Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 21:23 (GMT +7)
Giảm nghèo bền vững: Chú trọng đào tạo nghề chất lượng cao
Thứ 3, 27/07/2021 | 14:56:33 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, sáng 27/7, các đại biểu đóng góp giải pháo cho Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Chương trình này gồm 6 dự án và 11 tiểu dự án. Đối tượng thụ hưởng là trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ và người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm vùng nghèo, vùng khó khăn; các tổ chức, cá nhân liên quan.
Thêm nguồn vốn cho người nghèo
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng để giảm nghèo đi vào thực chất, Chính phủ cần thay đổi cách tiếp cận, chuyển người nghèo, hộ nghèo từ đối tượng sang chủ thể, quan tâm đến kinh tế nhóm hộ, coi đây là đòn bẩy để giảm nghèo. Đại biểu đề xuất Chính phủ nên giảm cho không và tăng cho vay ưu đãi.
“Nhà nước cho cần câu và hướng dẫn cách câu chứ không phải cho con cá. Chúng ta chỉ tạo nguồn lực, động viên người nghèo phải tự vươn lên, bởi họ cũng có khát vọng và thực sự muốn thoát nghèo,” đại biểu chia sẻ ý kiến.
Chỉ ra những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, đại biểu cho rằng chỉ cần một tác động nhỏ là những hộ đã thoát nghèo có thể tái nghèo; các hộ cận nghèo thì vẫn luôn nằm trong ranh giới mong manh, có thể trở thành hộ nghèo bất cứ lúc nào. Trước tình hình như vậy, đại biểu kiến nghị nên tách nhóm đối tượng chính sách xã hội ra khỏi chương trình này và có chính sách riêng cho nhóm này vì họ rất khó khăn, không có khả năng thoát nghèo.
Tiếp tục quan điểm cần đổi mới trong chính sách giảm nghèo, bà Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư cho con người.
“Trước đây, chúng ta quan niệm rằng vùng nghèo thì cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng trước, coi đó là nền tảng để thực hiện chương trình giảm nghèo và có tới 74% vốn của chương trình được đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Theo tôi, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo thoát nghèo chưa đạt mục tiêu, có nghĩa là phải chuyển hướng đầu tư, dựa trên nhu cầu người dân, coi người dân là chủ thể, quan tâm đến đời sống, sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề, tạo sinh kế, chuyển giao tiến bộ khoa học cho người dân,” bà Mai Hoa nói.
Phân tích rõ hơn, đại biểu cho rằng có thể tăng vốn và hướng dẫn sinh kế cho phụ nữ địa phương phát triển nghề truyền thống và các sản phẩm bản địa có khả năng phát triển.
Song, bà Mai Hoa cũng đề cập đến nguy cơ bị trùng lặp, chồng chéo giữa việc phân bổ vốn của hai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và nông thôn mới.
Đào tạo nghề để người dân tự thoát nghèo
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) nhấn mạnh đào tạo nghề sẽ giúp người nghèo có kỹ năng lao động, tự tạo sinh kế, như vậy mới có thể thoát nghèo bền vững. Đại biểu dẫn chứng số liệu cho thấy 90% người dân sau khi học nghề có công ăn, việc làm, thu nhập tốt hơn.
“Chúng ta cần quan tâm đào tạo chính quy dài hạn. Tôi kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo, rà soát, bố trí vốn đầu tư cho các trường nghề chất lượng cao, tạo điều kiện chính sách thông thoáng cho các trường nghề ngoài công lập hoạt động chứ không chỉ tập trung cho ba trung tâm quốc gia của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội,” đại biểu nêu ý kiến.
Tham gia thảo luận, đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái) cho hay giảm nghèo là chủ trương nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Nhà nước đến những đia bàn khó khăn, những người yếu thế trong xã hội, đảm bảo công bằng xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế.
Chia sẻ về tình hình giảm nghèo tại Yên Bái, bà Huyền thông tin tỉnh đã có nhiều nỗ lực thực hiện mục tiêu Quốc gia song tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao. Nguyên nhân là người dân cư trú ở vùng cao, địa hình bị chia cắt, dễ chịu tác động của thiên tai, hạ tầng kinh tế thiếu đồng bộ, người dân thiếu tư liệu sản xuất, trình độ dân trí chưa đồng đều, người dân một số nơi vẫn canh tác lạc hậu, thiếu kiến thức khoa học.
Từ đó, đại biểu cũng đặt ra vấn đề cần đào tạo nghề cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, cần có chính sách riêng cho các hộ mới thoát nghèo để tránh tái nghèo.
Theo Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()