Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 01:06 (GMT +7)
Giáo dục Quảng Ninh đổi mới, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh
Thứ 2, 02/05/2022 | 09:48:38 [GMT +7] A A
Hơn 2 năm qua khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành Giáo dục đã gặp vô vàn khó khăn, trở ngại. Mọi hoạt động dạy và học bị đảo lộn, có những thời điểm phải đóng cửa trường học, thầy và trò phải tạm dừng đến trường. Thế nhưng, cũng chính từ những khó khăn đó, ngành giáo dục Quảng Ninh đã chủ động tìm ra nhiều cách làm sáng tạo, kiên trì đổi mới, trở thành một trong những địa phương trong cả nước thích ứng tốt, an toàn, linh hoạt với dịch bệnh.
Chủ động tìm tòi, sáng tạo
Ghi nhận tại Trường Tiểu học thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu), mặc dù là ngôi trường nằm ở huyện vùng cao biên giới, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, song thời gian qua, cô và trò nhà trường đã luôn chủ động học hỏi, tìm tòi, sáng tạo. Tùy từng thời điểm, nhà trường đã linh hoạt thiết lập dạy học trực tiếp, trực tuyến, hay học trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Cô giáo Ngô Thị Thu Hằng (Trường Tiểu học thị trấn Bình Liêu), chia sẻ: Tiết học trực tuyến thường buồn và trầm lắng hơn so với học trực tiếp vì vắng bóng học trò. Thế nhưng, điều đó không làm tôi xao nhãng việc dạy học. Với những thời điểm phải dạy học trực tuyến, để học sinh hứng thú và có nền nếp suốt buổi học, tôi phải yêu cầu các em luôn bật camera. Tôi cũng chuẩn bị giáo án cho phù hợp với từng đối tượng học sinh. Trong các bài giảng, tôi thường xuyên sử dụng hình ảnh, video minh họa, tổ chức trò chơi qua các phần mềm hỗ trợ để tăng tính chủ động cho học sinh.
Được biết, để có những tiết học trực tuyến hiệu quả, Ban Giám hiệu nhà trường đã có đường link riêng để truy cập, kiểm tra đột xuất các tiết học. Đồng thời, cán bộ, giáo viên trong trường cũng tích cực tuyên truyền để các bậc phụ huynh trang bị điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy vi tính, tạo điều kiện cho con em học trực tuyến. Nhờ đó, hiện nay 100% học sinh của nhà trường đã đáp ứng việc học trực tuyến.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, của ngành giáo dục và các địa phương, tại các trường học trong thời gian qua đã vận dụng linh hoạt, an toàn, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo công tác dạy và học. Điều này cũng mở ra cơ hội để các trường chuyển đổi số, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại.
Cô giáo Hoàng Thu Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Hạ Long) chia sẻ: Trường hiện có 21 phòng học thông minh trên tổng số 23 phòng học. Trong đó có 6 phòng học thông minh loại 1, được trang bị thêm 40 máy vi tính/lớp cho học sinh. Với trang thiết bị hiện đại như vậy, trường đã thực hiện có hiệu quả hơn việc dạy và học trực tuyến trong thời gian qua. Nhờ đó, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng nhà trường vẫn đảm bảo chương trình giảng dạy theo đúng khung kế hoạch đã đề ra.
Đảm bảo học thật, thi thật
Thực tế hơn 2 năm qua cho thấy, việc thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh là cần thiết, là giải pháp tối ưu đối với ngành giáo dục trong tỉnh, góp phần đảm bảo mục tiêu “Dừng đến trường, không dừng việc học” và bảo vệ sức khỏe cho học sinh. Theo đó, nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của tỉnh, trong từng thời điểm, ngành giáo dục, y tế, UBND các địa phương đã có sự phối hợp nhuần nhuyễn, đưa ra phương án, giải pháp cụ thể để học sinh, sinh viên đi học, bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Chức năng y tế học đường tại các nhà trường cũng được tăng cường hơn trước. Nhân viên y tế giảm các công việc kiêm nhiệm, bố trí theo hướng chuyên trách, đảm bảo quản lý, theo dõi sức khỏe học sinh một cách chủ động, chặt chẽ, có hệ thống. Tại các cơ sở giáo dục, việc tổ chức dạy và học được thực hiện trọng tâm, trọng điểm. Công tác phòng chống dịch vẫn được siết chặt với nhiều giải pháp đồng bộ, đảm bảo thoáng đãng, sạch sẽ, khang trang. Các trường nội trú, bán trú đều đảm bảo thực phẩm sạch, đủ dinh dưỡng, nóng sốt, chỗ nghỉ ấm, đảm bảo các quy định về phòng chống dịch bệnh trong nhà trường.
Cùng với đó, Quảng Ninh luôn tích cực, chủ động trong việc thực hiện chiến lược vắc-xin cho trẻ, đảm bảo tuyệt đối an toàn. Đến nay, tỷ lệ học sinh từ 12-17 tuổi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1 đạt trên 99%, mũi 2 đạt trên 97%. Đồng thời, tỉnh cũng đã đảm bảo chu đáo mọi điều kiện để tiêm chủng cho đối tượng trẻ em từ 5-11 tuổi, với tiêu chí an toàn là trên hết.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Châu Hoài Thu cho biết: Thực hiện chỉ đạo của tỉnh về việc xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho nhóm đối tượng trẻ từ 5-11 tuổi, ngành giáo dục toàn tỉnh đã tích cực, chủ động thực hiện công tác tuyên truyền tới các bậc phụ huynh, nhân dân. Đến nay, theo báo cáo, về cơ bản phụ huynh đều nhất trí, đồng thuận trong việc cho con em tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Nhiều địa bàn, trường học có tỷ lệ đồng thuận đạt 100%...
Từ những nỗ lực của thầy và trò các nhà trường, tỉnh Quảng Ninh đã tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục. Năm 2021, kỳ thi tốt nghiệp THPT, điểm trung bình của tỉnh đạt 6,29, xếp thứ 36/63 tỉnh thành, tăng 14 bậc so với năm trước. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 97,4% (năm 2020 là 96,30%). Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022, tỉnh Quảng Ninh có 48 học sinh đoạt giải. Gồm: 1 giải nhất, 12 giải nhì, 13 giải ba, 22 giải khuyến khích. So với năm học 2020-2021, toàn tỉnh tăng 7 giải, gồm: 4 giải nhì và 3 giải khuyến khích (số lượng giải nhất, giải ba giữ nguyên).
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2021-2022, đoàn Quảng Ninh tham gia với 2 dự án đều đoạt giải. Trong đó, dự án "Hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho học sinh THPT trong đại dịch Covid-19" của nhóm tác giả Lê Tuấn Minh và Lê Quang Minh (Trường THPT Chuyên Hạ Long) đã xuất sắc giành giải ba.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()