Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 00:42 (GMT +7)
Giật mình khi nghe chuyện nhảy cầu Bãi Cháy
Chủ nhật, 08/07/2012 | 05:39:31 [GMT +7] A A
Nhảy cầu Bãi Cháy tự tử, cách đây mấy năm còn là “tin hot” trên các tờ báo mạng, nhưng nay xem ra cũng nhàm rồi. Cứ độ mấy tháng lại thấy có tin một cô gái nào đó, hoặc một chàng trai nào đó, lên cầu Bãi Cháy tự tử, thành ra người nghe cũng chỉ chép miệng, lắc đầu, không cảm thấy bị “sốc” như hồi mới đầu nữa…
Nhưng vụ nhảy cầu Bãi Cháy hôm 29-6 vừa qua thì khác; nó khiến tôi giật mình… Giật mình vì bọn trẻ bây giờ sao dễ coi thường mạng sống của mình đến thế (cứ động gặp đau khổ, thất bại hay chán chường, bực bội cái gì đó là tìm đến cái chết), đã đành, mà còn vì một lý do khác...
Không giống mấy vụ nhảy cầu trước, người thanh niên nhảy cầu để tự tử hôm 29-6 đã tự treo mình trên sợi dây suốt hơn 1 giờ đồng hồ (chính xác là 1 giờ 9 phút) trước khi quyên sinh, với sự chứng kiến của không biết bao nhiêu người đứng xem đông nghịt trên cầu. Thậm chí ai đó còn quay cả một video clip ghi lại toàn bộ diễn biến sự việc rồi tung lên mạng… Xem clip này, và nhất là nghe những lời bình luận của “khán giả” trong đó (chẳng hạn như: “-Nhảy thì nhảy mẹ đi!”; hoặc: “Chuẩn bị xem kìa, nó sắp nhảy rồi đấy!” v.v..), người không biết lại nghĩ là cảnh một “trò chơi mạo hiểm”… Bởi làm sao mà con người ta có thể thản nhiên, vô cảm trước cái chết của đồng loại như vậy? Có chăng nó chỉ có ở thời mông muội, chứ làm sao lại diễn ra trong thời đại ngày nay, tại một thành phố văn minh như TP Hạ Long?
Nhưng ừ, thì thôi, xã hội vẫn có người thế này, người thế khác và những lời bình luận vô cảm trong clip kia chỉ là thiểu số... Điều khiến ta giật mình hơn là chuyện cứu hộ của những cơ quan sinh ra để làm công việc này! Một anh bạn phóng viên chứng kiến sự việc diễn ra hôm ấy kể cho hay, ngoài số đông những người hiếu kỳ, anh thấy cũng có một số cán bộ, chiến sĩ thuộc Công an thành phố, cảnh sát giao thông v.v.. có mặt; nhưng chủ yếu là để dẹp trật tự giao thông là chính, chỉ vài, ba người đứng trên cầu ngó xuống làm công việc “thuyết phục, vận động” đối tượng hồi tâm, chuyển ý… (Riêng cảnh sát 113 thì mãi đến khi sự việc sắp kết thúc mới xuất hiện). Còn tuyệt không có bóng dáng ai mặc đồng phục nhân viên cứu hộ cứu nạn có mặt tại hiện trường. Thậm chí như anh bạn phóng viên nọ cho biết, có lúc “đối tượng” chỉ cách mép cầu chưa đầy một mét, nếu có một nhân viên cứu hộ có chuyên môn nghiệp vụ, có phương tiện cứu hộ mang theo v.v.. chắc chắn là có thể “lôi” anh ta lên được…
Cũng có người biện mình, rằng trong hoàn cảnh cụ thể ấy, để cứu người thanh niên dại dột kia là không dễ. Nhưng theo tôi, vấn đề nằm ở chỗ các cơ quan chức năng có thực sự coi việc phải cứu hộ là trách nhiệm hay không? Có tìm mọi cách để cứu người hay không? Nếu như đã tìm mọi cách rồi mà không thể thì lại là chuyện khác, đằng này…
Lại nhớ chuyện anh bạn có lần kể về một… con mèo của một cháu bé gái bị mắc kẹt trên lầu cao ở một thành phố tận bên nước Mỹ xa xôi và lực lượng cứu hộ đã phải vất vả như thế nào mới cứu được nó… Nghĩ mà buồn!
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()