Tất cả chuyên mục

Giáo sư, tiến sĩ triết học Thái Kim Lan sinh ra và lớn lên tại Huế. Bà sang Đức từ năm 1965, học khoa triết và bảo vệ luận án tiến sĩ triết học tại Đại học Ludwig-Maximilian, Munich. Tiến sĩ Thái Kim Lan là tác giả của nhiều tiểu luận về triết học, tôn giáo và nhiều bài ký sự, tuỳ bút như: Đốt lò hương ấy, Thư gửi con v.v.. Trong chuyến thăm non thiêng Yên Tử gần đây, đồng hành cùng giáo sư, tiến sĩ Thái Kim Lan, tôi có dịp trò chuyện với bà về những góc nhìn lịch sử, văn hoá, triết học xung quanh Phật hoàng Trần Nhân Tông và phái thiền Trúc Lâm. Từ chân núi lên chùa Đồng, cho dù vào tuổi 70, nữ giáo sư vẫn bước thoăn thoắt qua những bậc đá như không cảm giác mệt mỏi. Sau mới biết, không chỉ là nhà nghiên cứu triết học, giáo sư, tiến sĩ Thái Kim Lan còn là người có thâm niên luyện tập yoga. Bà nói rằng, yoga đem lại sức khoẻ và sự dẻo dai cần thiết. Và câu chuyện - những kiến giải nhìn từ triết học, tư tưởng của giáo sư, những chuyện cách đây gần nghìn năm cứ ngỡ như chuyện của thế hệ hôm nay.
![]() |
Giáo sư, tiến sĩ triết học Thái Kim Lan trước lối vào tháp Huệ Quang thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ảnh: Nguyễn Văn Học |
- Chúng ta đang ngồi dưới chân núi Yên Tử. Mẫu hình thi sĩ - hoàng đế - nhà tu hành được nhiều nhà nghiên cứu trong nước nói để mệnh danh cho Trần Nhân Tông. Đứng ở góc độ triết học, theo giáo sư, di sản để lại của mẫu hình này là gì và ngày nay chúng ta học được gì từ những giá trị Hoàng đế Trần Nhân Tông đã để lại?
+ Di sản của Phật hoàng Trần Nhân Tông để lại rất lớn, không những về mặt tư tưởng mà cả về mặt dân tộc, về mặt tư tưởng có thể nói là toàn cầu hoá nữa. Tại vì cả 3 điểm liên hệ với nhau.
Về mặt tư tưởng, ngài Trần Nhân Tông đã sáng lập ra được một Phật giáo Việt Nam. Ngài đã ứng dụng được lý thuyết đạo Phật một cách linh hoạt và sáng tạo để tạo nên một nếp sống văn minh của người Việt Nam ở thời Trần. Nếp sống văn minh ấy theo tôi nghĩ nó được triển khai và trở thành tiêu biểu cho nếp sống văn minh (mặc dù chúng ta hiện đại so với thế kỷ 13 thì chúng ta tiến xa rất nhiều nhưng về mặt tinh thần).
Về mặt đạo lý, về mặt mỹ quan của con người Việt Nam thì Trần Nhân Tông là một ví dụ điển hình cho chúng ta. Nếp sống của ông đơn giản, bình dị, mặc dù ông là đấng quân vương nhưng ông luôn luôn nghĩ đến người khác, ông thực hiện nhân ái, thực hiện trí tuệ và kêu gọi nếp sống đạo đức. Đó là điều rất cần thiết cho ngày hôm nay.
Về quan điểm của một nhà chính trị lỗi lạc thì ông là người hơn ai hết ý thực được về nền độc lập của đất nước Việt Nam. Và ông là người giữ gìn và có được tài thao lược cũng như cai trị. Ông đã bình định và làm cho nước Việt Nam trong thời đó sống trong hoà bình, sống trong nếp sống văn minh đạo lý, xứng đáng để làm người, trở thành một con người tiến bộ và văn minh.
Về vấn đề toàn cầu hoá, Trần Nhân Tông nếu xét trên quan điểm thế giới, nếu chúng ta có một nội trị hoà bình và một nội lực văn minh thì nội lực này sẽ kết hợp được với toàn cầu mà không mất tính bản địa của mình. Đó là cái mà Trần Nhân Tông ở Yên Tử hiện nay đang kêu gọi chúng ta làm thế nào để vẫn giữ bản sắc của mình và đồng thời tiến đến hợp với bước tiến của nhân loại, của toàn cầu. Và mỗi người Việt chúng ta phải ý thức về chuyện là mặc dù chúng ta sống với tư cách cá nhân trong một nước nhưng đồng thời mình có trách nhiệm hoà bình đối với thế giới, đối với người bên cạnh và đối với môi trường môi sinh. Đó là ý niệm rất hiện đại. Hiện đại ở chỗ với tinh thần của đạo Phật, tôn trọng đời sống của muôn loài muôn vật, có nghĩa là môi sinh môi trường xung quanh chúng ta, chúng ta phải bồi đắp để có thể sống chung với nhau. Ý niệm đó ngày hôm nay là một ý niệm cần thiết nhất cho cuộc sống chung của nhân loại, tại vì trái đất càng ngày càng chật (cười).
![]() |
Chùa Đồng - điểm đến hấp dẫn của mỗi du khách khi tới Yên Tử. Ảnh: Trần Minh |
Nhà triết học cổ điển Đức Immanuel Kant (1724-1804) rất gần đạo Phật ở điểm, ông nói thượng đế không phải là người ban phát hoà bình nhưng chính con người và nhu cầu cùng sống chung của con người là nguyên do làm sao con người cảm thấy/tự thấy là mình phải hoà bình, phải sống chung với nhau mà không thành thù địch, không tạo nên chiến tranh. Đó là điểm Kant và đạo Phật gần nhau. Tại vì đạo Phật nói đạo không cần theo ngài để thực hiện hoà bình mà con người phải tự giác để thực hiện hoà bình
- Các nhà nghiên cứu lịch sử đã đưa ra nhiều câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao Hoàng đế Trần Nhân Tông lại cởi bỏ long bào đi tu?. Ở góc độ triết học, theo giáo sư nguyên nhân vì sao?
+ Theo tôi, Trần Nhân Tông là người đã quán triệt lý thuyết của đạo Phật và ông đã tu tập, thấy được ý nghĩa của cuộc đời và giá trị của cuộc đời nằm ở đâu. Như ông đã nói “Yêu tính sáng hơn yêu châu báu/ Trọng lòng rồi mới trọng hoàng kim”. Nghĩa là cái vật chất đi sau tinh thần của con người. Cái tâm của con người phải là cái tâm điểm của việc xây dựng đời sống con người có ý nghĩa. Bởi vậy, thành thử một con người như Trần Nhân Tông không thể bó buộc trong ngai vàng, cung vàng điện ngọc được mà ông phải là người ở trong vũ trụ. Thế nên tính cách của Trần Nhân Tông là từ lĩnh hội được triết lý thâm sâu của đạo Phật và ông là người thực hành được cái đó. Có nhiều người chỉ đọc lý thuyết thôi mà không thực hành nhưng Trần Nhân Tông đã phối hợp được cả TRI và HÀNH vào trong con người hành động của ông. Thành thử, tại sao Trần Nhân Tông được công nhận như một vĩ nhân của thế giới là một điều đáng làm. Bởi vì, ông là một nhân vật mà trên thế giới hiếm có và ít có. Ngoại trừ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người đã dành 40 năm xông pha thuyết giảng cho nhân loại về lý thuyết Cứu khổ của mình thì Trần Nhân Tông là người đã thực hiện được rốt ráo tinh thần đó ở trong quyền lực thì rất chỉn chu và ở trong một thiền sư thì rất thong dong tự tại.
- Thưa giáo sư, trong các bài viết của mình, bà thường nhắc đến câu “Mình ngồi thành thị, nết dụng sơn lâm” trong tác phẩm “Cư trần lạc đạo phú” của Phật hoàng Trần Nhân Tông, và coi đó là một khái niệm về không gian rất khác của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Xin bà nói rõ hơn về điều này?
![]() |
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trong tháp Huệ Quang. Ảnh: Trần Minh |
+ Khái niệm không gian của Trần Nhân Tông có thể khác với khái niệm không gian của những người cùng thời. Vì với họ không gian ấy là một vùng. Nết dụng sơn lâm là tinh thần toả rộng cả núi rừng, bốn phương. Đấy là một tinh thần thiền học đời Trần rất tiêu biểu. Tại vì tính đại đồng nhất thể, rộng mở khoáng đạt, vươn lên khỏi không gian trần tục, thế giới giải thoát hội nhập, không gian giới hạn. Mang tính thiền học ở chỗ làm thế nào thể hiện được tính nhất quán, nhất thể chứ không phải nhị nguyên, nghĩa là con người phải là cái giác ngộ, trải nghiệm về thể tính của mình. Nó là cái giác ngộ nối liền giữa cái tôi, cái vô ngã của mình và cái đại ngã của vũ trụ. Đó là ý niệm đại thừa thiền học trong đời Trần và họ phát triển rất xa.
Ngài Trần Nhân Tông quan niệm một khái niệm về không gian có tính cách vũ trụ quan chứ không chỉ giới hạn trong nơi con người sinh sống. Thành thử khi đặt vấn đề người thành thị, cái thân ở thành thị nhưng mà cái tâm của mình ở chốn sơn lâm, thì đó là một sự kết nối rất tuyệt vời. Và chỉ có Ngài Trần Nhân Tông mới có được trong quan điểm này bởi những người ở thành thị thường chủ trương mình phải cai trị, phải phát triển ở thành thị và không để ý đến cái tinh thần tĩnh toạ, tĩnh lặng ở trong cái động. Trần Nhân Tông ở trong không gian vừa tĩnh vừa động đó, ngài phối hợp được 2 điểm mà con người cần có là vừa tĩnh, vừa động. Nếu động không thì con người sẽ loạn, nếu tĩnh không con người sẽ vô dụng. Bởi vậy, Trần Nhân Tông rất hay ở chỗ ngài tổng hợp được cái nhìn nhất quán về con người, về không gian sống của con người. Và ý niệm này lan rộng ra về vấn đề môi trường, môi sinh mà con người sống không chỉ ở trong nhà mà còn ở xung quanh chúng ta.
- Xin cảm ơn giáo sư về cuộc trò chuyện này.
Nguyễn Văn Học (CTV)
Ý kiến (0)