Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:59 (GMT +7)
Giữ gìn nét đẹp văn hóa ứng xử trong gia đình
Chủ nhật, 27/06/2021 | 16:36:37 [GMT +7] A A
Gia đình là tế bào của xã hội. Dù xã hội phong kiến hay xã hội hiện đại, ở phương Đông hay phương Tây, dù có quan điểm khác nhau về mô hình, lối sống, phong cách sống thì những giá trị cốt lõi, toàn cầu, nhân bản của gia đình là chữ “hiếu”, “nghĩa”, “tình” vẫn luôn được đặt lên hàng đầu. Đó cũng chính là điểm tựa để mỗi cá nhân tự soi và điều chỉnh nhận thức, hành vi, thái độ, góp phần gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa ứng xử trong gia đình.
Sinh sống trong gia đình 3 thế hệ, mặc dù cả nhà vẫn luôn duy trì đều đặn những bữa cơm gia đình, cùng nhau tổ chức những chuyến du lịch gắn với vui chơi, thư giãn khi có điều kiện song chị Đỗ Ngọc Hoa (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) cũng nhận thấy rằng, sự kết nối giữa các mối quan hệ trong gia đình hiện nay dường như có sự lỏng lẻo hơn trước, do nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan.
Chị Hoa chia sẻ: Thực tế hiện nay, với tốc độ phát triển của mạng internet, của công nghệ hiện đại, tôi nhận thấy mình và các con đang có sự lệ thuộc vào máy tính, điện thoại thông minh. Chúng tôi dành nhiều thời gian hàng ngày cho việc lướt facebook, cập nhật thông tin từ mạng xã hội thay vì gần gũi, chia sẻ cùng nhau những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống. Những điều này đã và đang chi phối đến cuộc sống gia đình, văn hóa ứng xử giữa các thành viên.
Những băn khoăn của chị Hoa cũng là vấn đề của không ít các gia đình hiện nay. Giữa cuộc sống hối hả, bận rộn, mọi người vì phải dành nhiều thời gian cho công việc, từ đó thiếu đi những phút giây sẻ chia, gắn kết với các thành viên trong gia đình.
Trong suốt chiều dài lịch sử, gia đình Việt Nam truyền thống được gắn kết một cách bền chặt bằng tình nghĩa và trách nhiệm giữa các thành viên. Những nét đẹp ứng xử trong gia đình đã hình thành nên nhiều giá trị văn hóa mang tính truyền thống của người Việt, như: Sự hòa thuận, thủy chung, nghĩa tình, lòng yêu thương, hy sinh cho con cái; sự tôn trọng, hiếu lễ với ông bà, cha mẹ, anh em... Nhiều gia đình nhờ biết duy trì lối ứng xử có văn hoá đã tạo ra nền nếp, kỷ cương để mỗi thành viên cùng noi theo thực hiện, góp phần vun đắp gia đình hạnh phúc, hòa thuận.
Để gìn giữ và không ngừng phát huy những nét đẹp văn hóa ứng xử trong gia đình, trong những năm qua, các ngành, tổ chức đã phát động trong toàn tỉnh các phong trào thi đua “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”... , xây dựng và duy trì hiệu quả các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, phòng chống bạo lực gia đình...
Những mô hình, hoạt động này đã kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt trong công tác gia đình; cách ứng xử trong gia đình, trong quan hệ vợ - chồng, bố mẹ - con; các bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình; phê phán lối sống ích kỷ, thực dụng, vô cảm, đề cao vật chất mà đánh mất giá trị đạo đức, văn hóa ứng xử truyền thống trong gia đình.
Đặc biệt, cùng với Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành năm 2017, đến năm 2020, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Bộ Quy tắc ứng xử gồm 4 chương, 41 điều với các quy tắc về ứng xử trong gia đình, trong dòng họ, cộng đồng nơi cư trú, nơi công cộng và ứng xử trên mạng xã hội đối với các cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Đến nay, 13/13 địa phương đã tuyên truyền các nội dung của Bộ quy tắc ứng xử tới 100% khu dân cư trong tỉnh... Trong đó, các quy tắc ứng xử trong gia đình đều được đúc kết, kế thừa và phát triển từ những giá trị văn hoá gia đình Việt Nam truyền thống với nội dung dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Qua đó, nhằm khơi dậy, phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình, xây dựng gia đình đoàn kết, yêu thương, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau, góp phần hạn chế và đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Có nhiều cách để “thắp lửa” hạnh phúc gia đình, song việc gìn giữ văn hóa ứng xử trong gia đình chính là nền tảng quan trọng đầu tiên, là giá trị cốt lõi để giữ nếp nhà ấm êm, lan tỏa yêu thương và kết nối bền chặt giữa các thành viên, góp phần xây dựng xã hội ngày càng văn minh, phát triển bền vững.
Duy Khoa
Liên kết website
Ý kiến ()