Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:09 (GMT +7)
Giảm nghèo bền vững trong giai đoạn mới
Thứ 3, 20/12/2022 | 09:42:46 [GMT +7] A A
Quảng Ninh luôn xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình tổng thể phát triển KT-XH. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp và đến nay đã đạt được những kết quả tích cực, qua đó không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của địa phương. Tính đến thời điểm này, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh còn khoảng 0,06%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn khoảng 0,63%, vượt mục tiêu đề ra từ đầu năm.
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động vay vốn, tiếp cận KHKT, tham gia các mô hình phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Đặc biệt trong đó là cải thiện tiêu chí thu nhập và cải thiện những chỉ số thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Tuy nhiên, theo chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2021-2025 của Trung ương, bước vào năm 2022, toàn tỉnh vẫn còn 1.526 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,41%; 5.553 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,48% trong tổng số hộ dân toàn tỉnh. Theo kết quả rà soát, hầu hết những hộ nghèo này tập trung tại khu vực miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững theo đúng thực tế, tỉnh Quảng Ninh đã rất quan tâm và dành nhiều nguồn lực hỗ trợ những vùng khó khăn như vùng tập trung nhiều đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Một trong những “chìa khóa” giảm nghèo vùng đồng bào DTTS được triển khai hiệu quả trong thời gian qua là các địa phương đã triển khai cho vay tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác để phát triển kinh tế.
Trong năm 2021 và 2022, tỉnh đã phân bổ gần 200 tỷ đồng vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH để cho vay, giải quyết việc làm tại 64 xã thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đến nay, từ nguồn vốn ủy thác, Ngân hàng CSXH đã thực hiện cho vay với trên 1.800 lượt khách hàng, số tiền vay gần 140 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu của tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh cũng quan tâm phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ để chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu nông thôn gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập; xây dựng đội ngũ CBCCVC là người DTTS và người công tác tại vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển KT-XH.
Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo Sở NN&PTNT thực hiện các mục tiêu về phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; tổ chức lại sản xuất vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, gia tăng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa...
Theo ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, năm 2022 tỉnh phân bổ vốn ngân sách cho chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi là 715 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ đầu tư hạ tầng là 565 tỷ đồng; ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh để cho vay giải quyết việc làm tại các xã, thôn mới ra khỏi diện ĐBKK là 150 tỷ đồng. Đến nay, vốn đầu tư hạ tầng đã giải ngân là trên 426,189 tỷ đồng, đạt 75,43% chỉ tiêu kế hoạch giao. Qua đó, giúp cho người dân vùng đồng bào DTTS nâng cao được mức sống, có vốn vay để phát triển kinh tế từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Đặc biệt, với mục tiêu giảm nghèo bền vững để hộ nghèo, người dân vùng khó khăn được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, không ai bị bỏ lại phía sau, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch giảm nghèo như Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Riêng trong năm 2022, tỉnh đã ban hành kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn, trong đó, phấn đấu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được ưu tiên vay vốn tín dụng ưu đãi, được cấp thẻ BHYT, được miễn giảm và hỗ trợ chi phí học tập; giảm 411 hộ nghèo và 1.200 hộ cận nghèo; 12/12 thôn, bản ĐBKK theo tiêu chí mới hoàn thành Chương trình 135.
Tỉnh cũng đẩy mạnh việc xây dựng đề án tổng thể phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch, gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân tại các địa phương Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ giai đoạn 2021-2025. Đây là 3 địa bàn có đông đồng bào DTTS nhất và cũng là địa bàn khó khăn nhất tỉnh. Điều này thể hiện rõ quan điểm của tỉnh đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho vùng khó để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền.
Để đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện các mục tiêu, các địa phương cũng đã có nhiều giải pháp để tăng cường huy động xã hội hóa, lồng ghép các nguồn lực; phát huy phong trào “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; thực hiện xã hội hóa các hoạt động hỗ trợ xóa nghèo thông qua cuộc vận động gây Quỹ vì người nghèo, các phong trào hỗ trợ hộ nghèo của hội, đoàn thể; khuyến khích và tạo điều kiện cho các hoạt động thiện nguyện, hảo tâm trong và ngoài tỉnh; chủ động tiếp cận các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp để vận động hỗ trợ cho các hộ nghèo...
Với nhiều cách hiệu quả, phù hợp, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ khoảng 0,06 % tổng số hộ dân toàn tỉnh; có 2.454 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,63 % tổng số hộ dân toàn tỉnh. So với cuối năm 2021 đã giảm 1.268 hộ nghèo (tương đương 0,34%); giảm 3.099 hộ cận nghèo (tương đương 0,84%). Có 4/13 địa phương (Hạ Long, Quảng Yên, Vân Đồn và Cô Tô) không còn hộ nghèo; 9/13 địa phương tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%...
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()