Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:42 (GMT +7)
Gặp lại ni cô Huyền Trang trong 'Biệt động Sài Gòn' sau 50 năm
Thứ 2, 01/05/2023 | 10:10:59 [GMT +7] A A
Lần đầu tôi 'gặp' NSƯT Thanh Loan, Ni cô Huyền Trang trong phim 'Biệt động Sài Gòn', cách đây những 50 năm.
Nói là nói thế thôi chứ thực ra lần ấy tôi chỉ gặp “cô Riêng” qua bộ phim “Người về đồng cói” của nữ đạo diễn Bạch Diệp.
Hồi đó, bọn con trai mới lớn chúng tôi trong giờ học thường hay lén lút cúi xuống bàn để vừa xấu hổ vừa thích thú ngắm ảnh “cô Riêng” với gương mặt hình trái xoan, mũi dọc dừa, đôi mắt mở to và vài sợi tóc vương bên má. Bức ảnh ấy được in trên trang bìa của cuốn lịch tay, nhỏ vừa đủ cất trong túi áo.
NSƯT Thanh Loan sinh năm 1951, gia đình chị dạo trước sống ở ngõ Tạm Thương, Hà Nội. Tuy gia đình có tới 8 người con (6 gái và 2 trai) nhưng 6 cô con gái nhà ấy ai cũng đẹp như tranh, lại giỏi giang, nhưng chỉ có cô gái Nguyễn Thị Thanh Loan là bước hẳn vào văn công chuyên nghiệp.
Chị Thanh Loan kể: “Năm 1966, khi mới 15 tuổi, tôi cùng với mấy đứa bạn cùng học rủ nhau đến Trường Cấp 3 Chu Văn An để “dự tuyển văn công”. Thực ra hồi đó tôi cũng chưa có ý niệm gì lắm với văn công nhưng nghe bạn bè rủ rê nên đi cho vui, ai dè ông giám khảo Chu Lai (Dạo đó nhà văn Chu Lai là diễn viên của đoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị) lại chấm”.
Trúng tuyển và thế là cô học trò xinh xắn Thanh Loan vào học Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Chị bước vào “lính” nhẹ nhàng như một làn gió thoảng qua mà đọng lại lâu lâu. Một năm sau ngày “nhập ngũ”, Thanh Loan mới được đeo quân hàm binh nhì.
Ra trường, chị được phân công về Đoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chị Thanh Loan cười vui nhớ lại: “Về đoàn một thời gian thì tôi được phân đảm nhiệm vai bé Mai trong vở kịch “Nổi gió” của Đào Hồng Cẩm. Năm đó, tôi đã 18 tuổi nhưng chắc người “bé như cái kẹo” nên đóng vai bé Mai. Đây là vai diễn sân khấu đầu tiên của tôi”.
“Vậy chị đến với điện ảnh thế nào?”, tôi hỏi. “Năm 1971, đạo diễn Bạch Diệp làm phim “Người về đồng cói”, phim được chính tác giả văn học là nhà văn Lê Lựu cùng với đạo diễn Bạch Diệp đồng chuyển sang kịch bản điện ảnh”, chị Thanh Loan kể. Đoàn làm phim có đến Đoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị để chọn diễn viên và cô diễn viên trẻ Thanh Loan “được chấm”. Chị trúng tuyển vào vai Riêng, nhân vật nữ chính của phim.
Sau 20 năm gặp lại ngoài đời thực, khi đó chị học đạo diễn ở Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, tôi nói vui: “Vai diễn điện ảnh đầu đời ấy của chị làm bọn con trai chúng em “khốn khổ” suốt. Chao ơi, càng nhìn ảnh “cô Riêng” lại càng thấy đẹp mới chết chứ”.
Một lần, bà thím ruột của anh Tiến sĩ trẻ mới từ Ba Lan về nước tên là Nguyễn Cát Hồ, là Chủ nhiệm phim đã “bí mật” đưa anh đến “trường quay” để xem mặt người con gái mà bà đã “chấm”.
Anh Hồ đã “phải lòng” cô diễn viên Thanh Loan. Họ nên duyên chồng vợ. Chị Thanh Loan kể: “Năm 1976, sau khi lấy chồng và sinh con nên để “hợp lý hóa” chuyện công việc tôi được chuyển sang làm phát thanh viên Truyền hình Quân đội”.
Nghe chị nói thế tôi thấy tiêng tiếc những vai diễn đang chờ phía trước và hỏi lại: “Thế làm thế nào mà chị lại chuyển sang bên công an?” và được biết năm 1979, Truyền hình Vì an ninh Tổ quốc lên sóng, bên đó rất cần phát thanh viên trẻ trung và có kinh nghiệm. Cô bộ đội Thanh Loan lại được “chấm”...
Chị Thanh Loan cho hay, sang bên công an chị được mời đóng phim điện ảnh nhiều hơn. Ngay năm đó, Thanh Loan tham gia phim “Người chưa biết nói” do Bạch Diệp làm đạo diễn và phim “Tuổi thơ” của đạo diễn Xuân Trân.
Năm 1980, chị tham gia phim “Bản đề án bị bỏ quên” của đạo diễn Nông Ích Đạt. Rồi năm 1981, chị được đạo diễn Văn Hòa mời đóng phim “Phương án ba bông hồng”.
Đây đều là những phim có đề tài về lực lượng công an. Từ những vai diễn đó mà chị được chuyển sang làm phim, nghĩa là chị được chuyển về Điện ảnh Công an nhân dân.
Ở Điện ảnh Công an nhân dân, nghệ sĩ Thanh Loan tập trung vào làm đạo diễn. Chị thường đạo diễn những bộ phim tài liệu và tài liệu khoa học phản ánh về công việc của những người làm công tác vì bình yên cuộc sống.
Đầu tiên phải kể đến phim tài liệu đầu tay “Dấu vết cháy” năm 1996 lấy đề tài về công tác phòng chống cháy nổ. Tiếp đó là phim “Nơi dòng sông chảy ngược”, bộ phim phản ánh Công an Lạng Sơn tích cực phòng chống tội phạm biên giới khi biên giới Việt Nam - Trung Quốc rộng cửa giao thương.
Tháng 11 vừa rồi, tôi có cơ may được cùng NSƯT Thanh Loan tham gia Trại sáng tác Điện ảnh của Hội Điện ảnh Việt Nam. Trại được tổ chức ở tỉnh Bạc Liêu và các trại viên được đi thực tế nhiều nơi ở miền Tây Nam Bộ.
Nhớ hôm đoàn về Đất Mũi Cà Mau, thấy chị Thanh Loan cứ bồi hồi là lạ, hỏi ra mới hay năm 1991 chị đã có nhiều ngày ăn ở cùng người dân Cà Mau. Qua trực tiếp gặp gỡ và phỏng vấn bà con trong bộ phim tài liệu “Ảo tưởng một chân trời”, đạo diễn Thanh Loan đã đưa ra vấn đề cần có một chính sách phù hợp để người dân yên tâm ở lại quê hương, không vượt biên ra nước ngoài.
Sau 31 năm mới trở lại Đất Mũi với bao trăn trở, với bao kỷ niệm, thử hỏi ai mà chẳng bồi hồi, nhất là tận mắt thấy cuộc sống của người dân nơi đây có nhiều chuyển biến đi lên.
Trong chuyến đi miền Tây Nam Bộ này, mỗi khi đoàn chúng tôi dừng chân là có bao ánh mắt nhìn theo. Ở đâu cũng thế, từ thành phố cho tới làng quê, từ bưng biền tới ồn ào sóng vỗ mọi người đều nhận ra “Ni cô Huyền Trang”.
Mọi người kéo đến gần, người thì chỉ nhìn, người xin chụp ảnh, có người còn xin được hát vọng cổ để tặng “Ni cô Huyền Trang”. Tôi có lúc nói vui: “Lần sau em không đi cùng chị nữa, toàn phải trông đồ hoặc chụp ảnh cho chị...”.
Nghệ sĩ Thanh Loan là Đại tá, Phó Giám đốc Điện ảnh Công an nhân dân, được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1993. Chị nhận nhiều giải thưởng tại các kỳ Liên hoan phim toàn quốc và của Hội Điện ảnh Việt Nam. Với vai trò là đạo diễn phim tài liệu chị đã nhận: Giải Cánh diều Bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2002 cho phim “Những người trong truyện”. Bằng khen của Ban Giám khảo liên hoan phim lần thứ 14 cho phim “Bộ trưởng của chúng tôi”. |
Theo giaoducthoidai.vn
Liên kết website
Ý kiến ()