Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 20:10 (GMT +7)
Gia đình Nguyễn Đức Chung nộp 10 tỷ đồng bảo lãnh nghĩa vụ thi hành án
Thứ 7, 11/12/2021 | 22:06:53 [GMT +7] A A
Gia đình bị cáo Chung nộp 10 tỷ đồng nhằm bảo lãnh cho trường hợp nếu bị cáo Chung bị Hội đồng xét xử tuyên chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án thì sẽ khấu trừ vào số tiền này.
Ngày 11/12, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung và 2 đồng phạm, sau khi đại diện Viện Kiểm sát trình bày bản luận tội và đề nghị mức án, các bị cáo và luật sư bào chữa đã đưa ra nhiều lập luận, quan điểm… nhằm gỡ tội cho các bị cáo.
Trình bày tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Văn Tú (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Chung) đã đề nghị việc xác định thiệt hại trong vụ án cần được giao cho cơ quan chuyên môn giám định.
Luật sư Tú đã bổ sung thêm tài liệu mới tại phiên tòa là phiếu nộp tiền của gia đình bị cáo Nguyễn Đức Chung nộp số tiền 10 tỷ đồng cho Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội.
Đây là khoản tiền của gia đình bị cáo Chung vừa nộp nhằm bảo lãnh cho trường hợp nếu bị cáo Chung bị Hội đồng xét xử tuyên chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án thì sẽ khấu trừ vào số tiền nộp bảo lãnh này, đảm bảo sự thượng tôn pháp luật.
Mặc khác, hiện cơ quan pháp luật đã kê biên 1 nhà đất và 2 căn hộ chung cư của bị cáo Nguyễn Đức Chung để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án. Thông qua khoản tiền 10 tỷ đồng này, gia đình bị cáo Chung cũng xin bảo lãnh cho việc kê biên số tài sản nhà, đất nói trên.
Trước đó, trong hơn 1 tiếng tự bào chữa trước Tòa, bị cáo Nguyễn Đức Chung đưa ra nhiều luận điểm phản bác lại bản luận tội của Viện Kiểm sát.
Bị cáo Chung tiếp tục khẳng định bị cáo không chỉ đạo việc mua chế phẩm Redoxy-3C và cho rằng Viện Kiểm sát chỉ lấy một câu nói "không rõ ràng" của bị cáo bên bờ hồ Hoàn Kiếm để cáo buộc bị cáo "chỉ đạo Công ty Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm thông qua Công ty Arktic" là không khách quan và không đầy đủ.
Bị cáo Chung viện dẫn việc mua chế phẩm Redoxy-3C đã được Thường trực Thành ủy Hà Nội cho chủ trương, Sở Xây dựng cũng có hướng dẫn chỉ đạo về việc xử lý nước sông hồ ở Hà Nội. Từ đó, bị cáo Chung thắc mắc: "Tại sao lại lấy câu nói không phải chỉ đạo của tôi để cáo buộc về việc mua chế phẩm."
Quá trình tự bào chữa, bị cáo Chung cũng khẳng định mình không chỉ đạo điều hành Công ty Arktic, không chỉ đạo Giang tặng quà cho các cơ quan, tổ chức ở Hà Nội và Sơn La.
Về việc bị cáo Giang khai bị cáo Chung chỉ đạo bằng email, bị cáo Chung đề nghị Giang nộp email đó ra cho Hội đồng xét xử…
Phần trình bày của bị cáo Chung có nhiều nội dung dài dòng, lặp đi lặp lại nên nhiều lần chủ tọa phiên tòa phải nhắc nhở bị cáo Chung: "Nói ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề."
Về phần mình, bị cáo Nguyễn Trường Giang tiếp tục khẳng định không tham gia góp vốn và chia lợi nhuận từ hoạt động của Công ty Arktic.
Việc đứng lên làm Giám đốc Công ty là do vợ bị cáo Nguyễn Đức Chung nhờ. Mọi hoạt động kinh doanh, mua bán của công ty, trong đó có việc mua chế phẩm Redoxy-3C về bán cho Hà Nội đều do bị cáo Chung chỉ đạo và kết nối.
Trong phần luận tội sáng 11/12, đại diện Viện Kiểm sát đã đánh giá bị cáo Nguyễn Đức Chung đã lợi dụng vị trí người đứng đầu thành phố để thực hiện hành vi và giữ vai trò chủ mưu, có động cơ vụ lợi.
Trong quá trình xử lý ô nhiễm nước tại các sông, bị cáo Chung đã lợi dụng quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố tạo điều kiện cho Công ty Arktic của gia đình mua bán chế phẩm Redoxy-3C.
Chế phẩm Redoxy-3C được sản xuất theo đơn đặt hàng của Hà Nội nhưng sau đó Công ty Watch Water lại ký văn bản thỏa thuận để Công ty Arktic phân phối độc quyền. Hành vi mua bán lòng vòng của hai công ty khiến Hà Nội bị thiệt hại hơn 36 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát cho rằng 2 bị cáo Chung và Giang phải liên đới bồi thường hơn 36 tỷ đồng cho nguyên đơn dân sự là Công ty Thoát nước Hà Nội./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()