Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:31 (GMT +7)
Giáo sư, Nghệ sĩ nhân dân Trần Bảng qua đời
Thứ 4, 19/07/2023 | 14:00:00 [GMT +7] A A
Nghệ sĩ Trần Lực đã thông tin về bố ông - giáo sư, nghệ sĩ nhân dân Trần Bảng vừa qua đời sáng nay (19/7) vì tuổi cao, bệnh trọng.
Chia sẻ với PV từ Bệnh viện Quân đội 108, nghệ sĩ Trần Lực cho biết bố ông đã qua đời vào 6h sáng nay, 19/7.
Vài ngày trước ông Trần Bảng bị ngã, phải vào viện phẫu thuật. Đạo diễn Trần Lực đã báo tin mừng về ca phẫu thuật thành công. Nhưng sau đó bố ông lại bị viêm phổi nặng và đã qua đời vì căn bệnh này.
Trần Bảng: Người làm sống lại chèo cổ trong sân khấu hiện đại
Ông Trần Bảng là đạo diễn, soạn giả và nhà nghiên cứu chèo. Ông được nhận Giải thưởng Nhà nước đợt 2 (2001) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật đợt 5 (2017).
Ông sinh năm 1926, quê ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, là con trai nhà văn Trần Tiêu và cháu gọi nhà văn Khái Hưng là bác ruột.
Ngay từ nhỏ ông đã say mê văn chương, kịch nghệ nước ngoài. Ông đọc được sách Hán Nôm, thông thạo tiếng Pháp và biết tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nga.
Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1951, ông tham gia Đoàn Văn công Trung ương, cùng tổ kịch với Thế Lữ, Song Kim, Nguyễn Hoài... Ở đây, ông bắt đầu đến với nghệ thuật chèo.
Năm 1957, ông và Bùi Đức Hạnh, Hoàng Kiều, Hà Văn Cầu, Hồ Ngọc Cẩn cùng các nghệ nhân Trùm Thịnh, Cả Tam, Lý Mầm, Năm Ngũ thành lập Ban nghiên cứu chèo. Ở đây ông đã khai thác, bảo tồn các vở chèo cổ, lưu giữ các lớp trò của các nghệ nhân.
Từ những nghiên cứu đó, ông đã cải biên, xây dựng lại nhiều vở chèo cổ như Quan Âm Thị Kính, Súy Vân (từ vở Kim Nham), Nàng Thiệt Thê (từ vở Chu Mãi Thần)... Riêng với vở Quan Âm Thị Kính đã được ông dàn dựng lại 3 lần (1956, 1968, 1985).
Có thể nói, ông đã đóng góp đáng kể trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo cổ, đưa chèo cổ sống lại trên sân khấu chèo hiện đại. Ngoài ra, ông còn dàn dựng nhiều vở chèo hiện đại như Lọ nước thần, Tình rừng, Cờ giải phóng, Đường đi đôi ngả, Máu chúng ta đã chảy...
Ngoài công việc đạo diễn, ông còn viết nhiều kịch bản chèo, như: Con trâu hai nhà, Đường đi đôi ngả, Cô gái và anh đô vật, Tình rừng, Chuyện tình 80 năm, Máu chúng ta đã chảy...
Ông còn viết một số cuốn sách nghiên cứu về chèo như Khái luận về chèo, Kỹ thuật biểu diễn chèo, Chèo - Một hiện tượng sân khấu dân tộc...
Ông từng giữ chức giám đốc Nhà hát Chèo trung ương, vụ trưởng Vụ Nghệ thuật sân khấu, Bộ Văn hóa - Thông tin, phó tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khóa I (1957).
Ông còn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Trần Lực tiếp bước cha làm sân khấu
Ông kết hôn với NSƯT Trần Thị Xuân, cũng là một diễn viên chèo. Hai người con của ông là diễn viên, đạo diễn Trần Lực và họa sĩ, kiến trúc sư Trần Thị Mây. Trần Lực sau khi tỏa sáng với vai trò là diễn viên thì nối tiếp cha mình với sự nghiệp của một đạo diễn sân khấu. Nếu như bố có công phục dựng các vở chèo cổ đưa nó vào sân khấu hiện đại thì Trần Lực lại khám phá một con đường mới mẻ của kịch biểu hiện, kết hợp giữa những kịch nghệ phương Tây với sân khấu kịch truyền thống của Việt Nam. |
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()