Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 08:11 (GMT +7)
Giáo dục - Đào tạo Bình Liêu: Nhiều chuyển biến mạnh
Thứ 6, 26/06/2015 | 10:21:45 [GMT +7] A A
Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, có thể thấy, tuy còn những khó khăn, song sự nghiệp GD-ĐT của huyện Bình Liêu đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Công tác xoá mù chữ và chống tái mù chữ được quan tâm, chú trọng thực hiện. Đặc biệt, từ khi triển khai Đề án 25, bộ máy của ngành giáo dục đã bớt cồng kềnh, nặng nề, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Tiết học có sử dụng máy chiếu của học sinh Trường Tiểu học Lục Hồn (Bình Liêu). |
Từ “Cú hích” Đề án 25
Một trong những mô hình khá hay, sáng tạo, nhận được sự đồng thuận cao từ phía các bậc phụ huynh khi ngành GD-ĐT huyện Bình Liêu triển khai thực hiện Đề án 25 đó là việc đưa học sinh lớp 5 tại các điểm lẻ về điểm trường chính, đồng thời tổ chức ăn bán trú. Theo đó, năm học 2014-2015, ngành GD-ĐT chỉ mới thí điểm cách làm này tại 2 trường: Tiểu học Đồng Văn và Tiểu học Lục Hồn. Thầy giáo Lương Trọng Thuỷ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lục Hồn cho biết: “Từ khi chuyển học sinh lớp 5 tại 7 điểm trường lẻ về điểm trường chính, bộ máy của nhà trường đã tinh gọn hơn nhiều. So với năm học trước, trường giảm được 5 lớp, tiết kiệm 6 cán bộ, giáo viên. Điều quan trọng nhất là chất lượng giáo dục của trường được nâng lên. Học sinh từ các điểm lẻ về điểm chính được học 2 buổi/ngày, được tiếp cận với các phong trào thi đua, trang thiết bị giáo dục hiện đại, được ăn, ngủ nghỉ tại trường từ thứ 2 đến thứ 6”. Còn tại Trường Tiểu học Đồng Văn, với mô hình này, nhà trường cũng đã chuyển học sinh lớp 5 ở 7 điểm trường lẻ về điểm trường chính học và tổ chức ăn bán trú cho học sinh tại trường. Nhờ đó, trường giảm được 4 lớp (từ 7 lớp xuống còn 3 lớp 5); đồng thời bố trí 42 em ăn, ở bán trú tại trường. Chia sẻ về hiệu quả của việc dồn ghép lớp ở điểm lẻ về điểm chính, hầu hết các bậc phụ huynh của 2 trường này đều ủng hộ, đồng thuận, nhất trí tạo điều kiện đưa đón học sinh đi, về trong tuần.
Theo đồng chí Đào Ngọc Anh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bình Liêu thì năm học 2014-2015, Phòng GD-ĐT huyện đã thực hiện ghép 16 lớp (khối 4, 5) giữa các điểm trường của một trường. Cụ thể: Tiểu học Đồng Văn 3 lớp, Tiểu học Đồng Tâm 2 lớp, Tiểu học Lục Hồn 3 lớp, Tiểu học Tình Húc 3 lớp, Tiểu học Húc Động 3 lớp và Tiểu học Vô Ngại 2 lớp. Bên cạnh đó, so với năm học 2013-2014, ngành cũng giảm được 4 điểm trường. Cụ thể, điểm Trình Tường (Mầm non Hoành Mô), điểm Chè Phạ (Mầm non Đồng Tâm), điểm Co Nhan (Tiểu học Tình Húc), điểm Cẩm Hắc (Tiểu học Đồng Văn). Không chỉ vậy, ngành đã tiết kiệm được 51 biên chế (so với biên chế giao năm 2012). Cụ thể, cấp mầm non tiết kiệm 7 cán bộ, quản lý; cấp tiểu học tiết kiệm 44 cán bộ quản lý, giáo viên.
Chuyển biến mạnh
Đề án 25 chỉ là một trong rất nhiều giải pháp, hoạt động mà ngành GD-ĐT huyện Bình Liêu đã thực hiện hiệu quả trong nhiệm kỳ vừa qua. Theo đó, trong 5 năm qua, ngành giáo dục huyện đã không ngừng đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục theo hướng hiện đại, phù hợp với thực tiễn. Các hình thức dạy học ngày càng được đa dạng hoá, tạo sự hứng thú cho học sinh, tránh nhàm chán. Hiện, 100% số trường mầm non đã triển khai dạy 2 buổi/ngày, được trang bị đồ chơi ngoài trời và tổ chức ăn bán trú cho học sinh. 100% số trường THCS, THPT được tổ chức dạy ngoại ngữ. 4/9 trường tiểu học tổ chức dạy ngoại ngữ cho học sinh lớp 3 đến lớp 5. Các hoạt động giáo dục khác như: Giáo dục quốc phòng; phòng chống tệ nạn xã hội; giáo dục kỹ năng sống… cũng được ngành thường xuyên quan tâm, chú trọng thực hiện. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục và dạy học được chú trọng; công tác khuyến học, xã hội hoá giáo dục, dạy nghề được quan tâm, góp phần nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực.
Nhờ đó, chất lượng giáo dục của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt và vượt một số chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra. Cụ thể, huyện đã củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mầm non 5 tuổi từ năm 2013 (trước thời hạn 2 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra). Đối với việc xây dựng cơ sở vật chất, cảnh quan sư phạm, toàn huyện hiện có 437 phòng học (trong đó có 355 phòng học kiên cố, 82 phòng học bán kiên cố), tăng 139 phòng so với năm 2009. Đặc biệt, đến nay, huyện đã có 11/27 trường được công nhận chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 40,74%), tăng 2,75 lần so với năm 2010, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Tại các cuộc thi, giao lưu các cấp, huyện cũng đoạt nhiều giải cao. Năm học 2013-2014, toàn huyện có 250 học sinh đoạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp huyện, tăng 171 giải so với năm học 2008-2009.
Triển khai các mục tiêu trong nhiệm kỳ mới, đồng chí Đào Ngọc Anh cho biết, ngành dự kiến sẽ tập trung phát triển giáo dục toàn diện, nâng cao ý thức xây dựng xã hội học tập; tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, chất lượng dạy và học ở các cấp; đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia, phấn đấu có ít nhất 50% các trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II. Về một số chỉ tiêu cơ bản, ngành dự kiến sẽ phấn đấu 100% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày; tỷ lệ huy động trẻ dưới 3 tuổi ra học nhà trẻ đạt 50%; 80% giáo viên mầm non, tiểu học, 70% giáo viên THCS đạt trình độ trên chuẩn. Tin tưởng rằng, với những thành quả đã đạt được, mục tiêu đặt ra rõ ràng sẽ là tiền đề, động lực để ngành GD-ĐT huyện tiếp tục cố gắng, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong nhiệm kỳ mới.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()