Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:55 (GMT +7)
Giáo dục và đào tạo Quảng Ninh: Những bước phát triển đáng tự hào
Thứ 7, 02/09/2023 | 14:01:37 [GMT +7] A A
Quảng Ninh vừa là tỉnh công nghiệp than lớn nhất cả nước, vừa là tỉnh miền núi, hải đảo, biên giới, nhiều dân tộc, vừa là một tỉnh có tiềm năng kinh tế - xã hội đa dạng và hiện đang một điểm sáng về đổi mới của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng ở khu vực phía bắc. Gắn liền với sự phát triển ấy, giáo dục và đào tạo Quảng Ninh đã có những thành tựu lớn trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 chấm dứt chế độ thực dân và phong kiến, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Từ đó đến nay, lịch sử dân tộc trải qua nhiều giai đoạn, nhiều sự kiện, sự nghiệp giáo dục cũng phát triển tương ứng thành nhiều thời kỳ, song xét về sự đổi thay mạnh mẽ và toàn diện, có thể chia thành 2 giai đoạn lớn: Trong năm đầu Cách mạng và 9 năm kháng chiến (1945-1954) và từ năm 1955 đến nay.
Ngay sau Cách mạng tháng Tám, giữa lúc nạn đói hoành hành, thù trong giặc ngoài đe dọa nền độc lập non trẻ, chính quyền cách mạng đã coi nạn mù chữ, sự dốt nát là một thứ giặc và cũng tập trung sức lực tiêu trừ như với giặc đói và giặc ngoại xâm. Đường lối sáng suốt và những chương trình hành động khẩn trương, quyết liệt để nâng cao dân trí đã được toàn dân hưởng ứng. Cả một cao trào bình dân học vụ rộng lớn sôi động khắp thành thị, xóm thôn. Với khẩu hiệu "Đi học là yêu nước", trẻ con đi học, người lớn đi học, cụ già cũng đi học. Công nhân mỏ học trong công trường, trước gương lò trong giờ nghỉ, nông dân học ngay trên cánh đồng, ngư dân học ngay trên thuyền. Thầy giáo khi ấy được tôn vinh là những "chiến sĩ diệt dốt", dạy không công mà vui vẻ, hồ hởi, hết sức, hết lòng.
Kết quả xóa mù chữ của mấy tháng cuối năm 1945 và cả năm 1946 đã làm cho ít nhất quá nửa số thanh niên nam nữ biết chữ. Đến cuối năm 1946, phần lớn công nhân mỏ đã đọc được các tờ truyền đơn, các bản tin, các khẩu hiệu. Thông qua các nội dung bài vở được học một cách thiết thực, phong trào bình dân học vụ đã góp phần nâng cao dân trí rất cụ thể.
Sau bình dân học vụ và bổ túc văn hóa, các trường học đầu tiên của hệ giáo dục phổ thông cũng ra đời từ các vùng căn cứ kháng chiến và từng bước phát triển thành một mạng lưới, từ cấp I mở tiếp cấp II. Ở cuối cuộc kháng chiến, một số lớp mẫu giáo cũng hình thành.
Trong những năm kháng chiến gian khổ, ác liệt ấy, các trường phổ thông đều trải qua một quá trình rèn luyện thật đặc biệt. Thầy giáo phải lăn lộn, tổ chức, xây dựng trường lớp, vừa như một cán bộ dân vận vừa như một lao động thực thụ. Tiêu biểu nhất là Trường cấp I-II ở vùng căn cứ kháng chiến Đông Triều. Trong chiến dịch Đường 18, thầy trò xếp bút nghiên đi phục vụ. Trường học kháng chiến thuở ấy đã đào tạo được một lớp học sinh sôi sục lòng yêu nước.
Tháng 7/1954, hòa bình được lập lại, song theo Hiệp định Genève, Quảng Ninh có vùng tập kết quân đội Pháp 100 ngày và 300 ngày nên từ ngày 25/4/1955 mới hoàn toàn được giải phóng. Từ năm 1955 đến nay, ngành giáo dục và đào tạo đã có những biến đổi nội tại trong định hướng mục tiêu, cải cách nội dung và phương pháp giáo dục. Từ một ngành có quy mô nhỏ bé, ngành đã từng bước khắc phục những thiếu thốn về cơ sở vật chất, vượt lên trên nhiều hy sinh, gian khổ của những năm "tay bút – tay súng" để phát triển, mở rộng quy mô, củng cố, nâng cao chất lượng. Ngành đã thống nhất được hệ thống giáo dục – đào tạo từ mầm non tới phổ thông, bổ túc văn hóa, dạy nghề kỹ thuật và cao đẳng, đại học. Quảng Ninh đã được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập tiểu học và chống mù chữ từ tháng 12/1997 trên phạm vi toàn tỉnh.
Ông Ngô Văn Hợi, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết: Từ năm học 1991-1992 trở về trước, Quảng Ninh được thi đề dành riêng cho miền núi và trong bảng B, các tỉnh miền múi, thường được ở hàng đầu về số giải thi học sinh giỏi. Từ năm 1992-1993, tỉnh chuyển lên thi ở bảng A, cùng với các thành phố lớn và các tỉnh đồng bằng, tuy vậy số giải mỗi năm cũng ngày một tăng. Riêng năm học 1997-1998, Quảng Ninh lần đầu tiên có học sinh tham gia thi Olympic quốc tế, đứng đầu đội tuyển quốc gia môn Hóa học và đoạt Huy chương Bạc môn Hóa học (tại Australia).
Hơn chục năm trở lại đây, trên cơ sở mở rộng các chính sách hỗ trợ của Trung ương, Quảng Ninh đã ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ giáo dục - đào tạo từ bậc mầm non đến đại học, tạo động lực cho thi đua học tốt, dạy tốt, bảo đảm thực hiện thắng lợi sự nghiệp “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.
Một trong những chính sách được coi là tạo làn gió mới, động lực mới trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế của Quảng Ninh chính là tăng mức thưởng cao nhất cho học sinh giỏi quốc gia lên 50 triệu đồng; học sinh giỏi quốc tế 700 triệu đồng, cao nhất cả nước. Giáo viên hoặc nhóm giáo viên trực tiếp giảng dạy, ôn luyện, tập huấn, hướng dẫn, bảo trợ học sinh đoạt giải được thưởng bằng 50% tiền thưởng cho học sinh đoạt giải.
Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu cả nước hỗ trợ 100% học phí cho học sinh, trẻ mầm non ở các trường phổ thông công lập và ngoài công lập trong 2 năm học liên tiếp vừa qua nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; đồng thời trợ cấp đối với trẻ em đang học mầm non dân lập, tư thục, là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.
Tỉnh luôn kiên trì thực hiện các quan điểm phát triển giáo dục đào tạo là phương diện quan trọng trong mục tiêu nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân, bảo đảm hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần theo các tiêu chí của “hạnh phúc”. Đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo phải được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; là nền tảng cho sự phát triển bền vững, lâu dài; tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng còn nhiều khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nơi tập trung đông công nhân, lao động, KCN và các đối tượng chính sách. Theo thống kê từ năm 2016 đến nay, chi thường xuyên cho ngành giáo dục năm sau cao hơn năm trước với tổng mức chi 26.195 tỷ đồng. Trong đó, năm 2022 là 4.752 tỷ đồng.
Với sự đổi mới không ngừng, sự quan tâm của tỉnh, sự phấn đấu, quyết tâm của toàn ngành, hiện nay, chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của tỉnh đã có nhiều bứt phá mạnh mẽ, phản ánh sự chuyển biến tích cực về chất lượng dạy và học so với nhiều năm trước. Kết quả phổ cập giáo dục - xóa mù chữ được duy trì, giữ vững và nâng cao. Quảng Ninh đã được công nhận đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Năm 2023, điểm trung bình bài thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của tỉnh là 5,50, cao hơn năm 2022 là 0,64 điểm. Kỳ thi này có 110 thí sinh đạt điểm 10, tăng 29 em so với năm trước. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, toàn tỉnh có 67.943 thí sinh đạt điểm từ trung bình trở lên, đạt tỷ lệ 76,54% tổng số thí sinh dự thi. Điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT toàn tỉnh là 6,23, xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố trong nước. Trong đó điểm trung bình nhóm công lập là 6,68; tự thục là 5,85, GDTX là 4,88. Tỷ lệ tốt nghiệp năm 2023 là 97,7%, cao hơn năm 2022 là 0,1%.
Có thể thấy, GD&ĐT Quảng Ninh hôm nay đã thực sự đổi khác về mọi mặt, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Các thế hệ học sinh đã và đang góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng Quảng Ninh xứng đáng là một khu vực kinh tế tăng trưởng nhanh của đất nước. Đội ngũ nhà giáo của tỉnh đã không ngừng trưởng thành về mọi mặt, đảm nhiệm được sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ cho tỉnh. Sự quan tâm của tỉnh chắc chắn sẽ tiếp thêm động lực để toàn ngành gặt hái nhiều trái ngọt hơn nữa, hoàn thành sứ mệnh trồng người vẻ vang, thực hiện mục tiêu phấn đấu chậm nhất đến năm 2030 đưa Quảng Ninh nằm trong nhóm 15 tỉnh thành phố dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển giáo dục, đào tạo.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()