Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 08:26 (GMT +7)
Gian nan nghề săn mật ong rừng
Thứ 2, 19/06/2023 | 14:00:18 [GMT +7] A A
Vào thời điểm giữa mùa lấy mật ong rừng, chúng tôi có dịp được những thợ săn ong ở xã Quảng Đức (Hải Hà) cho trải nghiệm hành trình băng rừng, lội suối đầy gian nan, vất vả lần theo dấu ong giữ rừng và kiếm mật - Công việc mà các thợ săn ong “lão luyện” ở đây vẫn làm!
Hành trình theo dấu ong rừng
Sau nhiều ngày chờ đợi, anh Trưởng A Sám, một thợ săn ong còn trẻ tuổi nhưng giàu kinh nghiệm tại bản Tài Phố, xã Quảng Đức, cùng 4 thợ săn ong khác bố trí cho tôi theo nhóm để khám phá hành trình theo dấu ong rừng… lấy mật.
Sau một hồi từ xã Quảng Đức, đi theo con đường lòng hồ chúng tôi đến núi rừng khu vực thác 72 gian, địa phận các xã Hải Sơn, Bắc Sơn (TP Móng Cái). Trong tiếng ve kêu râm ran, tiếng vi vo của những con ong mật đang ngày đêm miệt mài xây tổ, chỉ tay nơi cánh rừng hùng vĩ, anh Sám giới thiệu cho chúng tôi một trong số những “địa bàn” săn ong quen thuộc của rất nhiều nhóm thợ ong, trong đó có nhóm của anh.
Từ cửa rừng, vừa men theo đường mòn băng rừng, lội suối, thỉnh thoảng đến những điểm cao hay khu vực khe suối, Anh Sám và anh Trưởng Hòa Đông lại đưa chiếc ống nhòm lên mắt, giữ một khoảng tĩnh lặng soi vào khoảng không để lần theo dấu ong. Theo anh Sám, nghề săn ong hiện nay cũng được hỗ trợ bởi công nghệ nên cũng đỡ vất vả hơn. Trước đây, khi chưa trang bị được ống nhòm, anh cùng các thợ săn ong khác phải căng mắt nhìn rồi tính toán theo đường ong bay, lần theo mỗi chặng đường ong lấy mật, uống nước để tìm đến tổ ong. Nhưng từ khi sử dụng ống nhòm, thợ săn ong chỉ cần tìm một khoảng trống, trèo lên ngọn cây cao hoặc nơi dòng suối để soi đường ong đi làm. Khi phát hiện những con ong sau ống kính, chỉ cần một chút thời gian quan sát đàn ong đi làm, những thợ săn ong lão luyện như anh Sám có thể tính toán chính xác vị trí của tổ ong mà sai số chỉ khoảng 1 đến vài mét.
Theo anh Sám, nhóm của anh nhiều năm nay chỉ săn ong khoái - Loài ong có mật chất lượng tốt nhất hiện nay. Săn ong khoái theo mùa, kéo dài từ tháng 2 đến tháng 10 hàng năm. Sau hàng giờ đồng hồ săn tìm tung tích đàn ong, cả nhóm vẫn chưa phát hiện được hành trình của đàn ong nào. Theo kinh nghiệm của những thợ săn ong này, vào ngày trời oi bức, lặng gió như hôm nay, đàn ong bay rất cao, rất nhanh nên việc phát hiện hành trình của chúng là rất khó. Từ trên ngọn cây cao chừng gần 20m, anh Sám gọi vọng xuống hỏi giờ vào thời điểm 9 giờ 30 phút. Theo anh Sám, vào giờ này mà chưa phát hiện đàn ong là có nguy cơ phải “về không” vì sắp đến giờ ong nghỉ trưa. Anh Sám quyết định tách thành 2 nhóm. Mỗi nhóm theo một cánh rừng hai bên suối, quyết tâm lần cho ra đàn ong.
Tôi theo nhóm của anh Sám, khoảng 30 phút sau, từ lòng suối, chỉ lên vách núi dựng đứng phía trước mặt, anh Sám cho biết phía trên đó đang có 1 tổ ong đá (ong mật). Bình thường, nhóm các anh không săn loại ong này vì chất lượng không tốt bằng mật ong khoái nhưng vì để thỏa trí tò mò, háo hức của tôi, anh Sám và anh Tài thoăn thoắt bám theo các dây leo, nhanh chóng đến vị trí tổ ong.
Vừa nhìn thấy khu vực tổ ong tại một hốc đá, với kinh nghiệm nhiều năm săn ong, anh Sám cho biết đây là một tổ ong khá lớn. Với tay lấy vài chiếc lá cây khô đốt lên, anh Sám thổi nhẹ đưa một chút khói vào tổ. Đàn ong dày đặc từ trong tổ bay ra, vây quanh lấy chúng tôi. Sau khoảng gần 10 phút cạy nhẹ những lớp đất, đá phía ngoài tổ, anh Sám bảo đã "nghe được tiếng sáp ong gãy nhẹ". Dừng tay, phủi sạch hết những đất, bụi phía ngoài tổ, anh Tài bóc miếng đá phía ngoài ra để lộ một bánh mật vàng óng. Tách bánh mật cầm trên tay, anh Sám đưa tôi nếm thử và không quên dặn tôi chuẩn bị trước chai nước vì loại mật này rất ngọt. Ngọt rất sâu khiến cho người ăn, nhất là những người đang đi rừng thấm mệt, ăn miếng mật ong rừng này rất dễ bị sặc. Nếu như không có nước, bị sặc mật ong rừng rất nguy hiểm.
Mặc dù tổ ong đầu tiên chúng tôi săn được không phải là tổ ong khoái theo mục đích của các thợ săn nhưng hết bánh mật này rồi đến bánh mật khác được lấy ra từ tổ đã khiến hành trình trải nghiệm nghề săn ong của tôi vô cùng bất ngờ với những khám phá mới. Một tổ ong rừng với nhiều bánh mật. Mật ong đá có cân nặng từ 1,4-1,6kg/lít, mật ong đá đặc hơn và nặng hơn mật ong khoái, màu sắc đậm hơn… là những gì các thợ ong cho tôi biết sau khi lấy những bánh mật ra khỏi tổ.
Lấy những bánh mật ra khỏi tổ, 2 thợ săn ong để lại cuống mật và không quên cẩn thận chèn lại phía cửa tổ cho đàn ong tiếp tục sinh sống. Theo anh Sám, đây là điều mà các thợ săn ong vẫn làm để giữ rừng, nuôi mật. Theo đặc tính của bầy ong, còn tổ, còn cuống mật là ong vẫn sinh sống và xây tổ. Chỉ sau 1-2 tháng là tổ ong này lại có mật.
Tổ ong đá đầu tiên đã cho chúng tôi khoảng chừng 8kg mật, nhưng theo các thợ săn ong này thì đây là tổ ong “bé xíu” mà ngày thường họ không bắt. Họ chỉ săn những tổ ong khoái có bánh mật lên tới hàng chục kg. Theo anh Sám, hầu như ngày nào đi săn ong, nhóm của anh cũng đánh được vài tổ, có những hôm đến 7-8 tổ ong khoái. Có những tổ ong to như chiếc chiếu trải giường, hoặc to như chiếc bàn uống nước. Tổ ong lớn nhất mà anh đánh được hồi đầu mùa có chiều dài hơn 3m và cho gần 40kg mật.
Đánh xong tổ ong đá đầu tiên đã gần trưa. Lúc này, trời kéo mây đen, sấm chớp đì đùng. Anh Sám giục chúng tôi nhanh chân tiếp tục lần ong kẻo trời mưa mà không kịp đánh ong khoái. Sau một hồi trèo lên ngọn cây cao, anh Sám xác định được 3 tổ ong khoái cách vị trí đứng ngắm khoảng 600m. Anh Sám nhanh chân dẫn chúng tôi đến một gốc cây cao chừng hơn 20m và chỉ cho anh Tài phía trên ngọn cây có một tổ ong khoái nhỏ. Bình thường cũng không đánh nhưng hôm nay sẽ lên cắt xuống cho tôi xem.
Mang theo bên mình một nắm cây đốt khói xua đàn ong, anh Tài thoăn thoắt leo lên ngọn cây mang xuống một bánh mật vàng óng nặng chừng 5kg. Mang bánh mật từ ngọn cây xuống cũng là lúc cơn mưa rừng ập đến khiến hành trình săn ong của chúng tôi gián đoạn. Băng qua các con suối đến vị trí an toàn đề phòng trường hợp nước suối dâng cao phải ở lại trong rừng qua đêm, anh Sám phát nhẹ, nghiêng những cành cây nhỏ để giăng vải mưa làm lán. Những cơn mưa rừng xối xả hàng giờ đồng hồ khiến hành trình săn ong rừng của chúng tôi dừng lại bên bờ suối trong sự nuối tiếc.
Trong hành trình săn mật ong rừng, chúng tôi được các thợ săn ong kể về những vất vả và hiểm nguy luôn rình rập vây quanh, chỉ cần một chút sơ ý, một chút chủ quan, thiếu cẩn thận là có thể trả giá đắt bằng cả tính mạng.
Anh Sám chia sẻ: Bất cứ ai bước chân vào nghề săn mật ong đều phải có bản lĩnh gan dạ. Nếu gặp trường hợp bị tổ ong dữ đốt cũng phải hết sức bình tĩnh chịu đựng đau đớn để xử lý chứ nhất định không được buông tay từ bỏ. Nhiều lần tôi gặp tổ ong dữ bị đốt sưng mặt, sưng tay, đau ê ẩm hết người. Nhưng đến giờ, ong đốt gần như tôi không có cảm giác gì.
Giữ rừng và... nuôi mật
Nghề lấy mật ong rừng tuy vất vả và nguy hiểm nhưng đem lại thu nhập khá cao cho nhiều thợ săn ong. Bởi lẽ, mật ong rừng nguyên chất có rất nhiều lợi ích, giúp làm tăng sức dẻo dai cho cơ thể và chữa được các bệnh về đường hô hấp, ho, dạ dày, đau mắt, viêm họng, làm mỹ phẩm... Ngoài ra, sáp ong còn có tác dụng làm dầu thắp sáng, bôi lên nỏ, ná cho bóng đẹp và bền, có khả năng sát khuẩn, làm liền vết sẹo nhanh chóng. Vì vậy, mật ong rừng luôn được nhiều khách hàng săn đón mọi lúc mọi nơi và nhiều người ví như thần dược đặc trị hữu hiệu.
Từ đầu mùa đến nay, nhóm săn mật ong của anh Sám đã thu hoạch được hàng tạ mật ong rừng để bán cho các khách hàng ở ngoài huyện. Những thợ săn ong rừng như anh Sám dường như là những cộng tác viên bảo vệ rừng thường trực, vừa tuần tra rừng vừa kiếm hái những giọt mật ong quý hiếm.
Những người chuyên lấy mật ong rừng như anh Sám luôn tâm niệm hai điều: Giữ rừng và nuôi mật. Vì thế, trong suốt hành trình, mỗi khi châm lửa đốt khói, các anh luôn dập lửa, đợi tắt hẳn khói rồi mới rời đi. Anh Sám cho hay: Người đi lấy mật ong rừng, sống nhờ “lộc rừng” thì càng phải có lương tâm, trách nhiệm và nguyên tắc hành nghề. Khai thác mật nhưng không tận diệt đàn ong, bởi tận thu gây ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái cũng chính là tận diệt nguồn sống của chính mình. Người thợ lấy mật nhìn những mảng sáp vàng óng để đánh giá lượng mật, tổ nhiều mật thì khai thác luôn, tổ mới làm, ít mật sẽ để dành khai thác sau. Khi lấy mật, tuyệt đối không được phá tổ, mở gây dựng cho ong đường sống để tiếp tục sinh sôi, nảy nở, cho mật ngọt những mùa sau. Tôn trọng bầy ong cũng chính là cách tôn trọng nghề nghiệp của mình, có vậy mới vừa được thụ hưởng vừa bảo tồn tinh hoa quý giá của núi rừng.
Gắn bó với nghề săn ong từ khi còn thơ ấu. Nhỏ đi săn ong bán lấy tiền mua sách vở. Lớn lên làm thợ săn ong chuyên nghiệp nuôi sống gia đình. Mặc dù mới chỉ 30 tuổi nhưng anh Sám đã đào tạo hàng chục thợ săn lão luyện khác trong vùng. Các thợ săn ong nơi đây trong quá trình “hành nghề” luôn tâm niệm phải giữ rừng và nuôi mật. Là thợ săn ong lão luyện. Ngày đi săn ong, đêm về lại mong trời nhanh sáng để vào rừng. Cứ như thế hàng chục năm trời. Gắn bó với rừng, 2 năm nay, anh Sám đã lập 1 kênh youtube với tên ONG RỪNG QUẢNG ĐỨC có hàng trăm nghìn lượt người xem mỗi video anh phát. Kênh youtube này đã mang đến nguồn thu nhập ổn định cho anh từ vài triệu đến hơn chục triệu đồng mỗi tháng và hàng trăm khách hàng trên khắp cả nước đặt mua sản phẩm ong rừng của anh.
Hữu Việt
Liên kết website
Ý kiến ()