Tất cả chuyên mục

Kỹ năng sống là một trong những yếu tố quan trọng góp phần hình thành và định hướng nhân cách cho học sinh. Thời gian qua, hoạt động này đã được các nhà trường quan tâm và đẩy mạnh.
![]() |
Hướng dẫn học sinh đi xe đạp an toàn tại buổi ngoại khóa "An toàn giao thông" do Trường Tiểu học Quyết Thắng (TX Đông Triều) tổ chức, tháng 4/2019. (Ảnh nhà trường cung cấp) |
Ngày 9/9 vừa qua, Trường Tiểu học Quyết Thắng (phường Mạo Khê, TX Đông Triều) phối hợp với Công ty Honda Việt Nam tổ chức buổi ngoại khóa về đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông và trao tặng mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1. Tại buổi ngoại khóa, các em được chia sẻ thông tin về một số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn, tuyên truyền, hướng dẫn các thao tác khi tham gia giao thông, như: Đội mũ bảo hiểm, cách đi xe đạp, đi bộ, tìm hiểu một số biển báo giao thông, xử lý tình huống...
Thực tế, việc nâng cao kỹ năng cho các em khi tham gia giao thông luôn được trường thực hiện thường xuyên, lồng ghép trong các tiết dạy, phát trên loa truyền thanh, trong các chương trình chào cờ đầu tuần, giờ phát thanh măng non, tuyên truyền đến phụ huynh học sinh...
Hè 2019 vừa qua, nhà trường tổ chức dạy bơi miễn phí cho 270 học sinh. Trường giành giải nhất khối tiểu học tại hội thi tìm hiểu “kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em” do Tổng cục Thể dục - Thể thao tổ chức điểm tại TX Đông Triều.
Hiện nhà trường có rất nhiều hoạt động, chương trình, sân chơi, ngoài kỹ năng sống còn có các kỹ năng thực hành xã hội, luôn tạo điều kiện cho học sinh tham gia. Mỗi tháng trường tổ chức 2-3 hoạt động ngoài trời lớn, hoạt động tập thể, thể dục thể thao, nhằm tăng cường kỹ năng sống cho các em. Đặc biệt, mỗi năm học nhà trường tổ chức 4-5 đợt trải nghiệm ngoài trường, lồng ghép kiến thức môn học, giúp các em có trải nghiệm hữu ích.
Nguyễn Hải Tiến (lớp 5A, Trường Tiểu học Quyết Thắng) cho biết: “Chúng em được học các kỹ năng sống như phòng tránh đuối nước; phải làm gì khi ở nhà có cháy nổ, thoát hiểm khi có đám cháy, khi bị bắt cóc. Chúng em còn được đi trải nghiệm nhiều di tích, điểm tham quan, làng nghề để thêm kiến thức, như tìm hiểu làng nghề truyền thống gốm sứ Mạo Khê; tìm hiểu lịch sử truyền thống ngành Than tại Công ty Than Mạo Khê; làng nghề nông nghiệp tại làng quê Yên Đức... Mỗi lần tham gia trải nghiệm chúng em rất hào hứng và có được nhiều bài học, kiến thức bổ ích".
Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT TX Đông Triều, việc dạy kỹ năng sống cho học sinh được các nhà trường đẩy mạnh thông qua việc nâng cao chất lượng dạy học các môn học Đạo đức, Giáo dục công dân; tích hợp, lồng ghép trong các môn học liên quan; các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, hoạt động trải nghiệm và các hoạt động giáo dục khác. Bên cạnh đó, tùy vào điều kiện thực tế về cơ sở vật chất và nguyện vọng của phụ huynh học sinh, các trường phối hợp liên kết với đơn vị tổ chức các hoạt động dạy kỹ năng sống. Trong năm học 2018-2019 đã có 26 trường tiểu học, 2 trường THCS phối hợp với Công ty Cổ phần Max Việt Nam tổ chức các hoạt động dạy kỹ năng sống với 392 lớp, hơn 12.000 học sinh tham gia.
![]() |
Giảng viên Trung tâm Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em (CAIP Quảng Ninh) hướng dẫn học sinh Trường TH-THCS-THPT Văn Lang (TP Hạ Long) kỹ năng thoát hiểm khi bị bắt cóc. (Ảnh nhà trường cung cấp) |
Rất nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã có những giải pháp hay trong việc giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh. Trường TH-THCS-THPT Văn Lang (TP Hạ Long), bên cạnh việc phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng như Cảnh sát PCCC, Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống, Trung tâm Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em (CAIP Quảng Ninh)... để giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh; các thầy cô cũng chủ động tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ thực tiễn để truyền đạt cho các em vào các buổi chào cờ đầu tuần, lồng ghép trong các tiết học. Thầy Đinh Văn Nghiêm, Phó Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Văn Lang cho biết: Kỹ năng sống không chỉ là đọc tài liệu, tìm hiểu là dạy tốt ngay. Mà nhiều phần đúc rút từ chính cuộc sống, kinh nghiệm của thầy, cô. Các thầy cô phải thường xuyên trau dồi, tìm hiểu, tham gia tập huấn hoặc trao đổi với những chuyên gia về kỹ năng, từ đó có được những kiến thức cần thiết truyền đạt cho các em. Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động tập thể để gắn kết, rèn luyện kỹ năng sống cho các em. Các giải bơi, Hội chợ Xuân đã trở thành hoạt động thường niên của nhà trường từ nhiều năm nay...
Bên cạnh đó, các địa phương quan tâm, chỉ đạo các nhà trường tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nghiên cứu khoa học; giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh; tổ chức các CLB giáo dục STEM, CLB các bộ môn năng khiếu với mục tiêu đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện theo hướng kết hợp dạy học văn hóa với tổ chức các hoạt động trải nghiệm nhằm giáo dục tình cảm, đạo đức, giáo dục thể chất, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh...
Nhiều bậc phụ huynh đã quan tâm hơn và chủ động tìm kiếm các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, phối hợp với các cơ sở giáo dục kỹ năng sống, cho con em tham gia các buổi sinh hoạt ngoại khóa, dã ngoại, giúp con em có những trải nghiệm và trang bị thêm kiến thức. Điển hình như chương trình “Học hè quân đội”, “Trại hè kỹ năng”...
Giáo dục kỹ năng sống đã giúp các em hình thành những thói quen tốt, nhận diện và đề kháng lại những cám dỗ trong giới trẻ, giúp các em có những ứng xử phù hợp, biết cách thoát hiểm trong những tình huống thường gặp. Cùng với sự vào cuộc của ngành Giáo dục, sự phối hợp của phụ huynh và gia đình là môi trường rèn luyện kỹ năng sống tốt nhất, giúp các em trưởng thành về mọi mặt.
Thanh Hoa
Ý kiến ()