Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 20:43 (GMT +7)
Đề xuất các giải pháp cải tạo, nâng cấp đường liên thôn, liên xã
Thứ 7, 09/09/2023 | 08:50:53 [GMT +7] A A
Thay mặt cử tri huyện Tiên Yên – Bình Liêu – Ba Chẽ, tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, đại biểu Lài Thị Hiền, Tổ đại biểu Tiên Yên – Bình Liêu – Ba Chẽ chất vấn: Trong giai đoạn vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông kết nối vùng, liên huyện, kết nối các khu công nghiệp… Tuy nhiên hiện trạng một số tuyến đường liên thông, liên xã không được duy tu, bảo trì thường xuyên nên đã xuống cấp, ảnh hưởng tới đi lại, đời sống của người dân. Đề nghị cho biết hiện trạng, giải pháp của ngành giao thông trong thời gian tới.
Về nội dung này, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải trả lời:
Thực hiện đột phá chiến lược, trong đó đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong những năm vừa qua tỉnh Quảng Ninh đã huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư, trong đó lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đảm bảo liên thông, tổng thể. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành và đang hoạt động đủ 5 phương thức vận tải là đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa và đường hàng không. Đặc biệt hệ thống giao thông đường bộ hiện có 6.787km đường các loại, trong đó có đường cao tốc Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái dài 176km, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước; 7 tuyến quốc lộ dài 480km; 25 tuyến đường tỉnh dài 466km và 5.665km đường cấp huyện, xã, thôn.
Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình giao thông trọng điểm như đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái; đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, Cầu Cửa Lục 1, đường nối Khu công nghiệp Cái Lân qua Khu công nghiệp Việt Hưng đến đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, tuyến đường từ Cảng hàng không Quảng Ninh đến Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn với tổng chiều dài 130,15km; Cảng khách quốc tế Ao Tiên… với tổng vốn đầu tư khoảng 21.000 tỷ đồng.
Tỉnh đang tiếp tục đầu tư hoàn thành các dự án giao thông quan trọng, động lực khác như: Cầu Cửa Lục 3, dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến thị xã Đông Triều; dự án đường nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng (km6+700) đến đường tỉnh 338; Cảng Vạn Ninh; Đường dẫn cầu Bến Rừng; Cải tạo nâng cấp đường 342 kết nối Lạng Sơn đoạn trên địa phận Ba Chẽ. Tổng số dự án giao thông do: Tỉnh đang đầu tư gồm 11 dự án với tổng chiều dài 131km, tổng kinh phí khoảng 16.612 tỷ đồng; Các địa phương đang đầu tư 38 dự án với tổng chiều dài 251,8km, tổng mức đầu tư khoảng 8.375 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục nghiên cứu đầu tư các dự án: Đường nối từ Quốc lộ 279 (xã Tân Dân, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đến đường tỉnh 291 (thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang); Đường 345 sang Bắc Giang; Đường 342 trên địa bàn TP Hạ Long, Đường 327 đoạn từ cổng tỉnh đến Trung tâm Đông Triều,... với tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng. Như vậy tổng thể hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Hệ thống đường giao thông địa phương như đường huyện, đường đô thị, đường xã, đường thôn tuy đã được đầu tư xây dựng qua các thời kỳ nhưng đến nay nhiều tuyến chưa được vào cấp, các yếu tố hình học về đường cong, độ dốc chưa thuận lợi, không đảm bảo 2 làn xe chạy, cục bộ một số tuyến vẫn còn đường tràn và bị chia cắt trong mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, công tác duy tu, bảo dưỡng chưa được thực hiện thường xuyên nhất là đối với hệ thống đường thôn, xã do còn khó khăn về nguồn vốn dẫn tới đường bị xuống cấp, mất ATGT và giảm tuổi thọ công trình.
Để đảm bảo đồng bộ, phát huy hiệu quả các công trình hạ tầng giao thông đã được đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng như hệ thống trục cao tốc, sân bay,… và thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện chủ đề công tác năm. Sở Giao thông Vận tải đề xuất các giải pháp sau:
(1) Có phương án rà soát đánh giá thực trạng, xác định sự cần thiết để xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp các tuyến đường hiện có đảm bảo cấp đường và hiệu quả khai thác tuyến đường sau đầu tư. Mục tiêu: Ưu tiên đầu tư, cải tạo nâng cấp các tuyến đường huyện, đường liên xã có bề rộng mặt đường hiện hữu ≤ 3,5m lên tối thiểu rộng 5,5m để đảm bảo đủ 2 làn xe chạy đồng thời đầu tư xây dựng mới các tuyến theo quy hoạch xây dựng địa phương đã được phê duyệt. Theo thống kê sơ bộ hiện có 55 tuyến với tổng chiều dài 267km cần được nâng cấp với kinh phí khoảng 1.800 tỷ đồng. Đối với các tuyến đường xã, liên thôn, hiện có 248 tuyến với tổng chiều dài 545km cần được cải tạo, nâng cấp với kinh phí khoảng 3.800 tỷ đồng.
Nguồn vốn: Từ nguồn hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho các địa phương. Tiến độ thực hiện trong giai đoạn 2023-2025.
Tổ chức thực hiện: Hiện UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, các địa phương chủ động rà soát các tuyến đường hiện có, đối chiếu với quy hoạch xây dựng của địa phương để đề xuất danh mục các tuyến cần nâng cấp cải tạo, quy mô đầu tư và thứ tự ưu tiên để tổng hợp đề xuất UBND tỉnh trong đó đặc biệt chú trọng đến các tuyến đường có khả năng phục vụ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Kinh phí thực hiện từ nguồn hỗ trợ của tỉnh đảm bảo tuân thủ Luật ngân sách và Nghị quyết của HĐND tỉnh.
(2) Tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng để sửa chữa những hư hỏng của tuyến đường hiện có và thực hiện bảo trì thường xuyên đối với các tuyến đường hiện có theo quy định tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ về quản lý chất lượng thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng và thực hiện lập hồ sơ quản lý tài sản theo quy định của Luật quản lý tài sản công.
Hiện toàn tỉnh có 5.664km đường địa phương trong đó bao gồm: 126 tuyến đường huyện (787km); 1.194 tuyến đường đô thị (924km); 392 tuyến đường xã (1.115km); 2.544 tuyến đường thôn, xóm, trục nội đồng (2.838km). Công tác bảo trì đối với các tuyến đường huyện đã được thực hiện theo quy định, tuy nhiên đối với các tuyến đường xã, thôn, việc bảo trì trong quá trình sử dụng chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. Vì vậy đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác bảo trì các tuyến đường giao thông trên địa bàn (hiện do địa phương quản lý, khai thác và bảo trì). Thực hiện công tác bảo trì các tuyến đường hiện hữu ngay sau khi được đầu tư đưa vào sử dụng. Chú trọng kiểm tra, rà soát, sửa chữa thường xuyên các hạng mục như hệ thống ATGT, gờ giảm tốc, phát quang tầm nhìn, khơi thông cống rãnh… Triển khai lập hồ sơ quản lý tài sản để hạch toán theo quy định của Luật quản lý tài sản công, làm cơ sở lập báo cáo tài chính nhà nước hàng năm.
Đặng Dung (biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()