Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:27 (GMT +7)
Giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ
Chủ nhật, 01/08/2021 | 08:25:17 [GMT +7] A A
Xác định giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Qua đó, không ngừng nâng cao nhận thức, ý thức gìn giữ di sản văn hóa, lịch sử của quê hương, dân tộc, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa
Là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, Quảng Ninh có hệ thống trên 600 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có rất nhiều di tích, danh thắng đã được xếp hạng cấp quốc gia. Đây chính là nguồn “tư liệu” vô giá, thiết thực để các cấp, ngành, đơn vị trong tỉnh đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Theo đó, ngành Giáo dục đã phối hợp với các ngành tạo điều kiện và chỉ đạo các trường học tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh tham gia học tập, trải nghiệm thực tế tại các địa chỉ đỏ, di tích, danh thắng của địa phương.
Tiêu biểu, từ năm 2019, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cô Tô đã phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện duy trì định kỳ việc tổ chức cho học sinh các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông đến tham quan, tìm hiểu giá trị lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, thi hùng biện giới thiệu về Khu lưu niệm – Di tích Quốc gia trên địa bàn huyện này, thu hút đông đảo học sinh tham gia.
Không riêng ngành Giáo dục, các ngành, đơn vị của tỉnh cũng đẩy mạnh tổ chức các chương trình giáo dục truyền thống nhằm khai thác, phát huy hiệu quả giá trị các khu di tích, danh thắng tại địa phương. Trong đó phải kể đến hành trình “Con thuyền di sản”, “Trải nghiệm du lịch” do Tỉnh Đoàn xây dựng và triển khai từ nhiều năm nay.
Từ các hành trình này, rất nhiều các khu di tích trên địa bàn tỉnh như Đài tưởng niệm các hùng liệt sĩ Pò Hèn (TP Móng Cái), Công trình Cột cờ đảo Trần và nhà lưu niệm (huyện Cô Tô), Khu di tích Bạch Đằng Giang (TX Quảng Yên), Khu di tích nhà Trần (TX Đông Triều)... hằng năm đều đón hàng trăm lượt học sinh, đoàn viên, thanh thiếu nhi đến tham quan, tìm hiểu.
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, các cấp bộ Đoàn đã phối hợp tổ chức được 335 chuyến hành trình “Trải nghiệm du lịch” và “Con thuyền di sản” với sự tham gia của hàng nghìn thanh thiếu nhi.
Đồng chí Hoàng Văn Hải, Bí thư Tỉnh Đoàn, chia sẻ: Hưởng ứng hành trình “Con thuyền di sản” của Tỉnh Đoàn phát động, các cấp bộ Đoàn, trường học trên địa bàn tỉnh đã tăng cường tổ chức các chương trình tham quan Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, các di tích lịch sử, danh thắng của địa phương. Đây không chỉ là cơ hội để các bạn thanh thiếu nhi được tham quan, vui chơi mà các chuyến đi còn tạo sự hứng khởi cho các em thông qua việc tiếp cận với các kiến thức lịch sử và hiểu về giá trị các di sản một cách trực quan, sinh động, giúp các em nhận thức sâu sắc hơn trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, di tích lịch sử của quê hương.
Đa dạng về hình thức
Trong những năm qua, công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ, học sinh, thanh thiếu nhi luôn được các cấp, ngành quan tâm, đổi mới phương phức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện thực tế tại từng đơn vị, địa phương.
Theo đó, các trường học đã chủ động triển khai tổ chức các sân chơi hình thức sân khấu hóa các tác phẩm văn học. Thêm nữa, thông qua các buổi giao lưu, tọa đàm, nói chuyện truyền thống với các cựu chiến binh, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - những “nhân chứng sống" của lịch sử nhân dịp các ngày lễ, dịp kỷ niệm lớn của đất nước luôn nhận được sự hưởng ứng của học sinh.
Ngoài việc tích cực tổ chức cho ĐVTN tham gia các hành trình về nguồn đến với các “địa chỉ đỏ”, các cấp bộ Đoàn còn tổ chức kết nạp đoàn viên mới tại các di tích lịch sử nhằm giáo dục truyền thống, lòng tự hào cho ĐVTN.
Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” cũng được tổ chức xuyên suốt trong năm đặc biệt vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, các cấp bộ Đoàn đều huy động ĐVTN tham gia dọn vệ sinh, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, dâng hương tưởng nhớ, tri ân các thế hệ anh hùng đã hy sinh máu xương của mình để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Đồng thời, thăm hỏi động viên các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương bệnh binh, gia đình chính sách tại địa phương.
Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống thông qua hoạt động của hệ thống bảo tàng, nhà truyền thống trong tỉnh cũng đang mang lại những hiệu quả thiết thực. Sáng tạo với ý tưởng mới mẻ, hướng tới giáo dục những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc là điểm chung của những chương trình trải nghiệm mà Bảo tàng Quảng Ninh thực hiện trong những năm gần đây.
Vào các dịp hè, đơn vị đã tổ chức các chương trình với chủ đề như: “Sĩ tử xưa – nay”; “Ngày hè tuổi thơ”, “Em là nghệ nhân nhí”... với mục đích tạo cho các em thiếu nhi cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm các trò chơi dân gian; nếp sống vùng nông thôn Bắc Bộ, các làng nghề truyền thống, các phong tục truyền thống của quê hương, đất nước.... Tính đến nay, đã có hàng nghìn em thanh, thiếu nhi tham gia các chương trình này.
Tương tự, Cung Văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các chương trình giáo dục truyền thống văn hóa cho thanh thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu, Tết cổ truyền dân tộc bằng các hoạt động trải nghiệm tập gói bánh chưng, làm bánh nướng – bánh dẻo, tập viết thư pháp.... mang đến cho thanh thiếu nhi không gian “học mà chơi, chơi mà học” đầy thú vị và bổ ích.
Sự đổi mới, sáng tạo trong hoạt động giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử đã “truyền lửa”, vun đắp tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của thanh thiếu nhi trong học tập, rèn luyện, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp dựng xây và phát triển đất nước.
Ý kiến người trong cuộc:
Bà Trần Thị Minh Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Than Cọc Sáu: "Chuyển tải những thông điệp văn hóa đến với công nhân trẻ"
Công ty CP Than Cọc Sáu được thành lập năm 1960, là đơn vị có bề dày truyền thống của ngành Than cũng như của Vùng mỏ. Từ môi trường này đã có biết bao nhiêu người trưởng thành, có đóng góp tích cực cho sự phát triển văn hóa quần chúng, văn học nghệ thuật của Quảng Ninh, như: Nghệ sĩ Quang Thọ; các nhà văn Nguyễn Sơn Hà, Võ Khắc Nghiêm, Vũ Thảo Ngọc, Trần Đình Nhân; nhà điêu khắc Nguyễn Tâm Nhâm; NSNA Khắc Đạm; nhạc sĩ Hữu Thắng v.v.. Đến nay, mỏ Cọc Sáu đã có 1 người là nhà văn được trao Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật (nhà văn Võ Khắc Nghiên); 1 người là Nghệ sĩ Nhân dân, 7 người là Nghệ sĩ Vùng mỏ.
Từ hiện thực sản xuất vất vả, cần cù của thợ mỏ, những thông điệp văn hóa tốt đẹp đã được lớp lớp các văn nghệ sĩ nói chung và các văn nghệ sĩ trưởng thành từ mỏ Cọc Sáu nói riêng chuyển tải đến đông đảo công chúng. Chúng tôi luôn ý thức về điều đó và coi trọng việc tuyên truyền cho lớp công nhân trẻ về truyền thống của mỏ Cọc Sáu bằng nhiều hình thức, từ những buổi sinh hoạt sôi nổi, rồi không gian truyền thống của Công ty...
Nhà giáo Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, TP Hạ Long: "Lồng ghép những hoạt động giáo dục kiến thức về địa phương bổ ích cho học sinh"
Bên cạnh những môn học chính khóa, chúng tôi thường xuyên đưa vào dạy học chương trình ngoại khóa, giáo dục kiến thức về lịch sử, văn học, địa lý địa phương lồng ghép với những hoạt động ngoài giờ sinh động, bổ ích góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh.
Chúng tôi cũng giới thiệu với các em những địa danh của Quảng Ninh, truyền thống lịch sử văn hóa của tỉnh nhà; xây dựng thư viện với nhiều đầu sách, báo bổ ích để phục vụ giáo viên và học sinh. Đảng ủy, Ban Giám hiệu cùng với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên phụ trách Đội tổ chức nhiều hoạt động phong phú về văn hóa truyền thống, văn nghệ, kể chuyện theo sách, cuốn sách em yêu, chẳng những giúp cho hiểu biết của các em thêm phong phú mà còn bổ trợ cho những bài giảng trên lớp góp phần bồi đắp tình yêu quê hương đất nước cho học sinh.
Học sinh Nguyễn Hoàng Minh, lớp 7C, Trường THCS Hưng Đạo, TX Đông Triều: "Học tập để trở thành con ngoan, trò giỏi phát huy truyền thống quê hương"
Em rất đam mê đọc sách, đặc biệt là những cuốn sách viết về văn hóa, lịch sử quê hương Đông Triều của em. Em cũng tham gia những cuộc thi thuyết trình về sách, giới thiệu sách hay, kể chuyện theo sách, đại sứ văn hóa đọc, có kế hoạch quyên góp sách ủng hộ các bạn khó khăn. Mỗi trang sách đều mang lại cho em những kiến thức rất bổ ích về quê hương, giúp em thêm hiểu, thêm yêu hơn mảnh đất mà mình đang sống.
Từ những trang sách, từ những lời dạy bảo của thầy cô, chúng em có thêm những động lực mới để phát huy truyền thống gia đình, quê hương, thi đua học tập, làm theo 5 điều Bác Hồ dạy, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi để sau này xây dựng TX Đông Triều, xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp hơn.
Học sinh Nguyễn Khánh Linh, lớp 10B3, Trường THPT Hòn Gai, TP Hạ Long: "Thúc đẩy văn hóa đọc để thêm hiểu truyền thống quê hương"
Bên cạnh việc chăm chú các giờ học lịch sử, địa lý, văn học, em duy trì thói quen đọc sách báo hàng ngày để tìm hiểu thêm những tri thức về quê hương Quảng Ninh. Em cũng mong muốn chia sẻ những cuốn sách hay đến mọi người vì nguồn tri thức vô tận của nhân loại, tuyên truyền rộng rãi để thu hút thêm các bạn đọc sách, góp phần lan tỏa tinh thần đọc sách này tới cộng đồng để tiếp tục quảng bá văn hóa Quảng Ninh ra với bạn đọc cả nước.
Ngoài việc đọc sách, ở trên lớp, em hăng hái tham gia các câu lạc bộ sở thích trải nghiệm hoạt động câu lạc bộ, các cuộc thi do Đoàn Thanh niên, Cung Văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh, Thư viện tỉnh tổ chức một cách tích cực, để góp phần quảng bá văn hóa của Vùng mỏ Quảng Ninh, đưa những hình ảnh đẹp của Trường THPT Hòn Gai, của quê hương Hạ Long được lan tỏa rộng rãi và thể hiện tình yêu mến thầy cô bạn bè qua những bức ảnh, video, những trang viết được ghi lại.
Nguyễn Dung-Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()