Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:01 (GMT +7)
Giải pháp mở rộng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Thứ 3, 14/05/2024 | 16:53:58 [GMT +7] A A
Tóm tắt
Quảng Ninh có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh và đối ngoại; tỉnh có gần 70% diện tích tự nhiên là rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp. Việc quản lý và khai thác bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp không chỉ đóng góp những giá trị về kinh tế - xã hội mà còn có vai trò rất quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái, tạo nguồn sinh thủy, nâng cao chất lượng nước và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển du lịch, dịch vụ, bảo vệ quốc phòng an ninh của tỉnh. Phân tích thực trạng tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở phân tích Nguồn vốn cho vay phát triển lâm nghiệp và kết quả cho vay phát triển lâm nghiệp. Từ đó, đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế và đi sâu phân tích nguyên nhân của những tồn tại hạn chế trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) đối với phát triển lâm nghiệp. Trên cơ sở đó Đề xuất các giải pháp để mở rộng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Từ khóa: nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, phát triển lâm nghiệp, ngân hàng chính sách xã hội.
Quang Ninh has an important strategic position in politics, economics, defense, security and foreign affairs; The province has nearly 70% of its natural area as forests and forestry land. The sustainable management and exploitation of forest resources and forestry land not only contributes to socio-economic values but also plays a very important role in protecting the ecological environment, creating aquatic resources, and improving health and safety. improve water quality and respond to climate change; develop tourism, services, and protect the province's national defense and security. Analyze the current status of social policy credit contributing to forestry development in Quang Ninh province on the basis of analyzing the sources of forestry development loans and the results of forestry development loans. From there, evaluate the achieved results, limitations and analyze in depth the causes of limitations in social policy activities for forestry development. On that basis, propose solutions to expand social policy credit sources to contribute to sustainable forestry development in Quang Ninh province.
Keywords: social policy credit capital, forestry development, social policy bank.
1.Đặt vấn đề
Quảng Ninh là tỉnh miền núi, biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc với gần 70% diện tích tự nhiên rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp. Việc quản lý, khai thác bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp không chỉ đóng góp những giá trị về kinh tế - xã hội mà còn có vai trò rất quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái, tạo nguồn sinh thủy, nâng cao chất lượng nước và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển du lịch, dịch vụ, bảo vệ quốc phòng an ninh của tỉnh. Quảng Ninh đặt mục tiêu giai đoạn 2025-2030 duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng trên 55% và nâng cao chất lượng rừng, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp bình quân đạt khoảng 6%/năm, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững 15.000 ha rừng trồng sản xuất… Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần quan trọng để thực hiện mục tiêu đề ra.
Từ năm 2020 đến nay, bằng đa dạng các nguồn vốn, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp tăng hằng năm. Cụ thể, năm 2020, dư nợ đạt 774 triệu đồng, năm 2021 dư nợ đạt 760,7 triệu đồng, năm 2022 dư nợ đạt 874 triệu đồng, năm 2023 đạt 963,4 triệu đồng. Số hộ vay vốn để trồng rừng, bảo vệ rừng có tăng từng năm với tổng số 15.247 hộ với dư nợ bình quân 53 triệu đồng/hộ. Cụ thể, năm 2020 có 16.517 hộ có dư nợ, năm 2021 có 15.397 hộ dư nợ, năm 2022 có 15.446 hộ có dư nợ, năm 2023 có 15.508 hộ có dư nợ. Nguồn vốn hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Quảng Ninh tăng trưởng mạnh mẽ, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, nguồn vốn trung ương cũng như nguồn ngân sách địa phương ủy thác để cho vay đối với lĩnh vực lâm nghiệp còn thấp. Tính đến 31/12/2023, dư nợ nguồn vốn trung ương cho vay lâm nghiệp là 679 tỷ đồng, chiếm 17,99% tổng nguồn vốn cuối năm 2023; dư nợ từ nguồn vốn địa phương dành cho lâm nghiệp 18,7% tổng nguồn vốn từ ngân sách tỉnh chuyển sang. Mức cho vay bình quân/hộ quá thấp: đạt 53,4 triệu đồng/hộ chưa bằng mức cho vay của hộ nghèo, cận nghèo là 100 triệu đồng/hộ. Số lượng chủ rừng là doanh nghiệp, tổ chức được vay vốn quá nhỏ, chỉ có 02 chủ rừng vay vốn với số tiền là 717 triệu đồng. Việc cho vay để phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tập trung chủ yếu vào chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (GQVL), còn hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay rất thấp. Vì vậy, nhóm tác giả của NHCSXH tỉnh nghiên cứu đề tài “Giải pháp mở rộng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Bài viết sẽ gồm 3 phần sau: thứ nhất phần đặt vấn đề, sau đó phân tích thực trạng tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Từ đó, đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế và đề xuất một số giải pháp nhằm mở rộng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
2.Thực trạng tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
2.2.1 Theo các tiêu chí định lượng:
(1) Tốc độ tăng trưởng dư nợ:
Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp tăng hàng năm, cụ thể: Năm 2020, dư nợ đạt 773,6 tỷ đồng, tăng 27,7% so với năm 2019; năm 2021 dư nợ đạt 860,2 tỷ đồng, tăng 11,2 % so với năm 2020; năm 2022 dư nợ đạt 933,4 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2021 và dư nợ đến 31/12/2023 đạt 963,4 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2022; tăng 59% so với năm 2019.
(2) Thu nợ gốc đến hạn:
Hàng năm tỷ lệ thu nợ gốc đến hạn đối với các món vay trong lĩnh vực lâm nghiệp đạt 100%, không làm phát sinh nợ quá hạn. Doanh số thu nợ. Cụ thể: năm 2020 đạt 27.085 triệu đồng; năm 2021 đạt 27.573 triệu đồng; năm 2022 đạt 35.004 triệu đồng; năm 2023 đạt 34.338 triệu đồng
(3) Tỷ lệ nợ quá hạn:
Tỷ lệ (%) nợ quá hạn tại chi nhánh liên tục giảm qua các năm, cụ thể: nợ quá hạn giảm 2.341triệu đồng năm so với năm 2019, tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 0,12% năm 2019 xuống còn 0,024% năm 2023. Cụ thể: năm 2020 là 2.780 triệu đồng giảm 694 triệu đồng so với năm 2019; năm 2021 là 2.143 triệu đồng giảm 637 triệu đồng so với năm 2020; năm 2022 là 1.409 triệu đồng giảm 734 triệu đồng so với năm 2021; năm 2023 là 1.133 triệu đồng giảm 276 triệu đồng so với năm 2022.
(4) Số hộ dư nợ:
Số hộ vay vốn để trồng rừng, bảo vệ rừng… có tăng nhưng không nhiều, bình quân số hộ được vay là 15.247 hộ, cụ thể: năm 2020 có 16.517 hộ có dư nợ, tăng 3.149 hộ được vay vốn so với năm 2019; năm 2021 có 15.397 hộ dư nợ, giảm 1.120 hộ vay so với năm 2020; năm 2022 có 15.446 hộ có dư nợ, tăng 49 hộ so với năm 2021; năm 2023 có 15.508 hộ có dư nợ, tăng có 62 hộ được vay vốn.
Bảng: Hộ có dư nợ bình quân vốn phát triển lâm nghiệp
Đơn vị tính: triệu đồng, hộ
Chương trình cho vay |
Năm 2019 |
Năm 2020 |
Năm 2021 |
Năm 2022 |
Đến 31/12/2023 |
|
Số dư |
Tăng so với năm 2019 |
|||||
1. Dư nợ |
748,3 |
774 |
760,7 |
847 |
963,4 |
+215,1 |
2. Số hộ dư nợ |
13.368 |
16.517 |
15.397 |
15.446 |
15.508 |
+2.140 |
3. Dư nợ bình quân |
56 |
46,9 |
49,4 |
54,8 |
62,1 |
|
- Dư nợ bình quân/hộ:
Số dư nợ bình quân/hộ vay trong lĩnh vực Lâm nghiệp là 53 triệu/hộ, có mức khá thấp, cụ thể: năm 2020 dư nợ bình quân là 46,9 triệu/hộ, giảm 9,1 triệu so với năm 2019; năm 2021 dư nợ bình quân là 49,4 triệu/hộ, tăng 2,5 triệu/hộ so với năm 2020; năm 2022 dư nợ bình quân là 54,8 triệu/hộ, tăng 5,4 triệu/hộ so với năm 2021 và năm 2023 dư nợ bình quân là 62,1 triệu/hộ, tăng 7,3 triệu/hộ so với năm 2022.
(6) Số doanh nghiệp chế biến lâm sản/Chủ rừng trong lĩnh vực Lâm nghiệp:
Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 50 chủ rừng là các doanh nghiệp, tổ chức đang hoạt động được giao 159.168,46 ha để thực hiện trồng rừng. Hiện nay, NHCSXH mới chỉ cho vay được 2 đơn vị là Hợp tác xã Hưng Dung và HTX Thanh Phúc với số tiền 717 triệu đồng.
2.2.2. Theo các tiêu chí định tính
Để đánh giá hiệu quả các chương trình cho vay phát triển Lâm nghiệp tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 350 phiếu đối với 03 đối tượng là: (1) Hộ chưa vay NHCSXH, (2) Chủ rừng đã vay (bao gồm hộ gia đình và các tổ chức…); (3) Chủ tịch UBND cấp xã và Hội đoàn thể nhận ủy thác.
Nhóm đã tổng hợp, phân tích và đánh giá, kết quả cụ thể như sau:
(1) Góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh vùng biên: Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong những năm qua đã khẳng định tín dụng chính sách là một giải pháp hữu hiệu góp phần thực hiện thành công các mục tiêu lớn của Đảng và Nhà nước như giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Với việc triển khai đến 100% thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần không nhỏ trong ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đã đẩy lùi nạn tín dụng đen thông qua việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; không bị các thế lực thù địch lôi kéo, lợi dụng. Bên cạnh đó, hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn của Chính phủ để đầu tư sản xuất, tạo việc làm, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, làm giàu trên chính quê hương mình, góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội.
(2) Cải thiện an ninh trật tự tại địa phương: Tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH thực hiện trong những năm qua đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra. Mô hình hoạt động đặc thù của NHCSXH đã huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành để thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đảm bảo được tính công khai, dân chủ, minh bạch trong hoạt động, trong việc quản lý, giám sát, sử dụng nguồn vốn Nhà nước; gắn trách nhiệm, nhiệm vụ của các cấp, các ngành liên quan trong công tác giảm nghèo bền vững, ổn định xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội giúp nhân dân bám đất, bám làng; đồng thời, giúp chính quyền cơ sở hoạch định, định hướng phát triển kinh tế cho địa phương, có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội tại cơ sở.
(3) Góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới: Nguồn vốn tín dụng chính sách của tỉnh góp phần giúp cho Quảng Ninh đạt được nhiều kết quả nổi bật trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc có thị xã Đông Triều đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Cô Tô là huyện đảo đầu tiên trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, xã Việt Dân (thị xã Đông Triều) là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên cả nước. Tỉnh được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong ban hành các cơ chế, chính sách, thí điểm thực hiện các mô hình mới. Nhiều mục tiêu quan trọng của chương trình được triển khai và đạt kết quả tốt, một số chỉ tiêu đạt được cao hơn so với toàn quốc, như, xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 100%. Đến năm 2023, tỉnh Quảng Ninh có 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 13/13 đơn vị cấp huyện hoàn nông thôn mới,…. Đặc biệt, chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm - OCOP là thương hiệu riêng của tỉnh được Trung ương chọn làm mô hình điểm để nhân rộng toàn quốc. Bên cạnh đó, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn, vùng xâu, vùng xa. Những kết quả đáng khích lệ trong xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh đã góp phần làm cho diện mạo đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, khu vực nông thôn ngày một khang trang, đổi mới.
(4) Hiệu quả đối với chương trình giảm nghèo tại địa phương: Trong hơn 5 năm qua, với nguồn vốn ngân sách từ Trung ương và ngân sách của địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách cho 182.625 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với số tiền trên 6.066,9 tỷ đồng. Giai đoạn 2015 - 2020 có trên 25.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm nhanh và sâu so với mặt bằng chung của cả nước, góp phần thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu giảm nghèo của địa phương. Công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức vươn lên thoát nghèo được triển khai đồng bộ, qua đó nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo viết đơn tự nguyện xin ra hỏi diện nghèo. Đến nay tỉnh Quảng Ninh không còn hộ nghèo (0%); hộ cận nghèo còn 925 hộ chiếm tỷ lệ 0,241%.
(5) Tiêu chí đảm bảo an ninh, trật tự xã hội: Với mô hình đặc thù của NHCSXH đã giúp huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành để thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đảm bảo được tính công khai, dân chủ, minh bạch trong hoạt động, trong việc quản lý, giám sát, sử dụng nguồn vốn Nhà nước; gắn trách nhiệm, nhiệm vụ của các cấp, các ngành liên quan trong công tác giảm nghèo bền vững, ổn định xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội giúp nhân dân bám đất, bám làng ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; đồng thời, giúp chính quyền cơ sở hoạch định, định hướng phát triển kinh tế cho địa phương, có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội tại cơ sở. Đến cuối năm 2023, có 177/177 xã đạt tiêu chí về quốc phòng và an ninh (đạt 100%).
3.Đánh giá kết quả đạt được và một số khuyến nghị chính sách
a.Về công tác tham mưu Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp:
Theo báo cáo của Ban đại diện NHCSXH tỉnh, năm 2023, bám sát nghị quyết của HĐQT NHCSXH, cũng như các định hướng, chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban đại diện tỉnh đã chỉ đạo NHCSXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bản tỉnh, tập trung triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, vì thế trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, tiếp tục có sự chuyển biến rõ nét, tích cực, tăng trưởng đi đôi với chất lượng ổn định, bền vững. Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ninh tham gia tích cực, hiệu quả vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, nỗ lực hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2023, qua đó góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và hoạt động an sinh xã hội tại địa phương. Đặc biệt, từ năm 2021, theo Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh triển khai thí điểm tại TP Hạ Long và huyện Ba Chẽ, đến nay đã có 896 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng được hơn 1.718 ha cây gỗ lớn, cây bản địa. Tỉnh đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn đánh giá đầy đủ hiệu quả chính sách để xem xét mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách theo phương thức trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, sản xuất nông lâm kết hợp, lâm sản ngoài gỗ, trồng cây nông nghiệp trong thời gian chưa có thu nhập từ rừng.
Trong 5 năm qua, tỉnh đã trồng mới được 73.746 ha rừng tập trung với nhiều loài cây có giá trị, như lim, giổi, lát, thông nhựa và 3,5 triệu cây phân tán các loại. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng từ 165 triệu USD năm 2017 lên 538 triệu USD năm 2022; giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng từng năm; giải quyết việc làm cho lao động tại các khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững. Tình trạng xâm hại tài nguyên rừng giảm đáng kể, an ninh rừng được giữ vững, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Thực hiện Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, ngày 26/6/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng ninh. đã ban hành Chỉ thị số 26 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính sách tín dụng xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo quán triệt, triển khai đến các cấp ủy chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã giúp cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở tỉnh Quảng Ninh ngày càng phát huy được hiệu quả, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao.
b.Về hoạt động chuyên môn:
- Kết quả hoạt động về nguồn vốn thực hiện tại trồng rừng tại Chi nhánh giai đoạn 2019-2023, doanh số cho vay đạt 1.127 tỷ đồng với 17.215 lượt khách hàng vay vốn; doanh số thu nợ là 143,2 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến 31/12/2023 đạt 963,4 tỷ đồng tỷ đồng, chiếm 28% trên tổng dư nợ chương trình có vay trồng rừng, với 15.508 khách hàng còn dư nợ.
- Tỷ lệ thu nợ đến hạn trong lâm nghiệp luôn đạt 100%, không để phát sinh nợ quá, hoặc xử lý nghiệp vụ tín dụng.
- Tỷ lệ nợ quá hạn liên tục giảm, đảm bảo chất lượng tín dụng của chi nhánh.
- Dư nợ bình quân hộ vay trong lĩnh vực lâm nghiệp tăng hàng năm nhưng với số tuyệt đối không cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc mở rộng nguồn vốn TDCSXH góp phần phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng tồn tại một số hạn chế như:
- Hiện nay, nguồn vốn trung ương cũng như nguồn ngân sách địa phương ủy thác để cho vay đối với lĩnh vực Lâm nghiệp còn thấp, đến 31/12/2023, dư nợ nguồn vốn trung ương cho vay lâm nghiệp là 679 tỷ đồng, chiếm 17,99% tổng dư nợ nguồn vốn cuối năm 2023; dư nợ từ nguồn vốn địa phương dành cho lâm nghiệp 18,7% tổng dư nợ nguồn vốn từ NS tỉnh chuyển sang.
- Số hộ dư nợ và dư nợ bình quân thấp: Số hộ được vay vốn để phát triển lâm nghiệp tăng hàng năm rất thấp, trong năm 2022, 2023 tăng lần lượt 49 và 62 hộ. Mức cho vay bình quân/hộ quá thấp: đạt 53,4 triệu đồng/hộ chưa bằng mức cho vay của hộ nghèo, cận nghèo là 100 triệu đồng/hộ.
- Số lượng chủ rừng là doanh nghiệp, tổ chức được vay vốn từ NHCSXH quá nhỏ. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh có 50 chủ rừng, với 159.168,46 ha rừng được giao, nhưng NHCSXH mới chỉ cho vay được 02 đơn vị là Hợp tác xã Hưng Dung và HTX Thanh Phúc (chiếm 4% trên tổng số doanh nghiệp), với số tiền 717 triệu đồng.
- Việc cho vay để phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tập trung chủ yếu vào chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (GQVL), còn hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay rất thấp. Đến 30/12/2023, tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực Lâm nghiệp là 963,4 tỷ đồng, trong đó, chương trình cho vay GQVL đạt 629,3 triệu đồng, chiếm 65,28%, dư nợ hộ nghèo là 30,5 tỷ đồng, chiếm 3,16%, dư nợ hộ cận nghèo 57,3 tỷ đồng, chiếm 5,94%, dư nợ hộ mới thoát nghèo 90,8 tỷ đồng, chiếm 9,4% trên tổng dư nợ cho vay lâm nghiệp.
- Diện tích trồng rừng lớn, tuy nhiên việc phân bổ cho vay chưa đồng đều, cự thể chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ninh mới tập trung cho vay chủ yếu tại thành phố Hạ Long (120 tỷ), huyện Ba Chẽ (265,9 tỷ), Bình Liêu (208,3 tỷ), Tiên Yên (100 tỷ), còn các huyện khác cho dưới 100 tỷ
Từ những phân tích trên, nghiên cứu đưa ra một số giải pháp mở rộng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển lâm nghiệp bên vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh như sau:
1.Tập trung huy động nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
a) Khai thác triệt để nguồn vốn Trung ương:
- Bám sát kế hoạch phát triển KTXH của địa phương, chương trình MTQG giảm nghèo, xây dựng NTM, kế hoạch phát triển lâm nghiệp theo từng năm, từng giai đoạn và qua kết quả khảo sát nhu cầu về nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách góp phần phát triển lâm nghiệp, chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ninh tham mưu UBND, Trưởng BĐD HĐQT NHCSXH tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương, các Sở, ban ngành, các tổ chức CTXH nhận ủy thác và các cơ quan có liên quan phối hợp với NHCSXH xây dựng kế hoạch nhu cầu nguồn vốn các chương TDCSXH sát và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, tổng hợp, báo cáo UBND, Trưởng BĐD HĐQT NHCSXH tỉnh phê duyệt và trình Tổng Giám đốc NHCSXH phân bổ vốn hằng năm.
- Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương từ cấp thôn, bản, khu phố... để nắm bắt được nhu cầu, mục đích đầu tư của hộ vay đảm bảo cho việc xây dựng kế hoạch tín dụng sát với thực tế tại địa phương và có khả năng, khả thi trong thực hiện giải ngân nguồn vốn các chương trình tín dụng sử dụng vào mục đích vay vốn phát lâm nghiệp.
- Tổ chức thực hiện nghiêm túc Quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng của Tổng Giám đốc, chấp hành định mức Quỹ an toàn chi trả, nâng cao hệ số sử dụng vốn, phân bổ chỉ tiêu vốn, đôn đốc các đơn vị cơ sở giải ngân vốn nhanh chóng, kịp thời, không để tồn đọng, gây lãng phí.
b) Tăng cường nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương
- Chủ động đề xuất, tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban ngành, cấp ủy chính quyền địa phương các cấp thực hiện thật tốt nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 28/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Thông báo số 989-TB/TU ngày 15/8/2023 của Thường trực Tỉnh ủy về tình hình quản lý, huy động và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; Kế hoạch số 244/KH-UBND ngày 07/10/2022 của UBND tỉnh về triển khai Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 28/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; Công văn số 3657/UBND-KTTC ngày 25/12/2023 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý, huy động và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
- Tiếp tục phối hợp các Sở, ban ngành tham mưu bổ sung nguồn ngân sách địa phương để thực hiện chính sách phát triển lâm nghiệp của tỉnh Quảng Ninh tại Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 337/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Kế hoạch số 244/KH-UBND ngày 16/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050.
- Phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan và các địa phương rà soát nhu cầu vay vốn phát triển lâm nghiệp theo chính sách phát triển lâm nghiệp của tỉnh, dự kiến bình quân mỗi năm ngân sách địa phương bố trí từ 50 tỷ đồng đến 70 tỷ đồng để cho vay theo chính sách phát triển lâm nghiệp của tỉnh.
- Chỉ đạo phòng giao dịch NHCSXH các huyện và Hội sở tỉnh chủ động đề xuất, tham mưu cho Huyện ủy, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các ban ngành, cấp ủy chính quyền địa phương xây dựng Đề án cho vay chương trình GQVL gắn với phát triển lâm nghiệp của địa phương từ nguồn vốn địa phương chuyển sang từ nay đến năm 2030 (hằng năm mỗi đơn vị cấp huyện chuyển vốn địa phương ủy thác sang phòng giao dịch NHCSXH đạt từ 2 đến 5 tỷ đồng).
c) Tập trung huy động các nguồn vốn khác:
- Chi nhánh phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp nhận ủy thác các nguồn quỹ của các tổ chức hội hiện đang quản lý, gồm Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và nguồn vốn VIE 011, 540.
- Tích cực huy động nguồn vốn từ cộng đồng dân cư, Tổ TK&VV cũng như các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn để tạo lập nguồn vốn cho vay thông qua các loại hình, sản phẩm hiện có.
- Tích cực thu hồi nợ đến hạn để cho vay quay vòng với chỉ đạo giải ngân nhanh chóng kịp thời chỉ tiêu vốn mới, đảm bảo hoàn thành sớm các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Căn cứ định hướng phân bổ chỉ tiêu kế hoạch tín dụng, các đơn vị tham mưu kịp thời cho Ban đại diện HĐQT các cấp phân bổ vốn đến các đơn vị cơ sở.
2.Nhóm giải pháp về nâng cao hiệu quả cho vay các chương trình tín dụng chính sách xã hội để góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững
a) Đối với chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ninh
Một là, làm tốt công tác tham mưu, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tín dụng được giao
- Bám sát kế hoạch phát triển KTXH của địa phương, chương trình MTQG giảm nghèo, xây dựng NTM theo từng năm, từng giai đoạn, chi nhánh NHCSXH tỉnh tham mưu UBND, Trưởng BĐD HĐQT NHCSXH tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương, các Sở, Ban ngành, các tổ chức CTXH nhận ủy thác và các cơ quan có liên quan phối hợp với NHCSXH xây dựng kế hoạch vốn TDCSXH sát và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, tổng hợp, báo cáo UBND, Trưởng BĐD HĐQT NHCSXH tỉnh phê duyệt và trình Tổng Giám đốc NHCSXH phân bổ vốn hằng năm.
- Triển khai thực hiện tốt các chương trình TDCSXH được giao, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức CTXH nhận ủy thác tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình TDCSXH nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ SXKD, tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
- Chủ động báo cáo, tham mưu kịp thời Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp xây dựng Chương trình kiểm tra, giám sát của Thành viên Ban đại diện hằng năm, đảm bảo thực hiện hiệu quả chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát.
- Thường xuyên kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV bảo đảm hài hòa giữa việc tổ chức Tổ TK&VV theo tổ chức CTXH và theo địa bàn dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động và phát triển của các tổ chức CTXH nhận ủy thác và năng lực cho đội ngũ Ban quản lý Tổ, thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện các nội dung công việc được NHCSXH ủy nhiệm;…
- Chủ động tham mưu kịp thời cho lãnh đạo trong việc kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chiến lược, định kỳ hằng năm báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định; thực hiện tốt việc tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và mục tiêu của Chiến lược trong từng giai đoạn theo chỉ đạo của cấp trên.
- Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương từ cấp thôn, bản, khu phố... để nắm bắt được nhu cầu, mục đích đầu tư của hộ vay đảm bảo cho việc xây dựng kế hoạch tín dụng sát với thực tế tại địa phương và có khả năng, khả thi trong thực hiện giải ngân nguồn vốn các chương trình tín dụng sử dụng vào mục đích vay vốn phát lâm nghiệp.
- Tổ chức thực hiện nghiêm túc Quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng của Tổng Giám đốc, chấp hành định mức Quỹ an toàn chi trả, nâng cao hệ số sử dụng vốn, phân bổ chỉ tiêu vốn, đôn đốc các đơn vị cơ sở giải ngân vốn nhanh chóng, kịp thời, không để tồn đọng, gây lãng phí.
Hai là, tăng cường công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực
- Cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tốt về đạo đức nghề nghiệp. Chủ động tổ chức tập huấn chuyên sâu mỗi khi có chủ trương, chính sách, văn bản nghiệp vụ mới và đào tạo kỹ năng giao tiếp giúp thu hút khách hàng, phục vụ nhiều khách hàng hơn với chất lượng tốt hơn trong giai đoạn mới.
- Phân công cán bộ phù hợp với năng lực, trình độ và sở trưởng, đặc biệt cán bộ tín dụng, trên cơ sở quy định của Nhà nước có tính đến đặc thù của NHCSXH, đảm bảo phù hợp điều kiện và môi trường hoạt động chủ yếu ở những địa phương phát triển kinh tế trong lĩnh vực lâm nghiệp.
- Đào tạo kỹ năng thu thập thông tin để cán bộ tín dụng biết cách thu nhập và khai thác, đánh giá thông tin có ích từ khách hàng để phục vụ cho hoạt động dự báo trong hoạt động cho vay. Trong thời gian tới, tiếp tục coi trọng giải pháp đào tạo và đào tạo lại cán bộ, coi đây là một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng.
Ba là, thực hiện nghiêm quy trình, thủ tục cho vay, xử lý nợ đến hạn
- Tuân thủ chặt chẽ quy trình cho vay: từng cán bộ nghiệp vụ cần thực hiện nghiêm quy trình, thủ tục cho vay theo quy định từ việc kiểm tra hồ sơ trước khi cho vay, trong khi giải ngân.
- Tổ chức thực hiện hiệu quả việc thu nợ đến hạn, kể cả thu nợ theo phân kỳ trả nợ; thực hiện việc xử lý nợ bị rủi ro kịp thời. Để góp phần thực hiện việc thu hồi nợ xấu đạt hiệu quả, chi nhánh cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên làm tốt việc phân tích, đánh giá từng khoản nợ xấu để có giải pháp xử lý phù hợp và xử lý dứt điểm.
- Phân bổ vốn cho vay phát triển lâm nghiệp theo hướng tập trung hiệu quả, tránh tập trung cho vay vào một khu vực, địa bàn trên tỉnh, gây mất cân đối về nguồn vốn và hiệu quả vốn vay tạo ra.
- Tích cực chủ động tiếp cận các chủ rừng là doanh nghiệp để cho vay vốn, nâng mức cho vay cũng như tạo công ăn việc làm cho nhân dân trong vùng.
Bốn là, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền
- Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách về phát triển lâm nghiệp, đặc biệt là chính sách tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế từ lâm nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
- NHCSXH phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Hội đoàn thể nhận ủy thác, Ban quản lý Tổ TK&VV tăng cường tuyên truyền, quán triệt cho người dân hiểu được quyền lợi, nghĩa vụ của người vay trước, trong và sau khi vay vốn, để họ không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, có trách nhiệm sử dụng vốn đúng mục đích, thực hành tiết kiệm và thực hiện nghĩa vụ hoàn trả vốn vay đúng thời hạn, trả lãi theo định kỳ hàng tháng. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp với nhận thức, văn hóa, tập quán, thói quen của từng vùng miền, khu vực.
- Tăng cường phổ biến, quán triệt cho các đối tượng thụ hưởng hiểu được vốn NHCSXH là vốn vay, sử dụng trong một kỳ hạn nhất định đến hạn là phải trả. Trước khi đề nghị vay vốn phải tính toán kỹ, xây dựng được phương án sử dụng vốn khả thi và có khả năng quản lý, tăng cường quay vòng vốn để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
- NHCSXH phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức Hội, đoàn thể nhận ủy thác và Tổ TK&VV đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước đến nhân dân. Đồng thời, hướng dẫn cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn vay đúng mục đích và quản lý, giám sát thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi.
b) Đối với Hội đoàn thể nhận ủy thác và Ban quản lý Tổ TK&VV
- Tăng cường công tác tuyên truyền cho hộ vay về ý thức trả nợ “có vay, có trả”; tích cực tuyên truyền lợi ích của việc trồng rừng, phát triển lâm nghiệp để bảo vệ đất đai, vùng biên giới, hạn chế thiên tai lũ lụt….
- Tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn có hiệu quả, ...trong lĩnh vực trồng rừng, trồng cây gỗ lớn... đạt hiệu quả vươn lên thoát nghèo bền vững.
- Ban Quản lý Tổ TK&VV thực hiện bình xét cho vay hiệu quả, đề xuất nâng mức cho vay tập trung đối với những hộ có nhu cầu và phương án trồng rừng hiệu quả, tránh chia đều nhỏ lẻ, manh mún nguồn vốn được giao.
- Tích cực tuyên truyền và đôn đốc hộ vay thực hiện tiết kiệm, trả nợ đúng hạn để tăng nguồn vốn cho vay quay vòng trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Danh mục tài liệu tham khảo
-
Ban Bí thư Trung ương Đảng (2014), Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội.
-
Ban Bí thư Trung ương Đảng (2021), Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021.
-
Chính phủ (2002), Nghị định số 78/NĐ-CP ngày 04/10/2002 về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
-
Chính phủ (2002), Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội, Hà Nội.
-
Thủ tướng Chính phủ (2023), Quyết định 05/QĐ-TTg ngày 04/01/2023 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030.
-
NHCSXH, các báo cáo thường niên từ năm 2019 đến 2023.
-
NHCSXH, Hệ thống văn bản nghiệp vụ tín dụng.
-
TS Dương Quyết Thắng (2016), Quản lý tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội đáp ứng mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, Luận án tiến sĩ, Học viện Ngân hàng.
-
Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
-
Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ tỉnh ủy Quảng Ninh về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
-
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ninh, Báo cáo kết quả hoạt động các năm 2019-2023.
-
Báo cáo số 1786/BC-SNN&PTNN ngày 28/4/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh về Kết quả thực hiện các chính sách lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2021.
Ths. Nguyễn Đăng Kiệm
Liên kết website
Ý kiến ()