Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 23:41 (GMT +7)
Gia đình - Truyền thống và hiện đại
Chủ nhật, 24/06/2012 | 05:14:10 [GMT +7] A A
Lâu nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, thường thấy nhắc nhiều đến một thực trạng; ấy là việc mô hình gia đình truyền thống đang có xu hướng bị phá vỡ do tác động của lối sống hiện đại. Nhiều người tỏ ra lo ngại vì thực trạng này!
Điều đó không phải không có cơ sở; bởi cùng với sự phá vỡ mô hình gia đình truyền thống, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình cũng ngày một lỏng dần đi; và kéo theo đó là thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm, thiếu sự quan tâm lẫn nhau giữa cha mẹ, con cái, ông cháu v.v.. Không ít những vụ việc đáng buồn đã xảy ra, như anh chị em ruột, thậm chí là cha con, mẹ con v.v.. chỉ vì lợi ích kinh tế mà dẫn đến xung đột, tranh chấp, kiện tụng nhau “một mất một còn”...
Rõ ràng, những chuyện như vậy rất xa lạ với mô hình gia đình truyền thống trước đây!
Nhưng nếu vì thế mà coi mô hình gia đình truyền thống là khuôn mẫu để áp đặt trong việc xây dựng gia đình văn hoá hiện nay thì lại chưa hẳn đã hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ, dù muốn hay không, một khi “môi trường xã hội” thay đổi thì tất yếu “môi trường gia đình” cũng sẽ thay đổi. Nhiều người vẫn phàn nàn rằng hiện nay mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, nhất là những gia đình ở đô thị, thành phố, đang ngày một lỏng lẻo; thậm chí bố con, anh em sống trong một mái nhà nhưng cũng ít khi nhìn thấy mặt nhau, đến bữa cơm chung cả gia đình cũng hiếm… Đây là một thực tế, nhưng nó là sự tất yếu của lối sống hiện đại, có muốn níu kéo thì cái cảnh “sum vầy” kiểu gia đình xưa kia cũng không thể được! Và vì vậy, việc xây dựng mô hình gia đình mới không thể không tính đến điều này. Ấy là chưa kể, những khuôn phép cũ trong mối quan hệ gia đình truyền thống, bên cạnh những mặt tích cực, tốt đẹp, cũng có nhiều mặt giờ không còn phù hợp nữa. Chỉ xin nêu một ví dụ, nếu trước đây một gia đình nào đó có cô con gái “chửa hoang”, chắc sẽ không thể coi là gia đình nền nếp, “có gia phong” được! Và bố mẹ cô gái nếu không tỏ thái độ nghiêm khắc “đe nẹt” con gái mình thì sẽ bị coi là không biết dạy con…
Thế nhưng, trong thời đại hiện nay, chuyện ấy không phải lúc nào cũng đáng lên án! Và trong nhiều trường hợp, những ông bố, bà mẹ tỏ ra bao dung, độ lượng, che chở, động viên con gái mình lại mới là người có văn hoá; gia đình đó mới là gia đình có văn hoá. Cũng như vậy, một cặp vợ chồng đã “cạn tình” và quyết định ly hôn chưa chắc đã “thiếu văn hoá” hơn là khi họ cứ kéo níu quan hệ hôn nhân khi mối quan hệ ấy chỉ làm cho cả hai người cảm thấy cuộc sống nặng nề…
Nói như vậy để thấy rằng khi xem xét, đánh giá một gia đình là có văn hoá hay không, cần nhìn nhận một cách toàn diện, không nên gò ép, cứng nhắc. Thậm chí, khi nhìn nhận những thay đổi theo hướng hiện đại của mô hình gia đình, cũng không nên áp đặt một cách cực đoan, mà hãy coi đó là điều tất yếu, không thể khác! Vấn đề là ở chỗ, những thay đổi “chuẩn mực gia đình” truyền thống ấy có phù hợp pháp luật hay không, có trái với đạo đức xã hội chủ nghĩa hay không… Đấy mới là điều quan trọng nhất!
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()