Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:28 (GMT +7)
Giao ban Thường trực Tỉnh ủy
Thứ 2, 17/05/2021 | 19:15:17 [GMT +7] A A
Chiều 17/5, Thường trực Tỉnh ủy họp nghe báo cáo đánh giá tình hình kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm 2021 và tình hình thực hiện Kế hoạch kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Ngay từ đầu năm 2021, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế. Trong đó, xác định rõ các chỉ tiêu tăng trưởng cho từng quý và phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ban, ngành và địa phương để tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, 4 tháng qua, Quảng Ninh là địa phương bị ảnh hưởng rất nặng nề do sự bùng phát của đợt dịch Covid-19 thứ 3 với số ca nhiễm trong cộng đồng đứng thứ 2 cả nước, mầm bệnh đã xâm nhập vào các địa bàn đông dân nhất tỉnh. Tiếp đó là đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 tác động tiêu cực đến các mặt đời sống kinh tế-xã hội, nhất là ngành du lịch dịch vụ.
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chủ động điều chỉnh và có những giải pháp bổ sung theo tình hình thực tế từng tháng, từng quý với quan điểm xuyên suốt, nhất quán, kiên trì thực hiện bằng được mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra đầu năm. Nhờ các biện pháp được chỉ đạo kịp thời và hiệu quả của tỉnh, tốc độ tăng trưởng GRDP quý I của tỉnh vẫn đạt 9,02% (gấp hơn 02 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước) và số thu ngân sách đạt 10.874 tỷ đồng, bằng 100% kịch bản đề ra. Nhìn chung 4 tháng, nhiều chỉ tiêu KT-XH của tỉnh có sự khởi sắc. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,6% cùng kỳ, trong đó, chế biến, chế tạo tăng 38,2%. Tổng sản lượng thủy sản tăng 3,8% cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,6% cùng kỳ. Xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh trên địa bàn ước đạt 766 triệu USD, tăng 5,6% cùng kỳ. Hoạt động phát triển doanh nghiệp có bước khởi sắc, số đơn vị thành lập mới tăng 131% cùng kỳ, số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 60%...
Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố tích cực, thì không ít thách thức đang hiện hữu. Diễn biến đại dịch Covid-19 còn hết sức phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là đối với tỉnh Quảng Ninh là địa bàn trọng điểm tuyến đầu có đường biên giới trên bộ, trên biển, cảng hàng không quốc tế, cùng với các hoạt động xuất nhập cảnh, thương mại, du lịch. Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng giảm so với cùng kỳ. Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu tiêu thụ than giảm sâu; sản lượng than sạch thấp hơn so với kịch bản đề ra; sản lượng điện sản xuất cũng bị giảm. Hoạt động du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề. Đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, giá thép tăng cao ảnh hưởng tới ngành xây dựng và hoạt động đầu tư.
Các ý kiến tại cuộc họp đã tập trung phân tích thẳng thắn tình hình, những khó khăn, thách thức để đạt được kịch bản 6 tháng năm 2021, trong đó tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp vào các ngành, lĩnh vực còn dư địa tăng trưởng để bù đắp cho sự sụt giảm của ngành du lịch, ngành than, điện, thuế xuất nhập khẩu...
Thống nhất với các ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng tỉnh Quảng Ninh đã tập trung ưu tiên cao nhất cho công tác phòng chống dịch, chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân để tiếp tục giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển”. Nhờ luôn chủ động theo dõi, nắm chắc và dự báo tốt tình hình dịch bệnh và lãnh dạo, chỉ đạo thực hiện tốt phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, với nguyên tắc tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở trong phòng, chống dịch bệnh, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân. Đây vừa là yếu tố tiên quyết để tỉnh phấn đấu thực hiện thành công “mục tiêu kép” của năm 2021; tổ chức an toàn, thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đồng chí cho rằng những kết quả đạt được là hết sức lạc quan nhưng tuyệt đối không chủ quan. Cần phải có đánh giá sâu sắc hơn nữa những khó khăn, thách thức hiện bằng những số liệu cụ thể, bằng chứng khoa học về những tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế-xã hội, nhất là liên quan tới khó khăn trong đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động và hoạt động của ngành dịch vụ du lịch. Qua đó, có giải pháp cụ thể và xác định quyết tâm.
Trong đó, nhiệm vụ lớn nhất là phải tập trung công tác phòng chống dịch Covid-19 bảo đảm mục tiêu cao nhất là giữ bằng được địa bàn “An toàn - Ổn định trong trạng thái bình thường mới”, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ về dịch bệnh; thực hiện có hiệu quả "mục tiêu kép" và khôi phục được đà tăng trưởng.
Khối lượng công việc cần làm trong thời gian tới là rất lớn, bởi đại dịch Covid-19 sẽ còn những tác động tiêu cực, đòi hỏi các cấp, các ngành cần nỗ lực vượt qua để có thể đạt các chỉ tiêu đề ra ở mức cao nhất. Quan điểm là kiên trì, nhất quán với mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra đầu năm, tuyệt đối không dao động; phấn đấu đạt bằng được mục tiêu tăng trưởng GRDP hai con số và tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng tương ứng với mức tăng trưởng GRDP.
Đề cập tới các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng cần phát huy hơn nữa vai trò trụ cột khu vực công nghiệp - xây dựng trong tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, rà soát và xây dựng kế hoạch về tiến độ triển khai từng dự án đầu tư ngoài ngân sách và đầu tư công; xác định trách nhiệm cụ thể của từng khâu, từng dự án, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu các cấp. Từng sở, ngành, địa phương rà soát cụ thể, chủ động tháo gỡ dứt điểm các khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp sản xuất- kinh doanh nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, xây dựng,…tăng nhanh năng lực sản xuất suất, sản lượng. Đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, giải quyết vướng mắc trong thủ tục hành chính, đẩy nhanh thủ tục phê duyệt, điều chỉnh các dự án.
Tập trung triển khai các công trình dự án động lực, phấn đấu hoàn thành đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1; khởi công khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, khu du lịch, dịch vụ phức hợp cao cấp Vân Đồn, và các dự án động lực tại địa bàn các KCN, KKT. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục, chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm tại Kết luận số 16-KL/TU ngày 04/12/2020 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 304/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 về việc thông qua danh mục các chương trình, dự án trọng điểm ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Tỉnh khẳng định sẽ luôn đồng hành với ngành than để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nhằm tiếp tục duy trì ổn định sản xuất kinh doanh gắn với đảm bảo công tác phòng chống dịch cho người lao động. Trong mọi điều kiện phải chăm lo đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, giảm nghèo bền vững, chống tái nghèo, thu hẹp chênh lệch vùng miền trong tỉnh.
Đồng chí yêu cầu các cơ quan liên quan hoàn thiện báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()