Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 00:25 (GMT +7)
Giám sát kết quả thực hiện Quyết định về hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2022
Thứ 5, 27/04/2023 | 16:55:00 [GMT +7] A A
Từ ngày 18/4 đến 27/4, Đoàn giám sát liên ngành của tỉnh do Hội Nông dân tỉnh chủ trì cùng các đơn vị: Sở LĐ, TB&XH, Sở NN&PTNT, Sở Giáo dục & Đào tạo, Sở Công Thương, Ủy ban MTTQ tỉnh, Liên minh HTX tỉnh đã thực hiện giám sát về kết quả thực hiện Quyết định số 1139/2017/QĐ-UBND ngày 17/4/2017 của UBND tỉnh quy định hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2017-2022 tại các đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Đoàn đã giám sát việc triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề trình độ sơ cấp ở các địa phương, đơn vị: Hải Hà, Đầm Hà, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đông Triều, Sở LĐ,TB&XH, Sở NN&PTNT và trực tiếp giám sát tại một số cơ sở đào tạo nghề, mô hình sau đào tạo nghề ở địa phương trên cơ sở đó đánh giá tổng thể, khách quan kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc; từ đó đề xuất, kiến nghị những cơ chế, chính sách và giải pháp để tiếp tục triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới.
Qua đánh giá, trong giai đoạn 2017-2022, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1139/2017/QĐ-UBND ngày 17/4/2017 của UBND tỉnh đã được các địa phương, đơn vị triển khai tích cực, nghiêm túc, hiệu quả. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân về công tác đào tạo nghề nói chung, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng được nâng lên rõ rệt. Đến nay, phần lớn lao động nông thôn đã quan tâm, chú trọng đến kỹ năng nghề nghiệp, xác định được tính thiết thực của việc học nghề là con đường cơ bản để lập nghiệp, ổn định cuộc sống, học nghề để mưu sinh, phát triển sản xuất. Các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hàng năm, rà soát danh mục nghề đào tạo, thực hiện phương châm "chỉ đào tạo nghề khi xác định được việc làm và thu nhập sau học nghề", đào tạo nghề gắn với thế mạnh địa phương, với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch phát triển KT - XH và quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Các cơ sở đào tạo nghề chuyển sang đào tạo theo yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp, theo nhu cầu của người lao động, gắn đào tạo với thực hiện tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho lao động nông thôn... Qua đó, góp phần trang bị cho người lao động ở nông thôn kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, tạo việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện chương trình giảm nghèo và các chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện được Đoàn giám sát, đại diện địa phương, các cơ sở đào tạo chỉ ra; trên cơ sở đó Đoàn giám sát có kiến nghị với cấp có thẩm quyền, đề xuất những giải pháp khắc phục cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác đào nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Quốc Tảo (Hội Nông dân tỉnh)
Liên kết website
Ý kiến ()