Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:30 (GMT +7)
Giải bài toán giải ngân vốn đầu tư công
Thứ 2, 13/09/2021 | 08:00:05 [GMT +7] A A
Giải ngân vốn đầu tư công là bài toán khó không chỉ đối với Quảng Ninh mà với hầu hết các địa phương trong nước nhiều năm qua. Để giải bài toán này, Quảng Ninh đã chủ động, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý kiên quyết đối với các chủ đầu tư, đơn vị không thực hiện đúng cam kết về tiến độ giải ngân. Tuy nhiên tiến độ giải ngân các nguồn vốn năm 2021 chưa đạt kỳ vọng như chỉ đạo của tỉnh...
Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”
Năm 2021, tổng kế hoạch vốn đầu tư của tỉnh đến ngày 30/8/2021 là trên 16.600 tỷ đồng (ngân sách trung ương trên 925 tỷ đồng; ngân sách tỉnh trên 9.900 tỷ đồng; ngân sách địa phương trên 5.800 tỷ đồng) được phân bổ cho 39 chủ đầu tư. Đến ngày 30/8/2021, tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn đạt 52,2% kế hoạch năm, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu so với kế hoạch giao từ đầu năm 2021 (không bao gồm các nguồn vốn được giao bổ sung và dự nguồn trong năm) thì tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh đạt 67%, kết quả này chưa đạt theo kỳ vọng theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh.
Ngoài nguồn vốn vay ODA chậm giải ngân do vướng mắc liên quan đến thủ tục, hợp đồng ký kết giữa Bộ Tài chính và UBND tỉnh, các nguồn vốn còn lại đều chậm, phần nhiều do yếu tố chủ quan mang lại. Tiến độ giải ngân vốn ngân sách tỉnh đến ngày 30/8 mới đạt 54,4% kế hoạch năm. Thậm chí đến nay, nhiều địa phương, đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 0%, như: Sở Y tế, Công ty TNHH MTV thủy lợi Yên Lập, UBND TX Đông Triều... Một số đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công không đạt tiến độ bình quân (dưới 60%), như: Ban Quản lý Dự án trồng rừng Việt Đức (Sở NN&PTNT) 6,7%, UBND huyện Cô Tô 41,4%, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh 50%, Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình dân dụng và công nghiệp 50,7%, UBND huyện Vân Đồn 53,3%, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh 56%, Ban Quản lý KKT Vân Đồn 58,7%.
Đối với ngân sách huyện, các địa phương đều cam kết với tỉnh đến 30/6 giải ngân đạt 50% kế hoạch, đến 30/9 giải ngân đạt 100% kế hoạch; tuy nhiên đến 30/8 tỷ lệ giải ngân mới đạt 50% (cùng kỳ năm trước là 45,2%), trong đó có một số địa phương có tỷ lệ giải ngân ngân sách huyện thấp dưới 60% là: Vân Đồn 23,3%, Cẩm Phả 26,6%, Móng Cái 27,5%, Cô Tô 38,2%, Hải Hà 49,5%, Hạ Long 50,9%, Đông Triều 53,8%, Tiên Yên 56,2%.
Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách tỉnh và địa phương còn chậm phần nhiều do yếu tố chủ quan là chính. Mặc dù kế hoạch vốn đã được tỉnh sớm triển khai, tuy nhiên các chủ đầu tư, nhất là đối với các địa phương thiếu sự chủ động trong lập, trình phương án bồi thường GPMB; chậm làm công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án, điều chỉnh dự án, lựa chọn nhà thầu; nhiều đơn vị tư vấn, nhà thầu yếu về năng lực chuyên môn, từ đó dẫn đến các dự án khởi công mới thường chậm so với kế hoạch.
Ở cấp tỉnh, trong tổng số 21 dự án khởi công mới được bố trí vốn năm 2021, đến cuối tháng 8/2021 vẫn còn 6 dự án chưa hoàn thành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để khởi công xây dựng, nên tỷ lệ giải ngân mới đạt 54%, chưa đáp ứng yêu cầu; trong đó có 10 dự án giải ngân dưới 60%. Ở cấp huyện, trong tổng số 235 dự án khởi công mới, hiện còn 8 dự án chưa hoàn thiện thủ tục khởi công, trách nhiệm chính thuộc các địa phương, vì việc quyết định khởi công mới đã được UBND tỉnh giao cho các địa phương tự quyết định và chịu trách nhiệm.
Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tiến độ thu tiền sử dụng đất, nguồn vốn cho thuê mặt đất, mặt nước bị chậm, ảnh hưởng đến cân đối kế hoạch vốn đã bố trí cho các dự án, cũng như tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân. Tuy nhiên, việc phân bổ vốn hoàn toàn thuộc thẩm quyền các địa phương, UBND các địa phương vẫn chưa thực sự chủ động trình HĐND cùng cấp xem xét điều chỉnh giảm kế hoạch vốn phù hợp với tiến độ thu để đảm bảo tiến độ giải ngân theo chỉ đạo.
Công tác phân bổ vốn ở một số địa phương còn hạn chế, đến nay còn trên 110 tỷ đồng chưa phân bổ từ nguồn vốn tập trung ngân sách cấp huyện (Móng Cái 25 tỷ đồng, Cẩm Phả trên 19 tỷ đồng, Uông Bí trên 19 tỷ đồng...); đối với giải ngân vốn chương trình xây dựng NTM, huyện Vân Đồn còn trên 8 tỷ đồng, TX Đông Triều còn trên 3 tỷ đồng.
Một trong những nguyên chính, cốt lõi được xác định, ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư hiện nay là công tác GPMB. Hầu hết các dự án gặp vướng mắc, nhà thầu không có mặt bằng sạch để thi công, dẫn đến không có khối lượng thanh quyết toán với Kho bạc Nhà nước. Đơn cử như tại huyện Vân Đồn, 12 dự án khởi công mới năm 2021 đều vướng mắc mặt bằng xây dựng; thậm chí có nhiều dự án được phê duyệt đầu tư từ năm 2019 đến nay vẫn chưa hoàn thành công tác kiểm đếm, hỗ trợ đền bù GPMB theo quy định. Vì thế đến hết tháng 8/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Vân Đồn mới đạt trên 20%, gần như thấp nhất trong số các địa phương của tỉnh.
Nguyên nhân khác là việc triển khai công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quy hoạch vị trí đổ thải và phê duyệt nguồn đất đắp ở một số địa phương còn chậm. Nhiều nhà thầu ngại hoàn thiện hồ sơ thực hiện thanh quyết toán nhỏ lẻ, chờ đến cuối năm thực hiện thanh toán trọn gói, dẫn đến tồn đọng nguồn vốn.
Từ những nguyên nhân trên cho thấy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về triển khai đầu tư công ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt. Vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, tư tưởng không nhất quán “nhanh cũng được, chậm không sao”. Đây là vấn đề cần được xem xét, rút kinh nghiệm và kiểm điểm một cách sâu sắc trong năm 2021, làm tiền đề cho những năm tiếp theo.
Xây dựng chế tài đủ mạnh
Thông thường hằng năm, tỉnh đều chỉ đạo các địa phương, đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo đến ngày 30/9 phải đạt 100% kế hoạch vốn. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua, rất nhiều chủ đầu tư không đảm bảo yêu cầu này. Thậm chí, ở nhiều địa phương, chủ đầu tư đã có tư tưởng chây ì, thiếu trách nhiệm, không quyết liệt trong giải ngân. Có địa phương đã liên tục giải ngân vốn đầu tư công chậm từ 2-3 năm, không đạt theo chỉ đạo của tỉnh.
Ông Đỗ Khánh Tùng, Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, cho biết: Đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Do đó, nếu tỉnh xây dựng được quy chế khen thưởng, kỷ luật đối với các địa phương, đơn vị một cách đồng bộ, chắc chắn sẽ đẩy nhanh hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công. Có thể xem xét khen thưởng bằng việc tăng nguồn vốn đầu tư của năm kế tiếp đối với địa phương, chủ đầu tư làm tốt, để địa phương có thêm nguồn lực đầu tư những công trình phúc lợi xã hội, từ đó mới khuyến khích được tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của địa phương, đơn vị. Bởi hiện tại, nguồn vốn đầu tư ở một số huyện miền núi còn quá thấp, trong khi chi phí xây dựng, nhu cầu đầu tư lại cao.
Giải ngân vốn đầu tư ở cấp huyện luôn chậm so với tinh thần chỉ đạo của tỉnh đã làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung toàn tỉnh. Tuy nhiên, việc kiểm điểm trách nhiệm, xem xét năng lực làm việc của tập thể, cá nhân chưa được quan tâm xử lý, nhất là đối với giám đốc các ban dự án đầu tư xây dựng. Theo cơ quan chức năng của tỉnh, các địa phương cần xem xét hình thức phê bình, đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử thành phần đối với tập thể, cá nhân không làm tròn trách nhiệm, để nguồn vốn giải ngân chậm; xem xét điều động, luân chuyển đối với những cán bộ là người đứng đầu cơ quan, đơn vị có năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công hằng năm; đồng thời có cơ chế khuyến khích, khen thưởng, động viên đột xuất, kịp thời, nhằm tăng tính hiệu quả trong tổ chức thực hiện.
Quảng Ninh đang thắt chặt việc điều hành công tác giải ngân vốn đầu tư công, với mục tiêu đảm bảo tiến độ, chất lượng, phục vụ tối đa nhu cầu phát triển, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí. Năm 2021 cũng là năm tỉnh đưa ra nhiều giải pháp được cho là mạnh tay hơn trong hoạt động giải ngân vốn đầu tư công.
Các chủ đầu tư, sở, ngành, địa phương đang khẩn trương triển khai các giải pháp thực hiện các nội dung chỉ đạo của tỉnh về giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, nhất là nội dung chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy (ngày 31/8/2021) và nội dung Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 26/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các chủ đầu tư phải bám sát từng dự án được triển khai, từ đó tháo gỡ dứt điểm những khó khăn, tồn tại trong GPMB; hỗ trợ các nhà thầu bổ sung nguồn lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; đôn đốc, động viên nhà thầu, người lao động trên các công trường, dự án hăng say lao động, đảm bảo thi công 3 ca liên tục để bù đắp khối lượng bị tồn đọng; phấn đấu đến ngày 30/9 phải giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn, góp phần tích cực cùng với tỉnh đảm bảo kịch bản tăng trưởng kinh tế trên 2 con số.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()