Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 20/11/2024 01:30 (GMT +7)
Giảm 17 tổng cục, 8 cục, 145 vụ; đề xuất tăng lương cơ sở; khắc phục tình trạng CBCCVC thôi việc, nghỉ việc
Thứ 4, 19/10/2022 | 22:32:02 [GMT +7] A A
Để kịp thời khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc, nghỉ việc vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã trình Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII về điều chỉnh lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng (tăng 20,8%).
Công tác cải cách hành chính đã đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện
Sáng 19/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.
Trình bày báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong 9 tháng qua, công tác cải cách hành chính đã đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng thể chế, chính sách pháp luật; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; cải cách chế độ công vụ, chuyển đổi số...
Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức phiên họp thứ nhất vào tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải tạo ra được bước đột phá trong cải cách hành chính năm 2022, nhất là thủ tục hành chính liên quan tới người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đã ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2022 và Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2022 của Ban Chỉ đạo. Theo đó, Ban Chỉ đạo thực hiện 44 nhiệm vụ của năm. Đến nay, đã hoàn thành 6 nhiệm vụ; 2 nhiệm vụ đang trình và 36 nhiệm vụ tiếp tục triển khai thực hiện.
Từ tháng 1/2022 đến tháng 8/2022, Chính phủ đã tổ chức tới 6 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật.
Lãnh đạo Chính phủ, Thường trực Chính phủ tăng cường làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương để cho ý kiến, chỉ đạo về những vấn đề lớn, phức tạp, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong từng dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; có chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật.
Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua đối với 06 dự án luật; 4 nghị quyết. Tính đến ngày 30/9, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ đã ban hành 34 văn bản, gồm 24 nghị định, 05 quyết định, 5 thông tư, còn nợ ban hành 16 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã có hiệu lực.
Bộ Tư pháp đã thẩm định 100 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (gồm 11 dự án luật, 6 dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 59 dự thảo nghị định, 24 dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ).
Cải cách thủ tục hành chính đã có bước tiến tích cực so với cùng kỳ
Về công bố, công khai thủ tục hành chính (TTHC), tính từ ngày 01/7 đến ngày 22/9, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, ban hành 470 quyết định công bố TTHC sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thuộc phạm vi quản lý.
Thống kê trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tại thời điểm ngày 22/9, có 3.869 TTHC thực hiện tại bộ, cơ quan Trung ương, 1.398 TTHC thực hiện tại địa phương và 1.763 TTHC thực hiện ở các cơ quan ngành dọc tại địa phương. Như vậy, cải cách TTHC đã có bước tiến tích cực so cùng kỳ năm trước.
Từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định kinh doanh tại 143 văn bản quy phạm pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định của 09, bộ, cơ quan.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025.
Trong đó, đã yêu cầu các bộ, ngành ưu tiên rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa đối với 59 TTHC/nhóm TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước trên 12 lĩnh vực quản lý nhà nước.
Về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, tính đến nay, cả nước có 60 trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh.
100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn hệ thống một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết TTHC.
Chất lượng giải quyết hồ sơ đã có sự cải thiện rõ rệt, tỉ lệ giải quyết đúng hẹn đạt 97,37%.
Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022.
Văn phòng Chính phủ đã thẩm tra, góp ý kiến đối với phương án phân cấp trong giải quyết TTHC thuộc phạm vi của 06 bộ, ngành; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, đề xuất phương án phân cấp đối với hơn 800 TTHC.
Dự kiến giảm 17 tổng cục, 8 cục, 145 vụ và 22 đơn vị sự nghiệp công lập
Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tính đến ngày 15/10, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 11 bộ, cơ quan.
Kết quả dự kiến sắp xếp, sẽ giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục chưa đáp ứng đủ tiêu chí thành lập; giảm 8 cục (thuộc tổng cục và thuộc bộ); giảm 145 vụ và tương đương (thuộc tổng cục và thuộc bộ); giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy góp phần khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ cấp trung gian, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành và phân công của Chính phủ.
Đã có 16/19 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Giảm 7 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; 1.649 phòng thuộc sở; 273 chi cục thuộc sở
Tại địa phương, trên cơ sở các quy định mới của Chính phủ tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP, nhiều nơi đã tích cực rà soát, ban hành Đề án sắp xếp lại, kiện toàn tổ chức bên trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện theo thẩm quyền được giao.
Đến nay, 58 địa phương đã hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo các tiêu chí của Chính phủ.
Theo đó, đã giảm 7 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; 1.649 phòng thuộc sở; 273 chi cục thuộc sở; 638 cơ quan chuyên môn và tương đương cấp huyện.
Đến 2026 giảm 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức
Về biên chế, Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương giao biên chế giai đoạn 2022-2026 của cả hệ thống chính trị, theo đó, đến năm 2026 thực hiện giảm 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Đồng thời, bổ sung 65.980 biên chế viên chức giáo dục cho cả giai đoạn 2022-2026, trong đó, năm học 2022-2023 đã giao 27.850 biên chế viên chức giáo dục.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc giao biên chế công chức, viên chức và tuyển dụng viên chức giáo dục bảo đảm kịp thời cho năm học mới.
Về việc ban hành Thông tư hướng dẫn vị trí việc làm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Bộ Nội vụ đã tham gia phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực hoàn thiện 18 dự thảo thông tư hướng dẫn vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành và định mức biên chế công chức; 13 thông tư hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc.
Trình phương án tăng lương; khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc
Để kịp thời khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc, nghỉ việc vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, ngày 14/9, Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng thời, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã trình Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII về điều chỉnh lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng (tăng 20,8%).
Về phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp, trong 9 tháng đầu năm 2022, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Tính đến ngày 26/9, tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đưa lên mức độ 4 đạt 97,3% (chiếm 54,67% tổng số TTHC).
Theo Baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()