Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 27/12/2024 19:16 (GMT +7)
Kỷ niệm 76 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” 19/12 (1946 - 2022) Giá trị trường tồn của "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến"
Thứ 2, 19/12/2022 | 10:21:44 [GMT +7] A A
Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị lịch sử như một Cương lĩnh kháng chiến, chứa đựng những quan điểm cơ bản về tư tưởng, đường lối chiến tranh nhân dân, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, truyền thống anh hùng, bất khuất, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh…
76 năm đã trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” 19/12 (1946-2022), nhưng âm hưởng hào hùng của lời kêu gọi bất hủ ấy vẫn mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam, như lời hịch của non sông của đất nước mà thời trước Trần Quốc Tuấn đã từng kêu gọi. Đó là một văn kiện mang tính cương lĩnh quân sự có giá trị lịch sử trong mọi thời đại, thể hiện niềm tin vững bền về con đường cách mạng mà toàn Đảng, toàn dân ta đã dứt khoát lựa chọn từ khi thành lập Đảng năm 1930, đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn ngày 19/12/1946 tại nhà ông Nguyễn Văn Dương, làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Tây (nay là Hà Nội), được công bố ngày 19/12/1946; ngày này về sau được lấy làm Ngày Toàn quốc kháng chiến.
Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị lịch sử như một Cương lĩnh kháng chiến, chứa đựng những quan điểm cơ bản về tư tưởng, đường lối chiến tranh nhân dân, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, truyền thống anh hùng, bất khuất, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh; là mệnh lệnh tiến công cách mạng, tạo khí thế để nhân dân cả nước đứng lên chiến đấu với mọi vũ khí sẵn có cùng một ý chí quyết đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi Việt Nam. Lời kêu gọi của Người rất ngắn gọn, súc tích, vạch trần dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, trình bày lập trường và nguyện vọng thiết tha với hòa bình của dân tộc ta. Người cũng đã vạch ra chiến lược chiến tranh nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, đồng thời khẳng định cuộc kháng chiến sẽ nhất định đi đến thắng lợi.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ đây, chính quyền cách mạng về tay nhân dân; nhân dân lao động đã trở thành người làm chủ vận mệnh dân tộc. Song chính quyền non trẻ đứng trước muôn vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài và phải đối mặt với ba loại giặc cùng một lúc: Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.
Với dã tâm muốn cướp nước ta lần nữa, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp núp bóng quân Anh vào giải giáp quân Nhật đầu hàng, đã nổ súng đánh ta ở Nam Bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh một mặt kêu gọi nhân dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ đứng lên kháng chiến, mặt khác ra sức đàm phán với chính phủ Pháp để cứu vãn hòa bình. Người đã ký với đại diện chính phủ Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/-1946.
Nhưng sau khi ký Hiệp định Sơ bộ, thực dân Pháp vẫn tiếp tục gây hấn ở Nam Bộ bằng xung đột vũ trang, lập chính phủ Nam Kỳ tự trị, âm mưu tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam. Do sự kiên quyết đấu tranh của ta, cuộc đàm phán chính thức giữa 2 chính phủ được tổ chức tại Phông-ten-nơ-blô (Pháp), nhưng thất bại. Trong khi đó, tại Đông Dương, quân Pháp tăng cường hoạt động khiêu khích. Quan hệ Việt - Pháp ngày càng căng thẳng và có nguy cơ xảy ra chiến tranh.
Trước tình hình trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Chính phủ Pháp Tạm ước ngày 14/9/1946, tiếp tục nhượng bộ cho Pháp một số quyền lợi kinh tế, văn hóa ở Việt Nam để có thời gian xây dựng và củng cố lực lượng, chuẩn bị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Thỏa thuận ngừng bắn trong Tạm ước 14/9 không được thực hiện ở Nam Bộ. Tại Bắc Bộ, cuối tháng 11/1946, quân Pháp đánh chiếm Hải Phòng và gây hấn nhiều nơi trong cả nước. Ngày 18/12/1946, tướng Moóc-li-e gửi cho ta hai tối hậu thư, một là: Pháp đòi chiếm đóng Sở Tài chính, đòi ta phải phá bỏ mọi công sự chướng ngại trên các đường phố. Hai là: Giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu và giao quyền kiểm soát an ninh trật tự ở Thủ đô Hà Nội cho chúng.
Trước tình hình đó, ngày 18 và 19/12/1946, tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi toàn quốc với nội dung:
“Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng muốn cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào,
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc, ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước. Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta! Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! kháng chiến thắng lợi muôn năm.
“Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất ngắn gọn nhưng súc tích, giản dị và đanh thép; có sức cổ vũ, động viên và tổ chức lực lượng kháng chiến vô cùng mạnh mẽ; khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc; truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất của nhân dân Việt Nam.
Đúng như dự báo của Người, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1954 - “Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã chứng tỏ sức mạnh của lòng yêu nước phi thường của quân và dân ta, sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc đã giải phóng miền Bắc làm tiền đề cho một Việt Nam độc lập và thống nhất vào mùa Xuân 1975, với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước, đem lại độc lập tự do cho dân tộc ta.
76 năm trôi qua, nhưng khí thế hào hùng của những ngày đầu toàn quốc kháng chiến đã trở thành ngày lịch sử, là dấu son chói lọi trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Ngày nay, Lời kêu gọi thiêng liêng của Bác vẫn mãi giữ nguyên giá trị của niềm tin tất thắng, là ý thức sâu sắc giá trị độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Sự nghiệp xây dựng CNXH còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhất định chúng ta sẽ thành công.
Minh Thu
Liên kết website
Ý kiến ()