Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 21:27 (GMT +7)
Bình Phước: Giữ gìn tiếng đàn của dân tộc
Thứ 2, 21/08/2023 | 09:54:48 [GMT +7] A A
Đàn nhị, đàn bầu, sáo trúc, trống cơm, đàn tranh… là những loại nhạc cụ truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam. Trong dòng chảy xô bồ của cuộc sống, sự tiện dụng của nhiều nhạc cụ hiện đại đã làm lượng người đam mê các loại nhạc cụ, nhạc khí truyền thống dần ít đi. Xuất phát từ tình yêu với những giai điệu quê hương, câu lạc bộ (CLB) “Đờn và hát dân ca” ở TP. Đồng Xoài đã thành lập gần 5 năm nay. Các thành viên CLB cùng nhau giữ gìn những giai điệu, thanh âm đặc sắc của dân tộc qua từng phím đàn, từng loại nhạc cụ cho hôm nay và cả mai sau.
Sân chơi của người yêu nhạc cụ
Hơn 20 thành viên với 9 loại nhạc cụ truyền thống, mỗi lần sinh hoạt CLB là mỗi lần họ được hòa cùng lời ca, tiếng đàn với những thanh âm mộc mạc, bình dị làm say lòng người. Tuy tuổi cao nhưng tình yêu âm nhạc dường như đã giúp họ trẻ lại. Niềm tin yêu cuộc sống được các thành viên lan tỏa trong từng giai điệu quê hương. Đó là tinh thần của những cựu chiến binh, người cao tuổi trong CLB “Đờn và hát dân ca” có địa điểm sinh hoạt tại xã Tân Thành, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
Dù hình thành chưa lâu nhưng niềm đam mê với các loại nhạc cụ dân tộc đã giúp thành viên trong CLB có cơ hội thường xuyên gặp gỡ, giao lưu sinh hoạt, cùng nhau luyện tập để thể hiện được nhiều bài hát mà mình yêu thích; giúp họ ngày càng có nhiều tiết mục phục vụ giao lưu trong các sự kiện ở địa phương. Điều lớn nhất mà các thành viên của CLB có được, đó là niềm vui của tuổi già, sự chia sẻ, giúp CLB ngày càng gắn kết và thu hút thêm nhiều thành viên mới tham gia.
Gia đình ông Phạm Văn Hoan ở xã Tân Thành có sân khấu và diện tích sân vườn rộng, ông luôn sẵn sàng tạo điều kiện để CLB có địa điểm sinh hoạt tập thể nghiêm túc và chuyên nghiệp. Ông rất mê đánh trống cơm, sau khi được hướng dẫn, ông đã tự học hỏi để có những tiết mục biểu diễn hấp dẫn cùng CLB. “Tôi vô cùng thích thú khi chơi được loại nhạc cụ này. Trong hát chèo phải có trống cơm mới thể hiện hết cái hồn của chèo truyền thống, tôi thích âm hưởng của nó nên cố gắng tập luyện” - ông Hoan vui vẻ chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Kim Bình ở xã Tiến Hưng, TP. Đồng Xoài bày tỏ: “Tôi đam mê thổi sáo đã gần 5 năm nay. Tôi cũng muốn đi giao lưu văn nghệ để vui thú tuổi già, vì vậy tôi đã quyết định tham gia CLB. Tại đây, tôi học hỏi và biết chơi thêm nhiều loại nhạc cụ khác. Hiện tôi có thể đánh được 3, 4 loại nhạc cụ”.
“Truyền lửa” cho giới trẻ
Để tiếng đàn dân tộc không bị mai một, việc hướng dẫn và “truyền lửa” đam mê cho thế hệ trẻ là điều mà các thành viên trong CLB đang hướng đến. CLB thường xuyên khuyến khích, tạo điều kiện cho lớp trẻ được tiếp xúc với các loại nhạc cụ dân tộc và mỗi thành viên CLB luôn chỉ dẫn tận tình để bồi dưỡng cho các em.
Em Đặng Văn Duy nhà ở gần CLB, khi thấy các cô, chú đánh đàn, Duy cũng bị thu hút và tò mò muốn khám phá. Khi được hướng dẫn em rất vui và học khá nhanh. Duy hào hứng chia sẻ: “Là một người trẻ, nhưng em rất thích các loại nhạc cụ dân tộc của Việt Nam, nhất là đàn nhị. Âm thanh nghe rất đặc biệt. Được các cô, chú hướng dẫn, em cảm thấy không khó sử dụng. Em sẽ cố gắng trau dồi các kỹ năng để ngày càng tinh thông, góp phần gìn giữ tiếng đàn của dân tộc”.
Khi có điều kiện hướng dẫn cho những người trẻ, ông Nguyễn Xuân Trượng ở xã Tiến Hưng rất hào hứng: “Các bạn trẻ tiếp thu khá nhanh, điều đó cũng khiến tôi vui lây. Tôi đã hướng dẫn tận tình cách ngồi, cách cầm vĩ, tập từ đơn giản đến phức tạp để các em về tự luyện thêm. Hy vọng các em sẽ nhanh tiến bộ”.
Bằng tình yêu, niềm say mê với các loại nhạc cụ truyền thống, những giai điệu mộc mạc của quê hương, các thành viên CLB “Đờn và hát dân ca” đang làm nên những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Họ đang nhân lên tình yêu với âm thanh của cuộc đời, giữ gìn tiếng lòng của dân tộc và “truyền lửa” cho thế hệ sau...
Theo baobinhphuoc.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()