Tất cả chuyên mục

Trong 2 tháng đầu năm 2025, tình hình kinh tế đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng 7,7% của quý I năm nay còn nhiều thách thức.
Tích cực đan xen thách thức
Số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực và đạt mức tăng cao nhất của cùng kỳ trong 5 năm qua. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 ước tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước, tính chung hai tháng đầu năm 2025 tăng 7,2%, là mức tăng cao nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2021-2025.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2025 đạt 127,07 tỉ USD, tăng 12,0% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài Chính) Nguyễn Thị Hương, mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên là một thách thức lớn đối với toàn nền kinh tế. Trong đó quý I tăng 7,7%; quý II tăng 8,1%; quý III tăng 8%; quý IV tăng 8,2%.
"Những tháng đầu năm 2025, tình trạng thiếu hụt lao động vẫn xảy ra tại một số doanh nghiệp mới thành lập. Tốc độ tăng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng đầu năm chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2023 trong 5 năm qua. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (67.000) vượt số doanh nghiệp gia nhập (49.800). Đáng chú ý, 3.800 doanh nghiệp hoàn tất giải thể, tăng 10,3% so với cùng kỳ, mức cao nhất trong giai đoạn 2021-2025" - bà Nguyễn Thị Hương thông tin.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng
Trước những kết quả đạt được trong 2 tháng đầu năm 2025, Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài Chính) - bà Nguyễn Thị Hương đánh giá, để tạo đà tăng trưởng cho các tháng tiếp theo cần phối hợp đồng bộ, hiệu quả các chính sách.
Trong đó điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng. Cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để có phản ứng kịp thời nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế.
Phát triển các lĩnh vực công nghiệp mới nổi như chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và thị trường xuất, nhập khẩu gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm. Khai thác hiệu quả các cơ hội từ 17 FTA đã ký kết và đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, chủ lực.
"Đặc biệt, có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời hơn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và các chương trình mục tiêu quốc gia. Có chính sách ưu đãi, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao... thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam" - bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Theo ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của United Overseas Bank (UOB), việc đạt mức tăng trưởng 8%, thậm chí hai con số là hoàn toàn có thể. Đặc biệt khi Việt Nam có động lực mạnh mẽ trong năm 2024 với GDP tăng trên 7%. Để đạt được, chuyên gia nhà băng Singapore khuyến nghị Việt Nam tăng mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng và giảm tác động từ nguy cơ suy giảm trong xuất khẩu và sản xuất.
"Quá trình triển khai các dự án hạ tầng cần được đẩy nhanh để vừa tạo động lực tăng trưởng ngắn hạn trong khi đầu tư được thực hiện vừa nâng cao năng suất dài hạn sau khi dự án hoàn thành" - ông Suan Teck Kin khuyến nghị.
Ý kiến ()