Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 07/01/2025 00:42 (GMT +7)
Gìn giữ nét đẹp văn minh lễ chùa
Chủ nhật, 21/03/2021 | 07:02:22 [GMT +7] A A
Do những ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã 2 năm xuân đến không có các lễ hội diễn ra. Và khi không có những màn khai hội hoành tráng, thu hút hàng vạn du khách tham quan, các điểm thờ tự, các điểm di tích lịch sử văn hóa trở về sự bình yên, tĩnh lặng. Dưới những mái chùa an yên, người dân có khoảng không gian và thời gian để chiêm nghiệm về giá trị tinh thần Phật giáo, đồng thời cảm nhận rõ hơn nét đẹp văn hóa lễ chùa của dân tộc.
Không gian chùa Hoa Yên (Yên Tử) trở nên thoáng đạt, tĩnh mịch do lượng khách đến tham quan, chiêm bái khá ít do dịch Covid-19. |
Thời điểm trước khi khôi phục du lịch nội địa từ ngày 11/3/2021, ít du khách hành hương cũng như không có các hoạt động lễ hội, các điểm thờ tự, di tích trên địa bàn tỉnh đều khoác lên mình một khoảng lặng hiếm có. Đó cũng là dịp để mỗi người chiêm nghiệm sự bình an cho chính mình.
Chị Phạm Thanh Hải, phường Cẩm Trung (TP Cẩm Phả), đi du xuân Yên Tử cùng gia đình chia sẻ: Đến với di tích danh thắng Yên Tử dịp này không còn thấy cảnh người người đông đúc, xếp hàng dài chờ lễ bái như mọi năm, không gian từ chùa Hoa Yên lên chùa Đồng trở nên thoáng đạt hơn với không khí mát mẻ, dễ chịu. Vì vậy, chúng tôi dành thêm thời gian để vãn cảnh chùa, ngắm mai vàng Yên Tử bung nở, tìm hiểu thông tin về di tích thay vì chỉ tập trung vào việc lễ bái.
Trên thực tế, hiện nay, nhiều người dân, du khách đã quan tâm hơn đến việc tìm đọc, tìm hiểu trước thông tin về điểm đến, di tích, danh thắng để khi đến có được những trải nghiệm trọn vẹn, tích lũy thêm được những kiến thức bổ ích về văn hóa lịch sử thay vì đi lễ theo phong trào, lễ bái một cách xô bồ. Qua đó, cho thấy sự thay đổi về nhận thức, thái độ ứng xử văn hóa khi đi lễ chùa, lễ hội của cộng đồng đã từng bước được nâng lên.
Không gian thoáng đãng tạo điều kiện cho người dân, du khách có dịp dành thời gian tìm đọc thông tin văn hóa, lịch sử tại di tích - danh thắng Yên Tử. |
Bên cạnh việc đi lễ chùa, trước tâm lý còn e ngại dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều người lựa chọn tu tại gia. Thực tế, việc đến chốn linh thiêng thắp một nén nhang là nhu cầu thực hành tín ngưỡng của người Việt, khiến nhiều người cảm thấy thanh thản bình an trong lòng. Song Phật tại tâm, phúc từ tâm nên với không ít người không cần nhiều lễ bái hay cầu cúng, không tham gia nhiều hội hè, đức tin lòng thành được gửi gắm qua những hành động đẹp, việc tử tế, giúp người giúp đời đó là cách hành lễ giản dị mà ý nghĩa.
Bà Nguyễn Thị Nga, phường Cao Thắng (TP Hạ Long), cho biết: Đi chùa mong cầu bình an, nên việc mỗi cá nhân làm tốt các quy định về phòng, chống dịch bệnh cũng chính là mang lại sự bình an cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Do đó, bằng cách này hay cách khác, dù đi lễ chùa hay tu tại gia thì chỉ cần lòng hướng thiện thì tâm sẽ an.
Từ ngày 11/3/2021, nhờ việc kiểm soát tốt dịch Covid-19, giữ được địa bàn an toàn, tỉnh Quảng Ninh đã cho phép các hoạt động du lịch, khuyến khích đón khách du lịch từ các tỉnh trong cả nước (trừ khách du lịch đến từ những địa phương có dịch đang phải áp dụng các biện pháp phong tỏa, cách ly theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ).
Theo ghi nhận, tại các điểm thờ tự, di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh như di tích - danh thắng Yên Tử, đền Cửa Ông, chùa Cái Bầu, chùa Ba Vàng... lượng du khách đến tham quan, chiêm bái đã bắt đầu tăng trở lại, đặc biệt vào dịp cuối tuần. Các địa điểm đều thực hiện quy định phòng chống dịch, nguyên tắc 5K, giãn cách khi đón khách. Nhờ đó, sự quy củ, trật tự của người dân khi đi lễ dịp đầu xuân cũng được nâng lên rõ rệt.
Du khách tham quan đền Cửa Ông (Cẩm Phả) đều đeo khẩu trang để phòng dịch. |
Có thể thấy, những năm vừa qua, xã hội đã không ít lần lên án việc lễ hội, lễ chùa thiếu ý thức của một bộ phận người dân với những hình ảnh về ăn mặc phản cảm, không phù hợp với những điểm thờ tự, hành động chen lấn, xô đẩy khi hành lễ, thụ lộc, việc rải tiền lẻ vô tội vạ, một số hoạt động mê tín dị đoan.... Câu chuyện văn minh lễ hội, lễ chùa luôn là chủ đề được đưa ra bàn luận mỗi dịp đầu năm.
Tuy nhiên, năm nay, nếu không bàn đến những tác động tiêu cực của đại dịch thì đây có lẽ lại là khoảng lặng hợp lý để chúng ta cùng nhìn lại, xây dựng và gìn giữ văn minh lễ chùa, nét đẹp văn hóa tâm linh ngàn đời của dân tộc. Để từ đây, khi các hoạt động du lịch nói chung, du lịch tâm linh nói riêng được phép mở cửa trở lại, người dân và du khách sẽ tiếp tục duy trì được thói quen tốt, ý thức tốt, góp phần gìn giữ sự bình yên, thanh tịnh, uy nghiêm cho chốn linh thiêng, cũng như tự giác thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch an toàn.
Thực hành tín ngưỡng người Việt không chỉ bày tỏ đức tin vào điều tốt đẹp mà còn thể hiện lòng thành, biết ơn đối với các bậc cổ nhân, anh linh. Do đó, xây dựng và gìn giữ nét đẹp của văn hóa tâm linh, truyền thồng văn hóa mà bao đời ông cha vun đắp cũng là cách để mỗi người dân gửi gắm tình yêu và niềm tự hào về văn hóa, lịch sử đất nước.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()