Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 21:26 (GMT +7)
Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật: Hành trình nhiều gian khó
Thứ 2, 03/10/2022 | 10:02:16 [GMT +7] A A
Những đứa trẻ khuyết tật giống như một cái cây yếu. Cái cây đó luôn cần sự chăm sóc, can thiệp đặc biệt, tỉ mỉ, có phương pháp từng ngày. Thế nhưng, để những "cái cây" đó có thể trụ vững là một hành trình nhiều gian nan.
Người trồng cây
Chúng tôi đến Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hoa Sen (phường Giếng Đáy, TP Hạ Long) vào một buổi chiều. Không giống với các trường học và trung tâm giáo dục khác, ở đây không có tiếng đọc bài ê a, tiếng giảng bài của thầy, cô giáo, tiếng trống trường... Trong một căn phòng không quá lớn tại tầng 2, ba bạn nhỏ ở lứa tuổi khác nhau đang học những bài học riêng, chỉ nghe thấy khe khẽ tiếng của cô và trò; thỉnh thoảng là tiếng khóc, quát, giận dỗi, có khi là tiếng cười vô cớ của học sinh. Các thầy cô giáo vẫn kiên nhẫn dỗ dành, an ủi, động viên để các em có thể kiểm soát được hành vi của mình.
Chị Bùi Kiều Chinh, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Trung tâm thành lập đến nay đã được 15 năm. Trung tâm hiện có 60 trẻ khuyết tật từ 20 tháng đến 18 tuổi học theo nhóm hoặc 1-1 (1 giáo viên dạy 1 học sinh). Các trẻ đều có những khiếm khuyết khác nhau. Mỗi giáo viên có giáo án riêng cho từng học sinh theo các giai đoạn. Không chỉ dạy dỗ, điều trị, những giáo viên ở đây còn chăm sóc từ vệ sinh cá nhân, ăn uống… cho các em. Trung tâm miễn phí chỗ ở, tìm việc làm, hỗ trợ học phí để phụ huynh ở xa (Bình Liêu, Ba Chẽ...) ổn định cuộc sống, từ đó đồng hành cùng con trong quá trình học tập tại đây. "Gắn bó với nghề đã 15 năm, tôi thực sự thấu hiểu được nỗi lòng của những người làm cha, làm mẹ. Chỉ mong sao các con tiến bộ mỗi ngày để hòa nhập với cuộc sống bình thường như bao trẻ khác" - Chị Chinh chia sẻ.
Dáng vẻ cao lớn, khôi ngô, tuấn tú của cậu bé 7 tuổi N.A.K khiến ít ai nghĩ được rằng K bị hội chứng tự kỷ thể nặng. Khóc cười vô cớ, kém tương tác với giáo viên, không biết biểu hiện cảm xúc, K chỉ có thể lặp lại hành động đã quen một cách dập khuôn. Bắt đầu can thiệp từ năm 2 tuổi, 5 năm qua là chặng đường dài K và gia đình lặn lội từ Bắc tới Nam để tìm cách điều trị cho con. Sau gần 1 năm gắn bó với Trung tâm, giờ đây K đã có thể điều khiển cảm xúc, tương tác với giáo viên, hòa nhập với các bạn tại Trung tâm.
Ở một căn phòng khác, chị Dương Thị Mai đang cần mẫn hướng dẫn N.S.L (6 tuổi) tập các bài vận động. Ngay từ khi sinh ra, L gặp hội chứng rối loạn giấc ngủ. L thường xuyên quấy khóc vào ban đêm khiến em mệt mỏi, suy nhược, chậm phát triển. Vì thế, các giáo viên phải kết hợp các bài vật lý trị liệu, vận động, kích thích hoạt động của não bộ… giúp em giảm dần sự rối loạn.
Đã 10 năm dạy tại Trung tâm, chị Mai đã chứng kiến biết bao sự đổi thay kỳ diệu của học sinh sau khi học tập tại đây. Chị Mai chia sẻ: Dạy một trẻ nhỏ bình thường đã khó, dạy trẻ khuyết tật, không làm chủ được ý thức, không điều khiển được hành vi của mình còn khó gấp bội lần. Mỗi trẻ khuyết tật có một biểu hiện khác nhau, nên có lúc phải mềm mỏng, cũng có những lúc phải nghiêm khắc. Chỉ cần mình có đủ tình yêu thương thì chắc chắn sẽ tìm ra cách để dạy các con. Sự tiến bộ từng ngày của các con chính là động lực khiến chúng tôi vượt qua khó khăn, không ngừng cố gắng, gắn bó với nghề.
Còn đó những khó khăn
Toàn tỉnh hiện có trên 300 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông thực hiện giáo dục hòa nhập. 70% số trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tham gia học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục; 100% học sinh khuyết tật, tự kỷ có kế hoạch giáo dục cá nhân và được điều chỉnh nội dung bài học phù hợp với nhu cầu khả năng; 90% học sinh khuyết tật hoàn thành chương trình học tập các cấp học.
Ai gắn bó, giảng dạy, chăm sóc trẻ khuyết tật mới thấy được con đường đưa các em hòa nhập thật nhiều gian nan. Anh Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Hải Hà (TP Hạ Long), chia sẻ: Trung tâm hiện can thiệp, điều trị và hỗ trợ cho 130 trẻ khuyết tật. Trong quá trình hoạt động, Trung tâm gặp nhiều khó khăn; nhưng khó khăn lớn nhất lại chính là từ các gia đình trẻ khuyết tật. Vì những lý do khác nhau, nhiều gia đình cố tình không chấp nhận khiếm khuyết, chưa nhận thức đầy đủ, không cần tới sự giúp đỡ từ các nhà chuyên môn, nên để trẻ quá "giai đoạn vàng" mới bắt đầu can thiệp. Trong khi đó, giáo dục trẻ khuyết tật không chỉ cần môi trường nhà trường, mà các em cũng rất cần môi trường gia đình.
Là mẹ của trẻ mắc hội chứng tự kỷ, chị Đ.T.T.Q (phường Cao Xanh, TP Hạ Long) tâm sự: "Khi con trai tôi được 3 tuổi, con chưa nói được như các bạn, khi gọi tên không thấy phản ứng, việc giao tiếp khó khăn. Giống như nhiều người, thời gian đầu, gia đình nghĩ rằng con chậm nói do trong thời gian dài ở nhà với bác giúp việc. Dần dần, việc giao tiếp của con càng hạn chế. Gia đình lo lắng cho con đi khám. Khi bác sĩ nói con có biểu hiện rối loạn phát triển, một biểu hiện của hội chứng tự kỷ, chúng tôi đã không tin vào tai mình. Vì đã qua giai đoạn vàng, nên mặc dù có sự can thiệp, song con chỉ có thể lặp lại những câu nói của mẹ, không thể chủ động giao tiếp, không hòa nhập với bạn bè".
Công tác giáo dục trẻ khuyết tật hiện còn rất nhiều những khó khăn: Chưa có các chương trình giáo dục cụ thể; cơ sở vật chất hỗ trợ trẻ khuyết tật chưa được đầu tư; giáo viên có trình độ đào tạo về giáo dục đặc biệt để thực hiện hoặc hỗ trợ giáo dục hòa nhập còn hạn chế. Đặc biệt, chưa có văn bản hướng dẫn hoặc tiêu chí căn cứ xác định mức độ khiếm khuyết của trẻ khuyết tật đảm bảo khả năng học tập. Vì vậy, những trường hợp học sinh khuyết tật nặng hoặc có nhiều biểu hiện bất thường vẫn tham gia hòa nhập đã ảnh hưởng nhất định đến công tác tổ chức lớp học.
Từ năm học 2018-2019, tỉnh đầu tư trang bị 6 phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập tại 6 trường tiểu học: Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long), Đông Mai (TX Quảng Yên), Yên Thanh (TP Uông Bí), Cẩm Trung (TP Cẩm Phả), Hải Xuân (TP Móng Cái), Bình Khê 1 (TX Đông Triều). Tuy nhiên, do thiếu đội ngũ có trình độ chuyên môn về giáo dục đặc biệt, nên các phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập không hoạt động thường xuyên. Chị Nguyễn Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Thanh (TP Uông Bí), cho biết: Nhà trường có 11 trẻ khuyết tật đang học tập. Do thiếu giáo viên, thời gian, chương trình giáo dục riêng…, nên trẻ khuyết tật chủ yếu học hòa nhập tại lớp, ít khi học tại phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập.
Theo bà Vũ Thị Thúy Hà, Phó trưởng Phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT): Do thiếu nhân lực, chi phí cao, tốn nhiều thời gian, hằng năm một số trẻ khuyết tật chưa được tham gia giáo dục tại các cơ sở giáo dục, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, hoàn cảnh khó khăn. Đến nay tỉnh chưa có trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập công lập để thực hiện tốt các chức năng cơ bản là tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn cho giáo viên, cha mẹ học sinh và trẻ khuyết tật; can thiệp sớm; bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, nhân viên và cộng đồng. Do đó việc hỗ trợ trẻ khuyết tật có quyền được tiếp cận giáo dục còn nhiều khó khăn.
Thêm vào đó, những chính sách hỗ trợ cho giáo viên, trung tâm, cơ sở giáo dục khuyết tật còn rất hạn chế. Chị Bùi Kiều Chinh cho biết thêm: Trong hơn 2 năm dịch Covid-19 diễn ra, Trung tâm phải tạm dừng hoạt động trong nhiều tháng. Tuy nhiên, cán bộ, nhân viên của Trung tâm không được các gói hỗ trợ như hỗ trợ người lao động ngừng việc, hỗ trợ tiền thuê nhà ở…
Để học sinh khuyết tật không bị bỏ lại phía sau, cần hơn nữa sự quan tâm của các cấp, ngành bằng những giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy và nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập, thực hiện quyền và cơ hội của trẻ khuyết tật được chăm sóc, hỗ trợ giáo dục và tham gia giáo dục thường xuyên, có chất lượng. Từ đó, giáo viên bớt áp lực, học sinh khuyết tật thêm tự tin, vươn lên trong học tập như các bạn cùng trang lứa.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()