Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:06 (GMT +7)
Chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 Gia tăng tiềm lực khoa học và công nghệ
Thứ 6, 17/05/2024 | 06:33:23 [GMT +7] A A
Hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) thời gian qua đã và đang tác động mạnh mẽ vào các ngành, lĩnh vực, làm tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, trở thành đòn bẩy phát triển KT-XH của Quảng Ninh. Nhân ngày KH&CN Việt Nam (18/5), Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Mạnh Cường (ảnh) về những giải pháp để tiếp tục nâng cao vai trò của KH&CN trong đời sống KT-XH.
- Xin ông cho biết về sự phát triển KH&CN ở Quảng Ninh trong thời gian vừa qua?
+ Nhờ sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, công tác phối hợp chặt chẽ của các đơn vị, địa phương, hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo của Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Các nhiệm vụ KH&CN được triển khai đã góp phần nâng cao hàm lượng KH&CN ở tất cả các ngành, lĩnh vực, qua đó tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động, quản lý nhà nước, giải quyết nhiều vấn đề mới về môi trường, biến đổi khí hậu, cũng như bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, con người. Nhiều thương hiệu, đặc sản vùng miền được bảo hộ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, nâng cao được sức cạnh tranh...
Bên cạnh đó, hạ tầng KH&CN dần được hình thành và phát triển với 25 doanh nghiệp KH&CN, 33 tổ chức KH&CN, 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 39 phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn LAS, VILAS đã giúp thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh. Nhân lực KH&CN tăng lên cả về số lượng và chất lượng với hơn 3.000 người, trong đó nhân lực có bằng đại học trở lên chiếm hơn 50%.
- Để hoạt động KH&CN phát huy được vai trò là động lực dẫn đường cho KT-XH phát triển, công tác tham mưu và quản lý nhà nước trong lĩnh vực này được thực hiện như thế nào, thưa ông?
+ Thời gian qua, Sở KH&CN đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp rà soát, đánh giá, xác định những cơ hội, tiềm năng, cũng như những thách thức để lựa chọn những giải pháp căn cơ và ưu tiên nguồn lực triển khai. Trong đó, quan trọng nhất là việc tham mưu cho BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 28/4/2023 về phát KH&CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; tham mưu triển khai lập quy hoạch lĩnh vực KH&CN tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tham mưu triển khai xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh khuyến khích phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Sở KH&CN cũng đã chủ động thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tăng cường đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ công chức, nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực KH&CN. Việc áp dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý KH&CN, đặc biệt là trong công tác cải cách TTHC được chú trọng, 100% TTHC trong lĩnh vực KH&CN thực hiện đúng hạn, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Đơn vị cũng thường xuyên tổ chức làm việc với UBND các huyện, thị xã, thành phố, nhằm tăng cường trao đổi, hợp tác triển khai hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh.
- Trong bối cảnh hiện nay, hoạt động KH&CN của tỉnh gặp những khó khăn gì, thưa ông?
+ Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo trên địa bàn còn một số khó khăn như nguồn nhân lực KH&CN của địa phương chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của KH&CN, đổi mới sáng tạo nói riêng cũng như sự phát triển KT-XH, QP-AN nói chung. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đối với hoạt động KH&CN giữa các địa phương còn chưa đồng đều; kết quả đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương.
Một số văn bản quy phạm pháp luật quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách hiện nay chưa thực sự phù hợp với thực tế ở địa phương, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN, đặc biệt là công tác xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN. Cơ chế, chính sách phục vụ phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo vẫn còn chậm và mức độ khuyến khích chưa đủ mạnh. Hạ tầng về KH&CN của tỉnh vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguồn kinh phí chi cho KH&CN chủ yếu dựa vào NSNN, song đang thiếu so với nhu cầu, chưa có cơ chế đột phá trong việc khơi thông, huy động các nguồn lực khác (ngoài nhà nước) đầu tư cho KH&CN, đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN tuy đã tập trung hơn vào việc phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm lợi thế của địa phương theo chuỗi giá trị, song việc tổ chức triển khai vẫn còn dàn trải, manh mún, chưa tạo được các đột phá lớn. Chưa gắn kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp. Chưa có nhiều nhiệm vụ KH&CN có sự liên kết giữa các địa phương trong vùng. Doanh nghiệp chưa thực sự được xác định là trung tâm, đóng vai trò quyết định trong hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo. Nhiều trụ cột trong bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương vẫn còn hạn chế…
- Ông có thể cho biết về những giải pháp để tiếp tục tăng cường vai trò, tiềm lực của KH&CN trong thời gian tới?
+ Để đảm bảo hiệu quả hoạt động, Sở KH&CN sẽ tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức, bộ máy. Đồng thời, bám sát các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm liên quan đến lĩnh vực KH&CN của Chính phủ, của tỉnh để tham mưu kế hoạch triển khai bảo đảm tiến độ, hiệu quả đầu tư. Trong đó, trọng tâm là các dự án hạ tầng KH&CN, đổi mới sáng tạo bảo đảm đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến ứng dụng vào sản xuất, gắn với phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH của tỉnh.
Sở KH&CN cũng sẽ xây dựng, trình UBND tỉnh một số đề án, kế hoạch, chương trình về KH&CN. Mở rộng và đẩy nhanh tốc độ ứng dụng thành tựu của KH&CN, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học... vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất điện, khai khoáng, du lịch, thương mại, logistics, tài chính, nông nghiệp, kinh tế biển, cảng biển, cải cách hành chính, quản lý nhà nước, y tế, giáo dục, văn hóa, an ninh, bảo vệ môi trường, chính quyền số... để tạo động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho tỉnh ban hành những cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN; xây dựng đề án phát triển thị trường KH&CN, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hội nhập sâu rộng, mở rộng hợp tác quốc tế, nhất là với các đối tác chiến lược có thế mạnh về KHCN; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về KH&CN. Cùng với đó, tăng cường trao đổi, đồng hành cùng các cấp, ngành và doanh nghiệp; ưu tiên bố trí nguồn lực phù hợp và cải tiến cách thức triển khai nhiệm vụ KH&CN có hiệu quả cao hơn nữa để đóng góp vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.
- Xin cảm ơn ông!
Nguyên Ngọc (thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()