Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 13:26 (GMT +7)
Giảm nghèo đa chiều hiệu quả
Thứ 4, 06/03/2024 | 07:02:45 [GMT +7] A A
Với việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững KT-XH, công tác giảm nghèo của Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhờ đó, Quảng Ninh đã về đích Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trước 3 năm và bắt tay vào thực hiện giảm nghèo theo tiêu chí mới do tỉnh đề ra, cao hơn mức bình quân của cả nước.
Từng là hộ khó khăn của xã Sơn Dương (TP Hạ Long), nhưng những năm gần đây đời sống của gia đình anh Hoàng Văn Lê đã khấm khá hơn rất nhiều nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém năng suất sang trồng ổi lai lê.
Anh Lê cho biết: Nhờ chủ trương xây dựng NTM của tỉnh, cùng với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, năm 2018 gia đình tôi bắt đầu chuyển sang mô hình trồng ổi. Đến nay, hơn 700 gốc ổi lai lê đã cho thu hoạch ổn định với khoảng 8-10 tấn/năm. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình cũng được 170-180 triệu đồng. Năm nay, gia đình đang định mở rộng diện tích trồng ổi thêm khoảng 500 gốc nữa.
Không chỉ riêng gia đình anh Lê, nhiều hộ nghèo, cận nghèo trong toàn tỉnh đã và đang được tiếp sức trên hành trình vượt khó, thoát nghèo nhờ những đồng vốn vay ưu đãi từ các chính sách trợ vốn của tỉnh.
Nhờ được vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo, gia đình ông Lục Văn Cẩu (thôn Tân Tiến, xã Tân Bình, huyện Đầm Hà) đã đầu tư chuồng trại chăn nuôi trâu thịt và gà, vịt thương phẩm. Năm 2024, gia đình ông phấn đấu thoát diện cận nghèo. Ông Cẩu cho biết: Nguồn vốn chính sách có ý nghĩa lớn với gia đình tôi. Sự quan tâm kịp thời của Nhà nước đã giúp gia đình tôi có thêm động lực để phát triển các mô hình kinh tế, cải thiện thu nhập.
Cùng với việc quan tâm giải quyết khó khăn về nguồn vốn cho các hộ nghèo, cận nghèo, tỉnh Quảng Ninh cũng tập trung huy động nguồn lực xã hội hóa để xây mới, sửa chữa tất cả nhà tạm, nhà ở dột nát cho các hộ dân trên địa bàn. Trong năm 2023, đã có 441 ngôi nhà tạm, nhà ở dột nát trên toàn tỉnh được xóa bỏ, xây mới mang lại chốn an cư và niềm vui cho các hộ khó khăn.
Đặc biệt, tỉnh cũng triển khai đồng bộ các chính sách về giảm nghèo nhằm khắc phục các tiêu chí bị thiếu hụt về y tế, giáo dục, thông tin, việc làm, thu nhập… Trong 3 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã huy động trên 82.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, vốn tín dụng và các nguồn huy động khác để thực hiện 3 chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 gắn với thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh. Từ nguồn lực này, nhiều công trình hạ tầng KT-XH được đầu tư, nhiều mô hình phát triển kinh tế đã được triển khai thực hiện phát huy hiệu quả, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và cuộc sống của người dân nơi đây.
Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh chỉ còn khoảng 360 hộ nghèo, chiếm 0,1% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 73,43 triệu đồng/năm. Trong đó các xã vùng đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo đạt 73 triệu đồng/người, tăng 20,8 triệu đồng so với năm 2021; tăng 40,7 triệu đồng so với năm 2019 và tăng 60,5 triệu đồng so với năm 2015.
Quảng Ninh đặt mục tiêu đến hết năm 2024 không còn hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đạt trên 5.000 USD/người, đến năm 2030 đạt 8.000-10.000 USD/người.
Hiện thực hoá mục tiêu này, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đang tập trung phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, kinh doanh, tổ chức lại sản xuất vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đồng thời, tiếp tục khích lệ, động viên, khơi dậy sự vươn lên của các hộ nghèo, cận nghèo trong chủ động vay vốn, tiếp cận khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()