Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 22:12 (GMT +7)
Giới chuyên gia khẳng định không cần thiết tiêm liều vaccine tăng cường
Thứ 3, 14/09/2021 | 19:14:12 [GMT +7] A A
Kết quả một nghiên cứu công bố trên tạp chí The Lancet ngày 13/9 cho thấy hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh nặng của các loại vaccine phòng COVID-19 hiện nay đủ để không cần phải tiêm mũi thứ ba.
Một số nước trên thế giới đã bắt đầu cung cấp liều vaccine COVID-19 tăng cường do lo ngại biến thể Delta lây lan nhanh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải lên tiếng kêu gọi các nước tiếp tục tạm ngừng triển khai tiêm liều tăng cường trong bối cảnh thiếu nghiêm trọng vaccine cung cấp cho các quốc gia nghèo hơn, nơi hàng triệu người vẫn chưa được tiêm chủng.
Nghiên cứu của các nhà khoa học, trong đó có cả các nhà khoa học của WHO, kết luận ngay cả khi biến thể Delta hoành hành, việc tiêm "phủ sóng" liều vaccine COVID-19 tăng cường hiện nay là “không thích hợp”. Sau khi xem xét các kết quả nghiên cứu công bố trước đó và dữ liệu thử nghiệm lâm sàng, các chuyên gia khẳng định các loại vaccine hiện nay vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn bệnh trở nặng, dù bệnh nhân nhiễm biến thể nào của virus SARS-CoV-2, kể cả biến thể Delta siêu lây nhiễm.
Trưởng nhóm nghiên cứu, bà Ana-Maria Henao-Restrepo, cho rằng vaccine ngừa COVID-19 nên được ưu tiên cho hàng triệu người dân ở nhiều nước nghèo trên thế giới hiện vẫn đang chờ được tiêm mũi đầu tiên. Bà nhấn mạnh nếu vaccine được tiêm ở những nơi mà nó có thể phát huy hiệu quả phòng bệnh tốt nhất, đại dịch COVID-19 có thể sẽ sớm kết thúc do vaccine ức chế sự phát triển của các biến thể. Nghiên cứu đăng trên The Lancet kết luận, các biến thể hiện nay của virus SARS-CoV-2 đã không tiến hóa đến mức đủ để thoát khỏi phản ứng miễn dịch mà các loại vaccine ngừa COVID-19 đang được lưu hành tạo ra.
WHO đã kêu gọi các nước tiếp tục hoãn tiêm liều tăng cường vaccine ngừa COVID-19 nhằm tạo điều kiện cho mọi quốc gia có đủ vaccine để tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số của mình. Theo thống kê của WHO, trên toàn cầu có 5,5 tỷ liều vaccine đã được sử dụng, nhưng 80% số này đã được tiêm ở các nước có thu nhập cao và trung bình cao. Mặc dù các quốc gia có thu nhập cao đã cam kết tặng hơn 1 tỷ liều, nhưng số liều vaccine được bàn giao chưa đến 15%.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhắc lại rằng liều thứ ba có thể cần thiết cho những nhóm dân số có nguy cơ cao nhất. Mục tiêu của WHO là tới cuối tháng này, mỗi nước trên thế giới có ít nhất 10% dân số được tiêm vaccine và con số này là 40% vào cuối năm nay. Đến giữa năm năm sau, WHO mong muốn có ít nhất 70% dân số toàn cầu được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Các quốc gia như Pháp đã bắt đầu tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ ba cho người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu, trong khi Israel đã tiêm liều tăng cường cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên sau 5 tháng kể từ khi tiêm mũi thứ hai.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()