Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 09:42 (GMT +7)
Gìn giữ, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc - Bài 2: Những “sứ giả thầm lặng”
Thứ 6, 07/01/2022 | 14:20:02 [GMT +7] A A
Không chỉ đam mê nghiên cứu, khám phá, phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống đang có nguy cơ mai một, ngày càng có nhiều bạn trẻ dù đang sinh sống, học tập ở nước ngoài nhưng vẫn tâm huyết, triển khai những ý tưởng, dự án, hoặc việc làm nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt với bạn bè các nước. Có thể coi đó là những nhịp cầu góp phần đưa văn hóa Việt không ngừng đi xa, ghi dấu ấn tốt đẹp trong cộng đồng quốc tế.
Tháng 5/2020 tại Australia, “Dệt nên triều đại”-cuốn sách song ngữ Anh-Việt đầu tiên khái quát về cổ phục Việt thời Lê sơ, đã ra mắt độc giả. Cuốn sách được nhóm Vietnam Centre (Trung tâm Việt Nam-VNC) thực hiện-một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động độc lập, do ba bạn trẻ người Việt sống tại Australia là Nguyễn Ngọc Phương Đông, Nguyễn Anh Vũ, Lê Ngọc Linh thành lập tháng 3/2017. Trước khi cuốn sách ra mắt, nhóm VNC đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá văn hóa Việt như triển lãm, trình diễn trang phục cung đình của Đại Việt thời đầu Lê sơ (1437-1471), tọa đàm, chiếu phim, hòa nhạc...
Tuy tuổi đời còn rất trẻ, nhưng các thành viên trong nhóm đều đam mê nghiên cứu và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống giàu bản sắc và bề dày lịch sử dân tộc. Nhận thấy tài sản văn hóa của đất nước không thua kém bất cứ cường quốc văn hóa nào trên thế giới, nhóm đã lên kế hoạch triển khai hoạt động giới thiệu, quảng bá với bạn bè quốc tế. Lê Ngọc Linh-một trong các thành viên sáng lập VNC, chia sẻ: “Khi còn ở Việt Nam, tôi không ý thức được rằng văn hóa bản địa rất quan trọng. Nhưng khi ra nước ngoài, tôi cảm nhận rất rõ khát khao hướng về cội nguồn. Chứng kiến cộng đồng người Hàn Quốc, Trung Quốc,... có những lễ hội, sự kiện văn hóa ý nghĩa, chúng tôi nảy ra ý tưởng truyền cảm hứng rộng hơn về văn hóa, lịch sử Việt Nam”.
Qua tác phẩm “Dệt nên triều đại”, nhóm mong muốn những bộ trang phục được tái hiện trong cuốn sách sẽ gợi mở, giới thiệu các dấu ấn văn hóa đặc sắc của từng thời kỳ lịch sử của đất nước song chưa được nhiều người biết đến. Tin vui là sau ba tháng ra mắt công chúng, “Dệt nên triều đại” đã được đưa vào hệ thống thư viện thuộc Đại học Quốc gia Australia như: Thư viện Menzies (chuyên về châu Á-Thái Bình Dương), Thư viện Nghệ thuật, Thư viện Luật, Thư viện Chifley, Thư viện Hancock… Nhờ vậy, cuốn sách sẽ có điều kiện tiếp cận ngày càng nhiều độc giả. Điều này càng khiến các bạn trẻ thêm tin tưởng niềm tin của nhóm với việc văn hóa chính là chìa khóa quan trọng giúp mở ra cánh cửa đến với bạn bè quốc tế. “Dệt nên triều đại” chỉ là một trong nhiều hoạt động VNC đã và tiếp tục thực hiện để góp phần quảng bá văn hóa, lịch sử của Việt Nam, như mục tiêu mà nhóm xác định: “tận dụng mọi cơ hội để quảng bá văn hóa Việt Nam ở bất cứ nơi nào chúng tôi đặt chân đến”.
Việc làm ý nghĩa của VNC là một trong rất nhiều hoạt động mà các bạn trẻ người Việt Nam hiện sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài đã và đang thực hiện, với cùng ước muốn “đưa Việt Nam đến với thế giới”. Vì đến nay, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, các giá trị văn hóa truyền thống giàu bản sắc của dân tộc vẫn chưa được nhiều bạn bè quốc tế biết đến, hoặc nếu biết đến cũng khá mơ hồ, thậm chí không ít người vẫn mặc định ấn tượng về một Việt Nam gắn với các cuộc chiến tranh liên miên. Để thay đổi cách nhìn phiến diện đó, bên cạnh vai trò không thể thiếu của Nhà nước, còn rất cần sự chung tay, vào cuộc của cả cộng đồng. Bởi mỗi người dân trong điều kiện và khả năng của mình, với trách nhiệm và lòng tự hào dân tộc đều có thể đóng góp một phần vào công cuộc bảo tồn, lưu giữ, phát triển văn hóa truyền thống của cha ông, lan tỏa những giá trị tốt đẹp ấy đến với thế giới. Và sự nhập cuộc của thế hệ trẻ trong công cuộc giữ gìn, phát huy, quảng bá văn hóa Việt là điều đáng mừng, góp phần làm cho dòng chảy văn hóa dân tộc luôn liền mạch và không ngừng phát triển.
Hiện nay, sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đã tạo ra điều kiện để giao lưu quốc tế có cơ hội được mở rộng, với thế mạnh về ngoại ngữ và khả năng nắm bắt, nhiều người trẻ chọn cách lập các trang YouTube với nội dung quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam có phụ đề tiếng Anh giúp bạn bè các nước dễ dàng tiếp cận, thưởng thức. Nhiều trang được thực hiện khá thành công, thực sự trở thành các “địa chỉ văn hóa” được người xem ở trong và ngoài nước quan tâm. Tiêu biểu trong đó có thể kể đến kênh YouTube Vuong Anh’s Cooking Journey của Nguyễn Khánh Vương Anh. Vương Anh sinh năm 1995, từng là du học sinh tại Mỹ và hiện là sinh viên học ngành ẩm thực tại Trường Le Cordon Bleu, Sydney (Australia).
Với niềm đam mê ẩm thực và du lịch, trên trang YouTube của mình, Vương Anh đã đưa người xem khám phá mọi vùng miền của đất nước với những góc tiếp cận gần gũi, dung dị. Cô đã có các chuyến đi để tự khám phá nét khác biệt về văn hóa, ẩm thực của từng vùng đất, từ đó tạo ra món ăn của riêng mình với nguyên liệu khai thác ngay tại địa phương, tạo hứng thú cho khán giả. Cô tâm sự: “hãy theo dõi hành trình nấu ăn của tôi để thấy thêm nhiều vẻ đẹp lạ thường của Việt Nam”, đồng thời ấp ủ ước vọng: “biết đâu, một ngày nào đó trong tương lai, tôi sẽ mở chuỗi nhà hàng món Việt ở nước ngoài để giới thiệu ẩm thực Việt Nam ra thế giới”.
Còn Minh Trang, một du học sinh ở nước Anh cũng thuộc thế hệ 9X, lại lập trang YouTube Olive’s Diary với hình thức như một cuốn cẩm nang du lịch. Các video clip về Việt Nam trong serie “A Journey Back Home” (Hành trình trở về nhà) được Minh Trang thực hiện một cách kỹ lưỡng, chỉn chu và tinh tế, không chỉ thể hiện được chiều sâu văn hóa đặc sắc của các vùng đất mà còn được thể hiện một cách giàu cảm xúc, với lối dẫn chuyện truyền cảm, thực sự đã chinh phục người xem dù ở bất cứ quốc gia nào. Hay Nguyễn Diệu Vân, cô gái quê Bắc Ninh, sinh năm 2002, đang du học tại Mỹ lại đau đáu với nguy cơ mai một của làng tranh dân gian Đông Hồ nên đã cùng một nhóm bạn đều thuộc thế hệ 2k2 lập nên fanpage Dong Ho folk paintings (Tranh dân gian Đông Hồ) với mong muốn khơi gợi sự quan tâm và tình yêu của giới trẻ với một dòng tranh đặc sắc của dân tộc.
Trên trang fanpage, nhóm thường xuyên đăng tải các bức tranh nổi tiếng cùng lời giới thiệu ngắn gọn, súc tích, giúp người xem hiểu được nét đặc sắc của từng tác phẩm, và chân dung những nghệ nhân còn lại của làng nghề. Diệu Vân và nhóm bạn còn tích cực triển khai dự án tổ chức chợ tranh tại làng tranh Đông Hồ, đồng thời mở rộng việc quảng bá về làng nghề trên YouTube, Instagram,... để tạo sự lan tỏa ngày càng sâu rộng trong cộng đồng. Ngay tại ngôi trường mình đang theo học tại Mỹ, Diệu Vân thường xuyên trao đổi, giới thiệu tranh Đông Hồ, tặng tranh cho thầy cô, bạn bè quốc tế trong những dịp đặc biệt.
Với nhiều việc làm ý nghĩa tham gia các hoạt động cộng đồng, tích cực quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, có thể nói các bạn trẻ đang thực hiện vai trò như những “sứ giả” văn hóa thầm lặng tại chính môi trường học tập, làm việc của mình. Bên cạnh hoạt động có tính chất cá nhân, các du học sinh người Việt còn tích cực tham gia các hoạt động do Đại sứ quán Việt Nam, Trung tâm văn hóa Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam,… ở các nước sở tại tổ chức. Như trong Lễ hội cộng đồng quốc tế-một hoạt động hằng năm do Hội đồng thành phố Bowling Green (tiểu bang Kentucky, Mỹ) tổ chức, quy tụ sự tham gia của đại diện đến từ nhiều nước trên thế giới, du học sinh Việt Nam thường xuyên góp mặt và có nhiều hoạt động quảng bá văn hóa dân tộc.
Thông qua chương trình biểu diễn văn nghệ, trao đổi văn hóa, lịch sử, giao lưu ẩm thực,… các sinh viên Việt Nam đã mang đến cho bạn bè quốc tế hình ảnh một Việt Nam thân thiện, giàu bản sắc văn hóa và đã nhận được sự quan tâm, thiện cảm của nhiều người. Hoặc gần đây, tháng 5/2021 tại thành phố Moscow (Nga), cùng với 50 đơn vị lưu học sinh quốc tế tham dự Lễ hội “Hành tinh Tây Nam” do Đại học tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga (RUDN) tổ chức, các lưu học sinh Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực để giới thiệu văn hóa, đất nước Việt Nam đến với người xem, đến đông đảo người dân sở tại. Từ các cuộc giao lưu văn hóa, không ít bạn bè quốc tế đã dành cho Việt Nam mối quan tâm đặc biệt.
Thực tế trên cho thấy sự vào cuộc với lòng đam mê, nhiệt huyết, ý thức trách nhiệm của những người trẻ sống xa Tổ quốc trong công cuộc quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc là rất đáng ghi nhận. Văn hóa, lịch sử dân tộc đã được trao truyền qua nhiều thế hệ, và đến hôm nay, những người trẻ với sự hiểu biết, khả năng sáng tạo, lòng đam mê, nhiệt huyết của mình tiếp tục có những cách làm mới mẻ, truyền cảm hứng đến cộng đồng, giúp văn hóa Việt không ngừng lan tỏa. Điều này cho thấy ý thức về việc bảo tồn, phát huy và tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc ra thế giới đang ngày càng được nâng cao trong thế hệ trẻ, từ đó góp phần xây dựng, củng cố lòng tự tôn dân tộc trước làn sóng hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ.
Thực tế này cũng đặt ra yêu cầu cần sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ, động viên, khích lệ hơn nữa của các hội, ban, ngành có liên quan. Để tiến hành có hiệu quả một chiến lược lâu dài, bài bản cấp quốc gia nhằm giữ gìn, phát triển, quảng bá văn hóa Việt Nam, bên cạnh vai trò của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, cá nhân thuộc nhiều thành phần, thì rất cần có sự nhập cuộc của những người trẻ. Vì không ai khác, họ chính là chủ nhân tương lai của đất nước, là những người tiếp tục lưu giữ, phát triển, quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()