Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 19/11/2024 16:21 (GMT +7)
Quảng Ninh: Hành trình giảm nghèo bền vững
Thứ 2, 17/01/2022 | 08:52:23 [GMT +7] A A
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và đạt được những kết quả tích cực. Qua đó, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động vay vốn, tiếp cận KHKT, tham gia các mô hình phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Đồng bộ các giải pháp
Tại Quảng Ninh, chương trình giảm nghèo đã được lồng ghép hiệu quả với nhiều chương trình khác như: Chương trình 135, Đề án 196, Xây dựng NTM... Đây là "đòn bẩy" giúp các địa phương nhanh chóng giảm số hộ nghèo, cận nghèo.
Điển hình như tại Đông Triều, căn cứ vào kế hoạch xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2021, thị xã đã chỉ đạo các xã, phường tổ chức khảo sát, điều tra hộ nghèo theo cách tiếp cận mới, đảm bảo công khai, dân chủ, từ đó xây dựng lộ trình thoát nghèo cho từng hộ. Đặc biệt, để đẩy nhanh hiệu quả giảm nghèo bền vững, thị xã đã thực hiện xã hội hóa từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, kết hợp với "Quỹ vì người nghèo" hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 241 hộ nghèo, với tổng kinh phí gần 8,5 tỷ đồng.
Thị xã cũng đã triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhằm giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Trong giai đoạn 2016-2021, Ngân hàng CSXH thị xã đã triển khai thực hiện 15 chương trình tín dụng ưu đãi cho gần 6.000 lượt vay vốn, tổng số vốn vay gần 300 tỷ đồng. Trong đó có 6 chương trình liên quan trực tiếp đến giảm nghèo với hơn 5.000 lượt vay vốn, số tiền vay đạt gần 268 tỷ đồng. Mức cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã được nâng lên so với giai đoạn trước, từ 50 triệu đồng lên tối đa 100 triệu đồng/hộ.
Hay như tại Bình Liêu, việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình như: Đề án 135, xây dựng NTM, Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ y tế - giáo dục, hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn... đã được huyện chú trọng. Điển hình, đối với đề án hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện đã dành trên 17 tỷ đồng trong 5 năm (2016-2020) để hỗ trợ 42 dự án cho 1.375 hộ nghèo, hộ cận nghèo như hỗ trợ giống dong riềng trong vùng tập trung, chuyển đổi đất lúa, cây màu kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản; hỗ trợ và khôi phục phát triển cây sở trong vùng tập trung; hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò, dê...
Đồng thời, huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT và học tập kinh nghiệm sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng; cấp trên 220.000 lượt thẻ BHYT cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách.
Nhờ cách làm trên, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tại Bình Liêu đã giảm dần theo thời gian. Nếu như năm 2020, trên địa bàn huyện còn 233 hộ nghèo (3,06%), 514 hộ cận nghèo (6,76%), thì đến tháng 12/2021, huyện đã giảm còn 106 hộ nghèo, 202 hộ cận nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 1,31%, hộ cận nghèo còn 2,63%.
Để giúp người dân giảm nghèo, những năm qua, Ngân hàng CSXH tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện 18 chương trình tín dụng chính sách tại các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Nguồn vốn này được ưu tiên thực hiện tại những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, các xã thuộc vùng khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, các xã đăng ký đạt chuẩn NTM, nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, phát triển KT-XH cho người dân.
Trong giai đoạn 2014-2021, các tổ chức hội, đoàn thể đã thực hiện nhận ủy thác với doanh số cho vay đạt trên 6.000 tỷ đồng, với 69.682 hộ vay tại 2.255 tổ tiết kiệm và vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 177 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo cũng như các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời.
Bên cạnh việc duy trì các nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo, Quảng Ninh cũng ưu tiên dành nguồn lực để phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ trực tiếp cho phát triển sản xuất và phục vụ đời sống của các xã, thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Qua đó, tạo động lực để giúp người dân vươn lên, tiếp cận gần hơn với các dịch vụ xã hội.
Trong giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình 135, Đề án 196 là hơn 1.700 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh trên 1.500 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa là gần 270 tỷ đồng. Trong 5 năm, Chương trình 135, Đề án 196 đã hỗ trợ đầu tư xây dựng 696 công trình hạ tầng thiết yếu vùng đặc biệt khó khăn, biên giới của tỉnh. Đến nay, 100% xã đặc biệt khó khăn đã có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm xã; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia; tất cả hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 97,82% hộ dân được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh.
Cùng với đó, các tổ chức, đoàn thể như: Phụ nữ, nông dân, CCB, đoàn thanh niên cũng duy trì và đẩy mạnh các cuộc vận động và phong trào trợ giúp thiết thực cho hội viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tiêu biểu như vận động đóng góp "Quỹ vì người nghèo”, phong trào “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”, “Nông dân sản xuất giỏi”, chương trình “Đồng hành cùng thanh niên lập thân lập nghiệp”... Qua đó, tạo thêm cơ hội và thúc đẩy đoàn viên, hội viên vượt khó thoát nghèo.
Nỗ lực xóa hộ nghèo
Với những biện pháp triển khai đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương, đến hết năm 2021, số hộ nghèo của Quảng Ninh hiện chỉ chiếm 0,1% (380 hộ), giảm 0,13% so với năm 2020; số hộ cận nghèo là 0,67% (2.504 hộ), giảm 0,39% so với năm 2020. Đặc biệt, TP Hạ Long là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh không còn hộ nghèo.
Ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hạ Long, cho biết: Sau sáp nhập địa giới hành chính, TP Hạ Long mới có 33 phường, xã, với trên 92.000 hộ gia đình. Qua rà soát, nắm bắt đặc điểm của từng xã, phường về điều kiện KT-XH, thành phố đã triển khai các giải pháp giảm nghèo áp dụng phù hợp với từng địa bàn đô thị, nông thôn một cách hợp lý. Đơn cử như đối với các hộ nghèo khu vực đô thị thì hỗ trợ về việc làm, nhà ở; hộ nghèo khu vực nông thôn thì hỗ trợ mô hình phát triển kinh tế, việc làm, hoàn thiện hạ tầng… Qua rà soát, nếu như cuối năm 2020 thành phố còn 169 hộ nghèo, 332 hộ cận nghèo, thì đến hết tháng 11/2021 toàn thành phố chỉ còn 47 hộ cận nghèo và không còn hộ nghèo.
Bước vào năm 2022, với chuẩn nghèo đa chiều mới (giai đoạn 2022-2025) theo quy định của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh sẽ có 1.511 hộ nghèo (tương đương 0,41% hộ dân trong toàn tỉnh) và 5.391 hộ cận nghèo (tương đương 1,46%). Bởi vậy, công tác giảm nghèo bền vững vẫn tiếp tục cần sự quan tâm, vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, các doanh nghiệp... trên địa bàn. Thực tế cho thấy, dù tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh, chỉ còn số lượng ít, nhưng lại chủ yếu rơi vào khu vực miền núi, biên giới, hải đảo. Các hộ thoát nghèo nơi đây cũng chưa bền vững; sản xuất của bà con còn nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng giáo dục, y tế còn hạn chế... tạo chênh lệch khá lớn về trình độ phát triển vùng miền...
Để tiếp tục giảm nghèo bền vững, ngày 17/5/2021 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm thực hiện tăng trưởng bao trùm, hướng tới sự phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Theo đó, Quảng Ninh đã mở rộng phạm vi, địa bàn thụ hưởng chương trình đến các xã, thôn bản biên giới, hải đảo (67 xã, phường, gồm 56 xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới và 11 xã đảo) và gắn nhiệm vụ phát triển KT-XH với đảm bảo vững chắc QP-AN. Các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ đều xây dựng phấn đấu cao hơn chỉ tiêu Quốc hội và Chương trình mục tiêu quốc gia đặt ra.
HĐND tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND (ngày 16/7/2021) phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, NSNN các cấp dành khoảng 4.000 tỷ đồng (tương đương 3% tổng chi ngân sách địa phương) để thực hiện chương trình. Riêng năm 2021, HĐND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí 200 tỷ đồng chi cho các dự án hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu và ủy thác cho vay Ngân hàng CSXH tạo sinh kế cho đồng bào.
Tỉnh cũng đẩy mạnh việc xây dựng Đề án tổng thể phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch, gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân tại các địa phương Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ giai đoạn 2021-2025. Đây là 3 địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhất và cũng là địa bàn khó khăn nhất tỉnh. Điều này thể hiện rõ quan điểm của tỉnh đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho vùng khó để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực như nguồn vốn, lao động, hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ dạy nghề gắn với tạo việc làm; cung cấp dịch vụ khuyến nông - lâm - ngư miễn phí. Đồng thời, khuyến khích nhà đầu tư phát triển vào nông nghiệp để tạo thêm việc làm mới cho người dân địa phương...
Riêng năm 2022, Quảng Ninh sẽ chú trọng quan tâm đến các đối tượng chính sách, người có công, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng vừa thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn… Việc triển khai các chính sách sát thực tế, được chuẩn bị từ sớm, với cách làm bài bản, đồng bộ, sự đồng lòng vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và của chính bản thân người dân, Quảng Ninh sẽ thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; trong đó có mục tiêu: Tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm, riêng năm 2022 phấn đấu đạt tỷ lệ giảm nghèo 0,11% (tương đương giảm 411 hộ nghèo); không còn nhà ở tạm, nhà dột nát; cơ bản giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn; đến hết năm 2022 không còn thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()