổ chức đấu thầu quốc tế).
Ngoài ra, những yếu tố khách quan, bất ngờ như sự biến động của giá xây dựng, giá nguyên nhiên vật liệu quá lớn ảnh hưởng phương án tài chính của các nhà thầu. Vướng mắc về nguồn đất đắp và vị trí đổ thải, giá thành nguyên liệu, vật liệu xây dựng tăng cao, ảnh hưởng đến các nhà thầu thi công…
Chia sẻ về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cao Tường Huy nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, Quảng Ninh xác định đầu tư công là một trong những trụ cột đảm bảo tăng trưởng. Bởi vậy, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động; bù đắp cho ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và biến động chính trị của thế giới. Vì thế, giai đoạn những tháng cuối năm, tỉnh Quảng Ninh sẽ quyết liệt chỉ đạo, triển khai các biện pháp kịp thời, hiệu quả để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công theo đúng tinh thần Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, gắn với trách nhiệm người đứng đầu ở các cấp ngân sách, các cơ quan quản lý trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đặc biệt tăng cường chỉ đạo đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư và thành viên Tổ công tác đặt biệt về giải ngân vốn đầu tư công 2022 của tỉnh trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; rà soát điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt; chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm. Coi kết quả giải ngân là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2022.
Cùng với đó, tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất… hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện, đồng thời tổ chức tuyên truyền cho người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của từng dự án, bảo đảm công khai, minh bạch tạo sự tin tưởng và đồng thuận của người dân trong việc triển khai thực hiện. Tổ công tác đặc biệt về giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh cũng tích cực đôn đốc, yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương báo cáo tình hình giải ngân cũng như những khó khăn, vướng mắc vào thứ 6 hằng tuần để báo cáo UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ.
Ngoài ra, Sở KH&ĐT cũng đã có văn bản gửi các chủ đầu tư, địa phương đề nghị xem xét, điều chỉnh kế hoạch vốn đã giao để đảm bảo tỷ lệ giải ngân theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đối với các đơn vị không đề xuất điều chỉnh điều hòa vốn đều cam kết giải ngân theo đúng chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh. Đối với các chủ đầu tư và các nhà thầu, UBND tỉnh đã yêu cầu, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, hoàn thiện các thủ tục đầu tư, nhất là các dự án được bổ sung vốn để khởi công mới năm 2022, các dự án trọng điểm chào mừng 60 năm thành lập tỉnh 30/10 (1963-2023). Tập trung hoàn thiện các hồ sơ thanh toán theo quy định, các chủ đầu tư cần khẩn trương nghiệm thu lập hồ sơ thanh toán khi có khối lượng; hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện.
Hy vọng với sự tăng tốc vào cuộc và quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu từ tỉnh đến địa phương, giai đoạn những tháng cuối năm 2022, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Ninh sẽ về đích đúng hẹn.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()