Ông Nguyễn Văn Đông (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) chuẩn bị thu hoạch gần một ha lúa Đông Xuân giống OM 5451. Tháng trước thương lái đặt cọc mua của ông với giá 9.100 đồng một kg, nhưng nay chỉ đồng ý trả 8.300 đồng.
"Tôi lấy cọc trước nên được giá này, nhiều người phải chịu bán thấp hơn", ông nói.
Cách ruộng của ông Đông không xa, ông Mai Văn Tuấn chốt bán cho thương lái 7.500 đồng một kg, giảm gần 2.000 đồng so với một tuần trước đó. "Lúa chín phải cắt, neo chờ giá cũng không được", ông chia sẻ. Giá liên tục đi xuống trong một tuần qua khiến người trồng lúa như ông Tuấn mất gần 20 triệu đồng mỗi ha.
Tương tự, giá thu mua tại An Giang, Kiên Giang cũng đồng loạt giảm. Hiện các tỉnh miền Tây vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân với diện tích gieo sạ khoảng 1,4 triệu ha, năng suất trung bình 7,2 tấn mỗi ha.
Giá lúa giảm, theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam đang mua cầm chừng, chưa chốt các hợp đồng mới. Trong nước, các doanh nghiệp xuất khẩu vốn hạn hẹp nên cũng e dè thu mua khi chưa có thêm hợp đồng mới.
Tuy nhiên, ông cho rằng mức 7.500-8.500 đồng một kg đã chạm đáy, khó giảm thêm. Bởi, Ấn Độ duy trì hạn chế xuất khẩu sau cuộc bầu cử, nguồn cung thế giới chưa dồi dào. Tính chung vụ Đông Xuân năm nay người trồng lúa vẫn lời do giá cao duy trì suốt thời gian qua, bình quân mỗi ha 25-30 triệu đồng, hơn 40-50% năm ngoái.
Hai ngày trước, theo cập nhật của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu loại 5% còn 609 USD một tấn, giảm 19 USD so với ngày trước. Gạo Thái Lan cùng phẩm cấp là 611 USD mỗi tấn, hạ 3 USD. So với đỉnh giá xuất khẩu hồi đầu 2024, nông sản này hạ 50 USD một tấn.
Năm 2023, xuất khẩu gạo cả nước đạt 8,13 triệu tấn với trị giá 4,7 tỷ USD - mức kỷ lục của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Ý kiến ()