Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 21:22 (GMT +7)
Giao thoa văn hóa miền núi và biển đảo ở Quảng Ninh
Chủ nhật, 11/12/2022 | 07:30:00 [GMT +7] A A
Trong quá trình phát triển, văn hóa biển và văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi đã có sự giao thoa, tiếp biến ảnh hưởng lẫn nhau làm giàu bản sắc văn hóa Quảng Ninh.
Văn hóa biển đảo của Quảng Ninh là tập hợp các phong tục tập quán, lối sống, kho tàng tri thức dân gian, thực hành tín ngưỡng được hình thành từ nhu cầu phải thích ứng với điều kiện tự nhiên đặc thù khai thác nguồn lợi từ biển khơi tham gia giữ vững chủ quyền biển đảo. Còn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Ninh thể hiện rất rõ trong các sinh hoạt cộng đồng, ngôn ngữ, lối sống, phong tục tập quán mang đậm dấu ấn của dân cư vùng núi gắn bó suốt cuộc đời từ thế hệ này qua thế hệ khác bám rễ với núi rừng.
Theo Thạc sĩ Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa Bình Liêu, có một luận điểm rất hay mà các nhà nghiên cứu văn hóa cần quan tâm đó là sự giao thoa văn hóa miền biển và miền núi Quảng Ninh. Có thể kể đến sự di cư của nhóm người Tày từ Bình Liêu xuống ven biển Đầm Hà làm ăn sinh sống; việc kết hôn giữa người miền núi và người miền biển; việc giao lưu kinh tế vùng miền giữa đồng bào dân tộc miền núi với cư dân ven biển. Cá nhân tôi cho rằng, đây cũng là đề tài cần được nghiên cứu sâu hơn và rõ hơn.
Chuyện Đức ông Hoàng Cần quê ở miền biển nhưng hành trạng và chiến công lại ở miền núi. Đức ông Hoàng Cần được cho là có quê hương ở xã ven biển Hải Lạng (Tiên Yên), có công dẹp giặc giữ yên vùng đất biên cương của Tổ quốc. Ông được triều đình nhà Nguyễn và nhà Trần sắc phong, nhân dân địa phương gọi là Đại Vương được thờ cúng cả ở khu vực đồng bào dân tộc Bình Liêu. Bà Phan Thúy Vân, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, Bảo tàng Quảng Ninh, cho biết: Từ góc nhìn tín ngưỡng tâm linh cho thấy tất cả các làng biển và ven biển Quảng Ninh từ Quảng Yên cho đến Móng Cái đa phần đều thờ các vị thần biển. Những lễ hội miền biển luôn gắn liền với các nghi lễ thả thuyền rồng và hội thi bơi chải.
Lễ hội Bàn Vương ở huyện miền núi Ba Chẽ cũng có hội bơi thuyền tái hiện hành trình vượt biển (khảm hải) của tổ tiên người Dao. Theo truyền thuyết, người Dao ở Ba Chẽ có 12 họ và cùng di cư đến các vùng đất mới để tìm cuộc sống bình yên, ấm no và hạnh phúc. Trong lễ hội tái hiện lại hành trình “Vượt biển” của 12 dòng họ trên 12 con thuyền đến vùng đất mới để lập nghiệp; dâng các lễ vật, cây đặc sản lên cúng ông tổ Bàn Vương tại miếu Bàn Vương và một số nghi lễ tiêu biểu của dân tộc Dao. Ban Tổ chức lễ hội Bàn Vương dùng 19 con thuyền, trong đó có 12 thuyền rước tượng trưng cho 12 dòng họ người Dao.
Ở Ba Chẽ, miếu Ông và miếu Bà tạo thành một quần thể di tích thể hiện tín ngưỡng thờ cúng dân gian hòa hợp. Thực chất, đây không phải là một cặp hình tượng cha - mẹ như mọi người lầm tưởng mà là sự phối thờ giữa một nhân thần vùng sông nước và một thiên thần của rừng xanh. Theo các tài liệu nghiên cứu được lưu giữ, miếu Ông thờ Đức thánh phù Trần tả tướng quân Lê Bá Đức, người có công lớn trong việc cùng quân và dân nhà Trần đánh giặc Nguyên - Mông ở thế kỷ XIII.
Vào tháng 2/1285, trong cuộc hành quân chiến lược để tạo thế và lực chống quân Nguyên - Mông, Thượng Hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông và Trần Quốc Tuấn đã đi qua sông Ba Chẽ. Đi cùng hộ giá có tướng quân Lê Bá Đức. Ông đã cho hai vua Trần rời thuyền đi bộ đến Thủy Chú để tiếp tục hành trình vào Thanh Hóa. Trong một lần đánh nhau giáp lá cà với quân giặc, Lê Bá Đức đã hy sinh. Cảm phục trước tấm lòng hy sinh vì nước, vì dân, nhân dân địa phương đã xây một ngôi miếu để thờ ông và phong là Thành hoàng làng.
Đối diện với miếu Ông, bên kia bờ sông là miếu Bà là nơi thờ Mẫu Thượng ngàn (tức Bà chúa của rừng xanh). Theo truyền thuyết, Mẫu là con gái của Sơn Tinh và công chúa Mỵ Nương (con gái Vua Hùng thứ 18), có công dạy người dân miền núi cách trồng cây ăn quả, trồng lúa nương, đắp ruộng bậc thang, dựng nhà cửa, hái cây thuốc chữa bệnh…
Còn một câu chuyện minh chứng cho sự giao lưu văn hóa vùng miền đó là sự tích cây đàn tính hai dây ở Quảng Ninh. Truyền thuyết lý giải lý do cây đàn tính ở Quảng Ninh chỉ có 2 dây thay vì 3 dây như ở vùng khác. Đó là vì người Tày Quảng Ninh đã thương người Kinh anh em không có nhạc cụ mới bứt ra một dây tặng cho người Kinh dưới xuôi để dùng làm đàn bầu. Truyền thuyết này không chỉ thể hiện sự giao lưu văn hóa, mà còn là mối tính gắn bó keo sơn giữa các dân tộc Quảng Ninh.
Huỳnh Đăng
- Đàn đáy và di sản hát nhà tơ, hát múa cửa đình
- Không xét mật độ dân số để hình thành đô thị tại nơi có di sản văn hóa vật thể
- Quảng Ninh tham gia đón nhận Bằng ghi danh hát then là di sản văn hóa đại diện của nhân loại
- Thực hành Then được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
- Kết nối các di sản văn hóa để phát triển du lịch
Liên kết website
Ý kiến ()