Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 08/11/2024 09:53 (GMT +7)
Gánh nặng vô hình của lì xì
Thứ 2, 23/01/2023 | 23:08:39 [GMT +7] A A
Mỗi khi Tết đến, có lẽ không ít người cảm thấy lo lắng và đau đầu, phải tính toán liệu lương, thưởng có đủ trang trải cho lì xì. Từ đó, lì xì trở thành một gánh nặng vô hình tùy vào thu nhập từng người.
Tiền mừng tuổi vốn được xem là đồng tiền may mắn, mang lời chúc tốt đẹp đến với người nhận nên chỉ cần là tiền lẻ, tiền mới, để trong phong bao đỏ là được.
Nhưng giờ đây, lì xì đã dần biến tướng khi không ít người lớn và trẻ con đều quan tâm đến mệnh giá đồng tiền trong phong bao chứ không đơn thuần là đón nhận một lời chúc may mắn.
Mới đây, đạo diễn Lê Hoàng gây tranh cãi khi chia sẻ quan điểm "cái nợ lì xì". Theo ông, "nếu hỏi 10 người, 10 gia đình Việt Nam, thì có tới 9 người, 9 gia đình cảm giác tiền lì xì là một cái nợ… mà không khi nào trả đủ".
Vị đạo diễn cho rằng, tiền lì xì nghe có vẻ không to, nhưng thực tế đã gây ra nhiều "tai nạn", giận hờn, cãi vã, tự ái và quê kệch. Vì tiền lì xì mà nhiều người không dám đi thăm bạn bè, nhiều công nhân nặng trĩu tấm lòng khi bước lên xe Tết về quê.
Chị Nguyễn Bích Phương (28 tuổi, quê Hải Dương) vẫn nhớ mãi "bài học lì xì" năm ngoái. Chị kể: "Tết 2022 là năm đầu tiên tôi về ăn Tết ở nhà chồng. Dịp Tết, con trai mới sinh của tôi cũng được 6 tháng tuổi. Mọi người đều trêu rằng mới năm đầu ăn Tết ở nhà chồng đã có 'lãi' với ý rằng con trai sẽ thu tiền lì xì về cho bố mẹ. Tôi chỉ coi đó là câu nói vui bởi bản thân không nặng nề chuyện lỗ lãi khi lì xì".
Tuy nhiên, sau đó, một sự việc nhỏ bất ngờ xảy ra khiến chị Phương tự nhủ phải thận trọng khi quyết định mừng tuổi bao nhiêu.
Sáng mùng 1 Tết năm ngoái, gia đình em họ đến chúc Tết bố mẹ chồng chị Phương. Người em họ mừng tuổi con trai và chị Phương cũng vui vẻ mừng tuổi lại hai cháu, mỗi cháu 50.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi khách về chị Phương bóc lì xì của con ra thì thấy bên trong là một tờ 200.000 đồng. Việc này khiến chị Phương lăn tăn và phải suy nghĩ nhiều.
"Năm nay là năm thứ hai làm dâu nên tôi đã biết mức tiền mừng tuổi ở nhà chồng. Thêm nữa tôi rút ra kinh nghiệm không mừng tuổi trước, chờ họ hàng mừng tuổi trước, rồi sẽ lựa để mừng tuổi lại mức tiền cho hợp lý", chị nói.
Trên thực tế, nhiều năm gần đây không khó để tìm những chủ đề “khoe” tiền mừng tuổi của các con. Có bà mẹ khoe con mình “thu hoạch” được hơn 20 triệu đồng trong dịp Tết, ngay lập tức mọi người xúm vào khen “lãi thế”, rồi cùng nhau khoe “chiến lợi phẩm” con mình kiếm được.
Người 20 triệu, người chục triệu, người 5-7 triệu, tiền mừng tuổi của con được đem ra cân đong đo đếm rôm rả.
PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - cho biết, tục mừng tuổi đầu năm là một phần văn hóa không thể thiếu của người Việt mỗi dịp Tết đến.
Lì xì là biểu tượng của sự may mắn, bình an và hạnh phúc, là điều mà bất kỳ ai cũng mong muốn có được vào ngày đầu xuân năm mới.
Theo ông, trong cuộc sống hiện đại, tục lì xì đang dần bị thương mại hóa. Nhiều người biến chuyện lì xì thành văn hóa "phong bì" cấp trên mong thăng quan tiến chức, hoặc là một hình thức trả nợ gọi là "phải đền đáp ân huệ". Nhà nào mừng tuổi con mình bao nhiêu thì mình phải mừng lại con họ bấy nhiêu.
"Mỗi khi Tết đến, có lẽ không ít người cảm thấy lo lắng và đau đầu, phải tính toán liệu lương, thưởng có đủ trang trải cho lì xì. Từ đó, lì xì trở thành một cái nợ, một gánh nặng vô hình tùy vào thu nhập từng người", vị chuyên gia phân tích.
PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng lì xì đã trở thành một hình thức nặng nề vào dịp Tết và đã từng có quan điểm "bỏ phong tục lì xì" gây nhiều tranh cãi.
Theo Laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()