Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 07:16 (GMT +7)
Giao mùa, trẻ nhập viện gia tăng
Thứ 6, 21/10/2022 | 08:03:27 [GMT +7] A A
Thời tiết miền Bắc đang bước vào thời điểm giao mùa thu - đông. Do thời tiết, nhiệt độ trong ngày thay đổi thất thường lúc nắng, lúc mưa, rét, ẩm thấp là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn, vi rút gây bệnh sinh sôi, phát triển mạnh. Chính vì vậy, thời điểm này số ca mắc các bệnh thời điểm giao mùa thường tăng cao, nhất là trẻ em, người già, người có hệ miễn dịch kém. Đặc biệt trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh nhất bởi hệ miễn dịch của trẻ vốn còn non yếu, chưa kịp thích nghi với sự thay đổi, cộng thêm sự xâm nhập, tấn công của các tác nhân gây bệnh khiến trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp cùng nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.
Thời gian gần đây, số bệnh nhi mắc các bệnh giao mùa tăng đột biến với các bệnh phổ biến như: Bệnh cảm cúm, sốt xuất huyết, viêm tai, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, tay chân miệng, viêm da dị ứng, sởi, viêm não Nhật Bản, hen suyễn, nhiễm trùng hô hấp, quai bị, sốt phát ban, tiêu chảy… Đặc biệt là số bệnh nhi mắc viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm tai - mũi - hỏng… có chiều hướng gia tăng.
Tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đều ghi nhận số trẻ đến khám, điều trị liên quan đến các bệnh thời điểm giao mùa tăng cao. Trẻ mắc bệnh đa phần ở độ tuổi nhỏ, sức đề kháng kém, đã có nhiều ca gặp biến chứng nặng do trẻ được gia đình tự chữa trị ở nhà, sau đó đưa đến bệnh viện khi bệnh đã ở tình trạng trở nặng.
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu phụ huynh thấy trẻ có dấu hiệu hắt hơi sổ mũi thông thường, thể trạng tốt, ăn ngủ được và có đáp ứng với thuốc hạ sốt khi trẻ bị sốt thì phụ huynh cho trẻ theo dõi ở nhà. Còn trong trường hợp trẻ sốt mà không đáp ứng với thuốc hạ sốt, sốt quá 48 tiếng, có biểu hiện ho tăng dần, ăn kém, khó thở, thở nhanh, lõm lồng ngực thì phải đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế.
Thời điểm hiện tại trẻ nhập viện chủ yếu do sốt vi rút, nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm phổi… Trẻ đi học tiếp xúc nhiều, đặc biệt tiếp xúc nguồn lây bệnh dẫn đến tỷ lệ mắc gia tăng. Cùng với đó do gần 2 năm qua ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên việc tiêm chủng bị gián đoạn, tỷ lệ tiêm chủng giảm, dẫn đến việc trẻ dễ mắc bệnh.
Để phòng ngừa bệnh giao mùa ở trẻ, ngành Y tế khuyến cáo các phụ huynh cần thực hiện tiêm chủng phòng ngừa bệnh đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, bởi tiêm chủng là cách hiệu quả để phòng bệnh cho trẻ; gia đình nên bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ, ăn đa dạng thực phẩm, đảm bảo ăn chín uống sôi, đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, an toàn; giữ vệ sinh nhà ở và vệ sinh cá nhân cho trẻ; nên đưa trẻ đi khám sớm nếu có dấu hiệu bất thường; khuyến khích trẻ tăng cường tập thể dục để rèn luyện sức khỏe; khi trẻ có dấu hiệu bị bệnh, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để trẻ được thăm khám, chẩn đoán bệnh và điều trị theo đúng phương pháp.
Đối với trẻ sơ sinh cần giữ ấm cho trẻ; tắm cho bé bằng nước ấm, sau khi tắm phải nhanh chóng lau khô, ủ ấm cho bé; không để bé bị nhiễm lạnh; cho trẻ bú mẹ nhiều hơn để tăng cường sức đề kháng, chống nhiễm khuẩn hiệu quả; tăng cường vitamin D giúp nâng cao hệ thống miễn dịch; tiêm chủng đúng lịch để phòng cúm mùa và các bệnh truyền nhiễm khác.
Đặc biệt, các bác sĩ khuyến cáo gia đình tránh tự mua thuốc điều trị bệnh cho trẻ, nhất là tự ý sử dụng kháng sinh sẽ dẫn đến nhiều hệ quả xấu kháng thuốc sau này.
Để hạn chế thấp nhất trẻ mắc các bệnh thời điểm giao mùa thì việc phòng bệnh tại nhà là vô cùng quan trọng, trong đó gia đình nên vệ sinh thường xuyên đường hô hấp trên, vùng mũi, vùng họng nơi cửa ngõ vi khuẩn, virus bám đầu tiên. Đồng thời, tăng cường miễn dịch cho trẻ, ăn đủ vi chất, sinh hoạt khoa học, đi ngủ sớm, cách ly với trẻ có dấu hiệu bệnh truyền nhiễm.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()