Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 07:00 (GMT +7)
Giá lợn hơi tiếp đà tăng, thị trường thịt lợn dần “ấm” trở lại
Thứ 4, 27/10/2021 | 15:45:54 [GMT +7] A A
Những ngày qua, nhu cầu sử dụng thịt lợn đã tăng thêm hơn 30% so với thời điểm 1 tuần trước đó. Nhu cầu tăng nên giá lợn hơi cũng tăng theo.
Giá lợn hơi tiếp tục tăng
Ngay sau khi Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phải sớm có giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi bình ổn giá thịt lợn, đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên gồm người chăn nuôi, các khâu trung gian, người tiêu dùng, có thể thấy những ngày gần đây giá lợn hơi trên cả nước đang trong đà tăng.
Hôm qua (26/10), giá lợn hơi tiếp đà tăng mạnh ở cả 3 miền. Thị trường miền Bắc ghi nhận tăng mạnh ở tất cả các địa phương, nhiều nhất là 12.000 đồng/kg.
Trung bình toàn miền Bắc, giá lợn hơi dao động ở khoảng 47.000 - 48.000 đồng/kg. Hưng Yên ghi nhận mức tăng cao nhất khu vực là 51.000 đồng/kg.
Tại miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn dao động trong khoảng 44.000 - 45.000 đồng/kg. Miền Nam tăng rải rác, Đồng Nai có mức giá cao nhất trong khu vực là 46.000 đồng/kg.
Mức giá dần ổn định trở lại, người nông dân, các hợp tác xã chăn nuôi cũng giảm được áp lực, không còn tình trạng bán ra ồ ạt như trước.
Giá lợn bán lẻ đã giảm, nhưng với tốc độ giảm nhỏ hơn nhiều so với đà giảm của thịt hơi. Kết quả, mức chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá lợn hơi hiện nay vẫn ở mức cao.
Cụ thể, tuần qua, tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội, giá thịt lợn được giao dịch ở mức từ 110.000 - 140.000 đồng/kg tùy loại. Giá tại siêu thị còn cao hơn nữa.
Cục Chăn nuôi lý giải, giá bán lẻ thịt lợn tăng cao do khâu lưu thông phân phối, còn các sạp thịt lợn ở các chợ truyền thống vùng nông thôn (không phải vận chuyển đi xa), giá thịt lợn từ 80.000 - 90.000 đồng/kg. Mức giá này hài hòa lợi ích 3 khâu: sản xuất - lưu thông, phân phối và tiêu dùng.
Thị trường thịt lợn đang dần ấm trở lại
Từ khi các quán ăn tại Hà Nội hoạt động trở lại bình thường, mỗi ngày thương lái như anh Cường (thương lái Hà Nội) vẫn thu mua thêm ít nhất 50 - 100 lợn thịt so với thời điểm cách đây 1 tuần.
Nhu cầu tăng nên giá lợn hơi cũng tăng theo, tuy nhiên những người thương lái như anh lo liệu mức giá có giữ được ở mức ổn định hay không.
"Giá nên ổn định ở mức nào đó để người dân cảm thấy yên tâm hơn khi chăn nuôi lợn", anh Cường chia sẻ.
Tại các trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ, khi giá lợn tăng trở lại, nhiều nông dân cũng đang cảm thấy bớt lo lắng hơn nhiều. Dự kiến khoảng 2 tuần tới, giá lợn hơi tiếp tục tăng ở mức ổn định, đảm bảo có lãi cho người chăn nuôi.
Trong những ngày qua, nhu cầu sử dụng thịt lợn đã tăng thêm hơn 30% so với thời điểm 1 tuần trước đó, dự báo sẽ còn tăng tiếp.
"Chúng tôi cho rằng từ giờ đến cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thịt sẽ phục hồi theo tốc độ mở cửa của các đô thị lớn. Giá theo cơ chế thị trường, có thể có tăng, có giảm nhưng nhìn chung, vào cuối năm, biên độ tăng là cao", ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nhận định.
Nhiều ý kiến cho rằng cần có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng cho các cơ sở sản xuất, đảm bảo nguồn cung thực phẩm vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán.
Giải pháp ổn định thị trường thịt lợn
Sau chuyến kiểm tra, khảo sát thực tế mới đây, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng để đảm bảo chăn nuôi tăng trưởng ổn định, thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường tổ chức kết nối tiêu thụ, hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại chăn nuôi mở rộng thị trường, đưa sản phẩm cung ứng trực tiếp thông qua hệ thống phân phối sẵn có, giảm bớt trung gian. Nhiều giải pháp để giúp tăng lợi nhuận, giảm rủi ro cho người chăn nuôi cũng được đề xuất trong Hội nghị Triển khai các giải pháp ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
"Kiểm soát dịch bệnh tốt, lưu thông trở lại bình thường, nhu cầu phục hồi thì giá cả sẽ trở lại hợp lý trong những tuần tới đây. Nếu chúng ta không làm tốt công tác thú y, thì sẽ không có công cụ, không có đội ngũ để phòng chống dịch bệnh", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay.
"Ngoài việc thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, đối với nông hộ cần thực hiện liên kết ngang để các doanh nghiệp tiếp cận các hợp tác xã, các hộ nông dân liên kết với nhau nhằm giảm giá thành. Việc sản xuất theo chuỗi mới chủ động từ khâu thay thế đàn, sản xuất đến khâu tiêu dùng để không mất cân đối cung - cầu và ổn định thị trường hơn", Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Trọng nhận định.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()