Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 07:46 (GMT +7)
Giá heo hơi mới vừa cải thiện, giá nguyên liệu lại đua nhau lập đỉnh
Thứ 4, 02/02/2022 | 14:20:18 [GMT +7] A A
Ngành chăn nuôi vốn đã gặp nhiều khó khăn nhưng được kỳ vọng sẽ có những chuyển biến tích cực hơn khi giá heo hơi cải thiện trong dịp Tết. Tuy nhiên, giá đầu ra tăng lên nhưng chi phí đầu vào cũng “thi nhau” lập đỉnh.
Giá heo thịt đang tăng nhanh trở lại khi nhu cầu tiêu thụ được đẩy mạnh trong vài tuần qua. Giá heo hơi tại nhiều tỉnh, thành đã đồng loạt tăng 2.000-4.000 đồng, lên trên 50.000 đồng/kg so với tháng trước đó.
Đây là một tín hiệu đáng mừng cho ngành chăn nuôi trong suốt một năm vừa qua khi giá heo hơi liên tục lao dốc và thậm chí còn có thời điểm rớt xuống dưới 40.000 đồng/kg do nguồn cung dư thừa, heo quá lứa tồn đọng với số lượng lớn. Lo ngại về đầu ra tạm thời được xoa dịu nhưng chi phí nhập khẩu nguyên liệu vẫn liên tục tạo sức ép lên các doanh nghiệp nội địa khi giá nông sản thế giới đều đang trong đà tăng mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 01/02, các mặt hàng nông sản được giao dịch dịch liên thông với thế giới qua Sở giao dịch Hàng hoá Việt Nam đều đồng loạt nhảy vọt lên các mức giá mới. Giá khô đậu tương tăng trong phiên thứ 5 lên lên 480 USD/tấn và đạt mức cao nhất kể từ tháng 5 năm ngoái. Hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 3 cũng tăng lên 250 USD/tấn, cao hơn 1,4% so với phiên trước đó.
Đậu tương và ngô là 2 loại nông sản mà Việt Nam nhập khẩu khối lượng rất lớn hàng năm để phục vụ cho việc sản xuất thức ăn chăn nuôi. Chính vì thế giá 2 mặt hàng này tăng lên ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí và mức tăng mạnh trong 2 tuần qua đã tạo áp lực lên lợi nhuận của ngành chăn nuôi bất chấp giá thịt heo hồi phục.
Dự báo về nguồn cung thắt chặt đã thúc đẩy giá tăng liên tục
Kể từ tháng 11 năm ngoái cho tới nay, khi thông tin về hạn hán quay trở lại 2 quốc gia sản xuất nông sản chính ở trên thế giới, Argentina và Brazil, giá các mặt hàng đã bước vào đà tăng mạnh trở lại. Nắng nóng nghiêm trọng đã làm chất lượng ngô và đậu tương lao dốc so với giai đoạn đầu niên vụ nhưng thiệt hại vẫn chưa dừng lại ở đây. Khoảng thời gian hạn hán tồi tệ nhất đã qua khi lượng mưa lớn quay trở lại một số khu vực nhưng lại gây ra lũ lụt cục bộ và dẫn đến việc đậu tương bị ẩm quá mức.
Các tổ chức lớn đã liên tiếp cắt giảm dự báo về nguồn cung của Nam Mỹ niên vụ 2021/22. Mới đây, hãng tư vấn StoneX đã điều chỉnh dự báo sản lượng đậu tương của Brazil về mức 126,5 triệu tấn, thấp hơn so với mức 134 triệu tấn trong báo cáo trước.
Trong Báo cáo cung-cầu tháng 1, sản lượng đậu tương niên vụ 21/22 của Brazil đang được Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo ở mức 139,0 triệu tấn, sau khi đã cắt giảm 5 triệu tấn từ mức trong báo cáo tháng 12. Thiệt hại vẫn chưa thể thực sự được đánh giá chính xác cho tới khi thu hoạch kết thúc, nhưng mức cắt giảm mạnh của StoneX và chênh lệch tới 12,5 triệu tấn so với USDA cho thấy rằng những ảnh hưởng thực tế có thể còn nghiêm trọng hơn so với những lo ngại ban đầu.
Nguồn cung sẽ rõ ràng hơn trong những báo cáo quan trọng sắp tới
Trong tháng 2 này, USDA sẽ công bố những số liệu không chỉ về sản lượng ước tính ở Nam Mỹ mà còn cung cấp những dự báo về triển vọng gieo trồng ở Mỹ trong năm 2022. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đà tăng của ngô và đậu tương có thể kéo dài ít nhất cho tới khi những đánh giá về thiệt hại mùa vụ ở Brazil và Argentina được phản ánh vào Báo cáo cung-cầu nông sản thế giới ngày 9/2.
Bên cạnh đó, Diễn đàn nông nghiệp năm 2022 do USDA tổ chức vào ngày 24-25/2 cũng sẽ cũng cấp những thông tin, kỳ vọng về nguồn cung của Mỹ và ảnh hưởng lớn tới xu hướng giá trong thời gian tới. Giá nông sản hiện đang ở mức cao sẽ là động lực thúc đẩy nông dân gieo trồng nhưng chi phí phân bón tăng mạnh lại là hạn chế đối với quyết định này.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()